Sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp xuất khẩu có thể làm đánh mất đi cả hàng triệu USD...
Thương mại điện tử: Có lòng tin thì tiêu dùng sẽ bùng nổ
- Cập nhật : 12/05/2016
(Tin kinh te)
Thanh toán điện tử (TTĐT) đã tốt, nhưng rào cản lớn nhất để thương mại điện tử (TMĐT) phát triển chính là lòng tin của người tiêu dùng (NTD) cần được củng cố.
Đó là điểm chính yếu được rút ra tại hội thảo “Dịch vụ TTĐT với phát triển TMĐT: Xu thế và đổi mới”, do Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 11/5.
Rào cản niềm tin
Bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam từ đầu thế kỷ này, TMĐT cho đến nay không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà mở rộng trên phạm vi cả nước. Nhiều mô hình kinh doanh mới đã hình thành… Và theo bà Lê Thị Hà (Cục TMĐT và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương), tiềm năng phát triển của lĩnh vực này vẫn còn rất lớn.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ trong giai đoạn 2013-2015, giao dịch TMĐT loại hình DN với NTD (B2C) có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, từ 2 tỷ USD lên hơn 4,07 tỷ USD. Con số này của năm 2015 còn cao hơn cả Indonesia. Theo bà Hà, kết quả này có sự đóng góp rất lớn của NTD sử dụng Internet, khi mỗi năm họ chi tiêu tới 160 USD cho mua bán trực tuyến.
Hạ tầng công nghệ phát triển đã tạo nền tảng cho các bước thành công trên. Hiện nay, tỷ lệ người truy cập Internet ở Việt Nam chiếm khoảng 45% dân số, tương ứng với khoảng 41 triệu người, đứng ở vị trí TOP 10 châu Á và TOP 20 các quốc gia trên thế giới. Và trong xu hướng tăng trưởng của nhu cầu sử dụng thiết bị di động, Việt Nam cũng đang là quốc gia có lợi cho TMĐT. Số lượng thuê bao di động trong nước hiện khoảng 127 triệu/91 triệu dân. Lượng truy cập Internet từ thiết bị di động hiện chiếm 85%, trong khi năm ngoái mới là 65%…
“Nếu nhân 62% người sử dụng Internet có mua sắm trực tuyến hiện nay với 41 triệu người truy cập Internet, tức khoảng gần 30 triệu người chi tiêu 160 USD/năm, thì đấy là một tiềm năng rất lớn cần được khai thác”, bà Hà nói.
Thế nhưng, các kết quả khảo sát về hình thức thanh toán lại là nỗi buồn của ngành TMĐT ở Việt Nam, khi đa số NTD sử dụng thanh toán COD - thanh toán khi nhận hàng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, rào cản trong phát triển TMĐT ở Việt Nam không phải do lỗi ở khâu thanh toán. “Sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo là trở ngại lớn nhất khi NTD quyết định mua sắm trực tuyến…”, bà Hà cho hay.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương thì khuyến cáo, 2015 và 2016 là năm bản lề đánh dấu bước phát triển mới của Việt Nam với sự tham gia của Việt Nam vào nhiều FTA, trong đó có TPP. Cùng với đó, TMĐT và TTĐT cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, dù đã được hình thành và phát triển nhưng đến nay vẫn còn mới và ứng dụng của nó còn hạn chế. Đây là thách thức của Việt Nam, khi trên thế giới các nước đang đứng trước kỷ nguyên phát triển công nghệ mạnh mẽ, trong đó có TMĐT.
Hạ tầng thanh toán đã sẵn sàng
Phân tích hiện trạng TMĐT hiện nay, bà Lê Thị Hà cho rằng, đến năm 2015 thì riêng hạ tầng TTĐT không còn là khó khăn. Thậm chí, đó là cơ sở để chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm phát triển TMĐT. Đồng tình với quan điểm trên, bà Hoàng Tuyết Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, ngành NH với chức năng, nhiệm vụ là cung ứng dịch vụ, quản lý các hoạt động thanh toán đã triển khai những nền tảng cho TTĐT từ rất sớm, trước cả khi Luật Giao dịch điện tử ra đời.
Ngay từ năm 1998, chúng ta đã có hệ thống chuyển tiền nội bộ và VietinBank là NH đầu tiên được thí điểm chuyển tiền điện tử. Đến 2012 đã có hệ thống TTĐT liên NH, giúp rút ngắn thời gian thanh toán giữa các NH từ 5-7 ngày/giao dịch trước đó xuống còn vài giây/giao dịch… Đến nay, đã có 65 NH đã cung ứng dịch vụ Internet Banking, 35 NH cung cấp dịch vụ thanh toán Mobile Banking. Ngoài ra, rất nhiều tổ chức trung gian thanh toán có thể hỗ trợ cho các khách hàng tham gia thanh toán online phục vụ TTĐT. “Như vậy, TTĐT không phải là mới với Việt Nam mà đã hình thành từ rất lâu”, bà Minh khẳng định.
Cũng theo vị lãnh đạo Vụ Thanh toán, với chức năng vai trò của NHNN tham mưu cho Chính phủ trong phát triển thanh toán, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt, và luôn coi đây là nhiệm vụ hàng đầu. Số lượng thẻ hoặc tài khoản cá nhân tăng qua từng năm, hiện đã tăng 200% so với năm 2010. Nếu chia bình quân mỗi người dân đều có 1 thẻ, có cá nhân 3-4 thẻ. “Các NH hiện nay hoàn toàn có đủ nền tảng, đủ khả năng để đảm bảo TTĐT cho người dân và DN”, bà Minh khẳng định.
Đại diện NHNN cũng cho biết thêm, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình, phương tiện, hệ thống TTĐT mới phát triển, đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động ổn định của các hệ thống TTĐT tại Việt Nam.
Bên cạnh đó là xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các NHTM và các tổ chức không phải NH để triển khai các sáng kiến mới phát triển TTĐT, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán, nhất là đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán mới; đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng các dịch vụ TTĐT, qua đó bảo vệ quyền lợi NTD…
Dương Công Chiến
(Thời báo Ngân hàng)