Sau ít phút Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD, giá vàng trong nước “nhảy vọt” gần 1 triệu đồng, lên 35 triệu đồng/lượng.
Vay ODA xây dựng hạ tầng: Ý đồ rộng rãi của Nhật
- Cập nhật : 14/04/2016
(Tin kinh te)
Theo các chuyên gia, việc vay ODA để phát triển hạ tầng là cần thiết nhưng phải tính tới khả năng trả nợ của Việt Nam.
Chưa thể thoát khỏi vốn ODA
Hiện nay, rất nhiều dự án cao tốc của Việt Nam được xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA. Mới đây nhất, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương chuẩn bị được khởi công với số vốn ước tính hơn 17.200 tỷ đồng, trong đó chủ yếu huy động nguồn vốn ODA.
Đặt câu hỏi, trong bối cảnh, mỗi người Việt Nam đang gánh tới 29 triệu đồng nợ công và Việt Nam sắp phải tốt nghiệp lớp ODA, chủ trương sử dụng ODA xây dựng cơ sở hạ tầng liệu có phù hợp, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tại thời điểm này sử dụng vốn ODA cho hạ tầng cơ sở vẫn là điều cần thiết, Việt Nam chưa thể nào thoát khỏi việc vay vốn ODA.
"Trước hết, đó là nguồn vốn dồi dào để xây dựng hạ tầng cơ sở. Thứ hai, nguồn vốn đó tương đối rẻ so với vốn vay thương mại. Thứ ba, hiện tại khả năng ngân sách Việt Nam tự tài trợ cho các dự án lớn là khó nên việc vay ODA tại thời điểm này vẫn là cần thiết", TS Hiếu giải thích.
Vị chuyên gia cũng khẳng định, nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam là không thay đổi, vay bao nhiêu phải trả 100% nợ bấy nhiêu. Vấn đề là liệu Việt Nam có khả năng trả được nợ hay không?
"Tại thời điểm này, Việt Nam vẫn có khả năng trả nợ trong khả năng của mình nhưng nếu nợ công ngày càng lớn, vượt ngưỡng 65% thì khả năng trả nợ phải xem xét lại vì nếu vay quá nhiều thì gánh nặng nợ lớn, khả năng trả nợ của quốc gia sẽ sụt giảm.
Trong thời gian qua Việt Nam đã có hiện tượng đảo nợ, tức tái cơ cấu lại nợ để thời hạn trả nợ dài hơn, với lãi suất ưu đãi hơn. Cách tái cơ cấu lại nợ cần thiết nhưng chứng tỏ một điều là khả năng trả nợ của Việt Nam ngày càng suy giảm. Nên nhớ, đảo nợ có nghĩa là chúng ta không có khả năng trả nợ đó và phải tìm cách tái cơ cấu", ông Hiếu chỉ rõ.
Trong khi đó đó, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, việc tận dụng ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng là hợp lý và cần thiết bởi vốn ODA có đặc điểm là có ân hạn, lãi suất vay ưu đãi và thời gian vay có thể lên tới 20-30 năm. Tuy nhiên, ông lưu ý chúng ta tận dụng nguồn vốn ODA ở mức độ bao nhiêu và tận dụng cho dự án nào, đó mới là điều quan trọng.
"Chính phủ và các cơ quan liên quan, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi xem xét, đánh giá mức độ cần thiết của đầu tư sẽ đánh giá dự án nào cần sử dụng vốn ODA, dự án nào không cần, dự án nào làm trước, dự án nào làm sau...
Hiện nay có tình trạng các dự án sử dụng vốn ODA một cách xô bồ và tôi có cảm giác ai "ngọt ngào" thì được hưởng vốn ODA, nghĩa là có lợi ích nhóm ở đây. Thực tế cho thấy có những dự án dù không cần thiết lắm nhưng được đầu tư rất nhanh, dẫn đến nợ đọng, không trả được nợ, gây ra nợ công lớn cho đất nước.
Do đó phải xem lại cái này, dự án thật cần thiết mới dùng vốn ODA, không thể dùng tràn lan vì ODA không phải là cho không. Các cơ quan chức năng có nhiệm vụ đánh giá phải hiểu và nắm được bản chất của vấn đề để phân bổ ODA cho hợp lý", ông Thủy nhấn mạnh.
Vì sao Nhật rộng rãi ODA với Việt Nam?
Rất nhiều dự án đã và sắp triển khai của Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Lý giải việc Tokyo rộng rãi các khoản vay với Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định, Nhật Bản là nước có quan hệ tốt với Việt Nam và họ muốn giúp Việt Nam phát triển. Đây cũng là một trong những quốc gia nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam, kể cả về vốn vay không hoàn lại lẫn vốn vay ưu đãi.
Từ đó, họ muốn giúp một phần kinh phí để Việt Nam phát triển kinh tế và quốc phòng. Tuy nhiên, ở Nhật Bản lãi suất vốn vay gần như 0%, nếu cho Việt Nam vay, dù là lãi suất ưu đãi thì nó vẫn làm lợi cho kinh tế Nhật Bản.
"Việc dùng vốn vay của Nhật Bản là hợp lý vì Việt Nam cũng chẳng có cách nào khác, chúng thiếu vốn trong khi họ có ưu đãi. Nhưng như đã nói, cơ quan chức năng phải tính toán khả năng trả nợ, tránh để nợ chồng nợ", ông Thủy lưu ý.
Thành Luân
Theo Báo Đất Việt