tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường tài chính Châu Á: Nâng cao vị thế là động cơ của tăng trưởng

  • Cập nhật : 12/05/2016

(Tin kinh te)

Bức tranh toàn cảnh của hệ thống NH có những thay đổi rõ nét trong 5 năm vừa qua, đóng góp vào thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam.

“Thành công của các bạn, các nhà đầu tư cũng chính là thành công của Việt Nam, và Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác vì một cộng đồng châu Á và thế giới vững mạnh, ổn định và bền vững” - đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Ngân hàng châu Á lần thứ 17 năm 2016 (The Asian Banker Summit 2016) diễn ra vào ngày 11/5 tại Hà Nội.

Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Ngân hàng châu Á là sự kiện do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và The Asian Banker phối hợp tổ chức trong ba ngày từ 10 - 12/5/2016, với sự tham dự của hơn 1.000 lãnh đạo ngành NH trên toàn thế giới đến từ hơn 30 quốc gia khu vực châu Á và các nước có nền kinh tế phát triển.

Và việc Việt Nam được lựa chọn tổ chức Hội nghị lần này đã khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống NH Việt Nam nói riêng.

Với chủ đề “Các đột phá mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những nội dung thảo luận của chủ đề tại Hội nghị năm nay rất phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực hiện nay đang có nhiều biến động và thách thức như: Đà phục hồi kinh tế toàn cầu không đồng đều và thấp hơn dự báo; tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Á có xu hướng chậm lại; diễn biến phức tạp của thiên tai, thảm họa và biến đổi khí hậu gây tác động nặng nề trong khu vực.

Đồng thời, với việc hàng loạt Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa được thành lập cũng đặt ra thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia. Yêu cầu về sự thay đổi, đổi mới sáng tạo cần được coi là động lực cho tăng trưởng, vượt qua thách thức, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại phiên khai mạc Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, trong nền kinh tế đặc thù như Việt Nam - khi hệ thống NH là kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế, thời gian qua hệ thống NH Việt Nam đã thực hiện nỗ lực cải cách toàn diện nhằm phát huy tối đa vai trò của mình, đáp ứng với sự phát triển năng động của nền kinh tế đang đổi mới mạnh mẽ.

Song song với quá trình cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập với nền kinh tế khu vực và quốc tế. Hai dấu mốc quan trọng và gần đây nhất của tiến trình hội nhập ngành Ngân hàng là việc AEC chính thức được thành lập và kết thúc đàm phán, ký kết một loạt các Hiệp định thương mại tự do quan trọng, trong đó nổi bật là Hiệp định TPP.

Quá trình hội nhập quốc tế vừa là cơ hội vừa là áp lực và cả động lực để các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tài chính trong nước không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Theo đánh giá của ông Alain Chevalier, Chủ tịch The Asian Banker Summit, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam là một trong những thị trường hứa hẹn của các nhà đầu tư và cần quan tâm hơn nữa tới sự phát triển công nghệ để bắt kịp với xu hướng phát triển của thị trường tài chính thế giới và trong khu vực.

Đồng quan điểm này, diễn giả quốc tế Barney Frank (đồng tác giả Đạo luật Dodd - Frank, cựu Chủ tịch Uỷ ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, Quốc hội Hoa Kỳ từ năm 2007 – 2011) cho rằng: thế giới luôn có sự biến đổi, và sự có mặt của công nghệ sẽ giúp cho ngành NH phát triển lên rất nhiều.

Ông cũng chia sẻ thêm, để giảm thiểu khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính như quá khứ của năm 1997 thì việc quan tâm tới khả năng, công tác dự đoán, dự báo là rất quan trọng. Bởi căn cứ vào đó, thị trường tài chính của mỗi quốc gia sẽ có được cơ chế điều tiết, hay những quy định để từ đó giải quyết những thách thức, khó khăn gặp phải.

Có điểm chung trong các phát biểu của nhiều diễn giả tại Hội nghị lần này: thị trường tài chính khu vực Châu Á đang trong trạng thái phát triển, do còn manh mún, thiếu sự hài hoà. Các yếu tố như sự xoá bỏ trung gian, đổi mới công nghệ và phát triển của các quy định đã đẩy ranh giới của điều kiện hoạt động lên một tầm cao mới. Do đó đòi hỏi cần có sự thay đổi nhanh chóng.

Trở lại với Việt Nam, bức tranh toàn cảnh của hệ thống NH có những thay đổi rõ nét trong 5 năm vừa qua, đóng góp vào thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam. Cùng với quá trình cải cách hệ thống NH, thời gian qua, thực tế cho thấy Việt Nam đã có những bước chủ động tích cực trong việc hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Với việc chính thức hình thành AEC, cộng với đàm phán ký kết thành công một loạt các Hiệp định thương mại đã mở ra cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, cũng như hệ thống NH Việt Nam nói riêng những cơ hội vàng, thời cơ vàng để nâng cao năng lực cạnh tranh và ngày càng lớn mạnh.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Đổi mới toàn diện, nhất quán mục tiêu

Chúng tôi đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo Ngân hàng châu Á lần thứ 17 - Diễn đàn chính thức cấp cao uy tín để các nhà Lãnh đạo ngân hàng, các chuyên gia và cơ quan quản lý thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề và thách thức mới đang nổi lên trong khu vực và toàn cầu.

Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ Chủ đề của Hội nghị lần này: “Các đột phá mới” - phản ánh tầm nhìn dài hạn với quyết tâm thực hiện đổi mới sáng tạo, hướng tới một cộng đồng tài chính ngân hàng năng động, hiệu quả, vượt qua thách thức để cùng phát triển.

Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đã kiên trì theo đuổi thực hiện đường lối đổi mới đồng bộ và toàn diện trên mọi mặt của nền kinh tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong đó, ngành Ngân hàng Việt Nam là một trong những ngành luôn tiên phong trong công cuộc đổi mới, thực hiện tốt vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới và hướng tới phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7% trong giai đoạn 2016 - 2020.

Chính phủ Việt Nam khẳng định tiếp tục đổi mới toàn diện nền kinh tế, thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh để hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, từ nay đến năm 2020 sẽ mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên của G - 20.

Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để cùng hướng tới thành công. Thành công của các bạn, các nhà đầu tư cũng chính là thành công của Việt Nam và luôn sẵn sàng hợp tác vì một cộng đồng châu Á và thế giới vững mạnh, ổn định và thịnh vượng.

Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng:

Biến thách thức thành cơ hội phát triển

Với bất kỳ nền kinh tế nào, hệ thống tài chính ngân hàng luôn đóng vai trò cầu nối và là chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Thời gian qua hệ thống NH Việt Nam đã thực hiện nỗ lực cải cách rất toàn diện nhằm phát huy tối đa vai trò của mình, đáp ứng với sự phát triển năng động của nền kinh tế đang đổi mới mạnh mẽ.

Sau 30 năm đổi mới, đặc biệt trong 5 năm vừa qua, bức tranh toàn cảnh của hệ thống NH đã có những đổi thay tích cực, đóng góp vào thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam... Những thành tựu này được dư luận trong nước cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Đứng trước yêu cầu phát triển của giai đoạn mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, NHNN Việt Nam tiếp tục xác định cải cách NH là tất yếu khách quan và là nhu cầu nội tại của hệ thống cần được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục để chủ động ứng phó, đối phó với những khó khăn, diễn biến cũng như thách thức ngày càng khó lường; và biến thách thức thành cơ hội phát triển bền vững hơn trong tương lai...

 Ngành Ngân hàng cũng như NHTW của Việt Nam coi quá trình hội nhập quốc tế là cơ hội và cũng là áp lực, động lực để các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức NH, TCTD Việt Nam không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực cải cách và hội nhập sâu rộng với hệ thống tài chính khu vực và thế giới, không ngừng nâng cao năng lực, áp dụng các chuẩn mực quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường Việt Nam.

Và trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ tới đây, chúng tôi tin tưởng và rất mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn vào quá trình cải cách chung của nền kinh tế Việt Nam cũng như của hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu các ngân hàng trong nước. Chúng tôi tin tưởng vững chắc giai đoạn này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho tất cả chúng ta…

(PV lược ghi)

 

Nhóm phóng viên Chuyên đề
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục