Nhiều dự án hạ tầng giao thông thuộc các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không dự kiến sẽ được nhượng quyền khai thác cho nhà đầu tư nước ngoài khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa những dự án này vào danh mục mời gọi đầu tư nước ngoài từ nay đến năm 2020.
"Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt"
- Cập nhật : 08/08/2015
(Viet Nam)
Sáng 7-8, hội thảo “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA tại Việt Nam” do Ban Kinh tế trung ương chủ trì với sự phối hợp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã diễn ra tại Đà Nẵng.
Quang cảnh khai mạc hội thảo quốc tế “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA tại Việt Nam” diễn ra sáng 7-8 tại Đà Nẵng - Ảnh: KIM EM
Theo báo cáo tại hội thảo, tính đến tháng 12-2012 đã có 20 hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (gọi tắt là Hội nghị CG thường niên) được tổ chức.
Nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới ba hình thức chủ yếu gồm ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%, ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8-10%.
Lũy kế từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỉ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỉ USD, bình quân 3,5 tỉ USD/năm, vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỉ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.
Theo báo cáo, hiệu quả sử dụng vốn ODA cũng được các nhà tài trợ đánh giá tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt.
Khoảng 80 tỉ USD mà các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua không chỉ mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực... mà còn khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển của Đảng và Chính phủ Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.
Tuy nhiên khi nhìn nhận về một số hạn chế trong việc sử dụng nguồn vốn ODA, ông Vương Đình Huệ - ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế trung ương - cho rằng việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu do thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng một cách có hiệu quả hơn, nhất là sau khi Việt Nam “tốt nghiệp IDA” vào năm 2018 và những năm tiếp theo.
Trên thực tế, các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA. Do các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu.
Do vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập.
Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá cao việc huy động và sử dụng nguồn vốn ODA tại Việt Nam trong 20 năm qua và lưu ý các bộ, các địa phương trong nước phải sử dụng nguồn vốn này sao cho thật hiệu quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Phó thủ tướng cũng mong muốn cộng đồng quốc tế và các tổ chức, các nhà tài trợ ở các nước tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam có thêm nguồn tài chính để Việt Nam có điều kiện cải cách kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa ra định hướng về sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới dự kiến như sau:
- Đối với vốn ODA không hoàn lại: sử dụng thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người; hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
- Đối với vốn vay ODA: sử dụng chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; những chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có thể tạo ra nguồn thu để phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội quốc gia.
- Đối với vốn vay ưu đãi: sử dụng đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ chắc chắn như xây dựng các nhà máy điện, các tuyến đường cao tốc thu phí, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao ở các thành phố lớn, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao...