Giá cổ phiếu, hàng hóa và tiền tệ đều lao dốc mạnh. Thậm chí mức tăng của thị trường trái phiếu cũng dễ dàng bị “thổi bay” vì lạm phát (dù ở mức thấp).
Fed đang ghìm giá USD, tin tốt cho chứng khoán
- Cập nhật : 22/03/2016
(Chung khoan)
Đồng USD mạnh là thủ phạm thực sự đứng đằng sau những hỗn loạn gần đây trên thị trường toàn cầu.
Chứng khoán Mỹ đang lấy lại số điểm đã mất sau đợt bán tháo trong 6 tuần đầu năm. Tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nỗi lo đồng nhân dân tệ mất giá, giá dầu thấp kéo dài và quyết định nâng lãi suất vào tháng 12 năm ngoái của Fed là những nguyên nhân mà nhà đầu tư cho là đã gây ra sự hỗn loạn trên thị trường toàn cầu trong năm nay.
Nhưng phản ứng của thị trường trước kết quả cuộc họp hôm 16/3 của Fed đã hé lộ thủ phạm thực sự: đồng USD mạnh.
“Nhìn bề ngoài, nhiều biến động trên thị trường dường như khởi nguồn từ những tác nhân độc lập. Nhưng chúng đều có một mẫu số chung và đó là đồng USD”, Binky Chadha, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu của Deutsche Bank cho biết.
Hôm 16/3, Fed đã làm các nhà đầu tư ngạc nhiên vì đưa ra nhận định thận trọng hơn khi dự kiến chỉ nâng lãi suất hai lần trong năm 2016 so với con số bốn lần hồi tháng 12 năm ngoái. Giá USD đã giảm mạnh so với các đối thủ khác khi chỉ số đôla ICE, thước đo giá trị của USD so với sáu đồng tiền mạnh khác, giảm xuống mức thấp nhất trong năm 2016 vào hôm 17/3 vừa qua.
Nhận định mềm mỏng hơn của Fed đã khiến nhiều chuyên gia tiền tệ - bao gồm Vasileios Gkionakis, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu của UniCredit, cảm thấy lạc quan rằng giá USD sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.
Điều này báo hiệu một tương lai tốt lành cho chứng khoán Mỹ. Thực vậy, chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đều đã lấy lại số điểm đã mất từ đầu năm vào hôm 17/3. Và các nhà đầu tư tin rằng sự hỗn loạn trên thị trường đã kết thúc, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Có một số lý do giải thích tại sao tỷ giá USD lại có ảnh hưởng đến những thị trường khác.
Khi đồng USD yếu, dầu thô - được định giá bằng USD - trở nên dễ giao dịch hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác. Điều này có thể thúc đẩy lực cầu và nâng giá dầu. Theo lịch sử, giá USD và giá dầu thường duy trì quan hệ tỷ lệ nghịch. Lần đầu tiên, giá dầu giao tương lai đã vượt qua mốc 40 USD vào hôm 17/3. Giá dầu và kim loại tăng có thể giúp các công ty năng lượng và khai khoáng đang gặp khó khăn cảm thấy dễ thở hơn.
Ngoài ra, việc đồng USD suy yếu cũng làm các công ty Mỹ thu về lợi nhuận cao hơn. Kể từ quý hai năm 2015, các công ty có trụ sở ở Mỹ thường xuyên đổ lỗi cho đồng USD mạnh vì lợi nhuận thu về ít hơn dự kiến. Điều này có thể thay đổi khi các công ty công bố lợi nhuận quý hai năm nay do chỉ số đôla ICE đã giảm gần 5% so với một năm trước.
“Đồng USD tăng giá đã gây ra nhiều tác động tiêu cực lên khoản lợi nhuận ở nước ngoài của doanh nghiệp Mỹ trong những quý gần đây. Khi USD ổn định và nền kinh tế tiếp tục cải thiện, chúng ta sẽ thấy lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn”, Colin Cieszynski, trưởng bộ phận chiến lược thị trường của CMC Markets nhận định.
Tất nhiên, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Sau đợt nâng lãi suất thứ hai của Fed mà nhiều nhà đầu tư dự đoán sẽ bắt đầu vào tháng 6 năm nay, đồng USD có thể sẽ lấy lại đà tăng giá của mình. Nhưng ít nhất vào thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đã có thể thở phào nhẹ nhõm.