Thời gian qua, câu chuyện trốn thuế, né thuế, chuyển giá của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được nhắc đến rất nhiều.
Liên quan đến “Hồ sơ Panama”: Né thuế hay trốn thuế?
- Cập nhật : 13/05/2016
(Tin kinh te)
Những “thiên đường thuế” kiểu như Panama được xem là một trong những nơi trú ẩn khá an toàn cho những dòng tiền “đen” của các nhà tài phiệt, doanh nhân, chính trị gia trên thế giới. Thế nhưng, phải thẳng thắn nhìn nhận ,việc 189 tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có tên trong “hồ sơ Panama” chưa thể đồng nghĩa với việc các cá nhân, tổ chức này đang sở hữu những đồng tiền bất chính.
Hồ sơ Panama được công bố đang gây chấn động toàn thế giới. Ảnh: ST.
Hệ lụy của xói mòn thuế
Ngay sau khi một phần của “Hồ sơ Panama” được công bố về danh tính của 189 tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan, Tổng cục Thuế đã kịp thời thành lập tổ công tác điều tra để làm làm rõ có dấu hiệu trốn thuế hay né thuế đối với 189 tổ chức, cá nhân bị nêu tên.
Trước đó, trả lời phỏng vấn Báo Hải quan, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn - Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Phụng cho biết, vụ việc "Hồ sơ Panama" đã thức tỉnh cho ngành Thuế. Qua đây, chúng ta có nhiều nguồn thông tin và tăng cường trao đổi để tránh rủi ro về thuế.
Còn theo nguồn tin riêng của Báo Hải quan, Tổ công tác của cơ quan Thuế sẽ đối chiếu với các cơ sở dữ liệu của ngành Thuế, các nguồn thông tin về các DN trong nước, DN đầu tư ra nước ngoài; thông tin về giao dịch qua hệ thống ngân hàng… Ngoài ra, cơ quan Thuế sẽ phân tích đánh giá rủi ro làm rõ các mối quan hệ kinh doanh, các giao dịch giữa cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên kết với những cá nhân, tổ chức nào ở nước ngoài... để từ đó, phân loại mức độ trốn thuế, né thuế hay tội phạm.
Bởi theo phân tích của ông Nguyễn Văn Phụng, phải hiểu rõ về bản chất trốn thuế và tránh thuế là các khái niệm khác nhau, hành vi khác nhau, bản chất khác nhau và do vậy cần phải có thái độ, có chế tài xử lý rõ ràng, phân biệt giữa trốn thuế và tránh thuế. Bởi tránh thuế/né thuế là việc lợi dụng các kẽ hở của luật pháp để tận dụng các lợi thế nhằm giảm nhẹ nghĩa vụ thuế “một cách hợp pháp”. Còn trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật cần phải trừng trị mạnh tay.
Còn theo nguồn tin của Báo Hải quan, chúng ta không loại trừ trường hợp cá nhân, tổ chức có thu nhập khủng ở trong danh sách “hồ sơ Panama” nhưng chưa chắc họ đã vi phạm trốn thuế vì trong giai đoạn trước Việt Nam đã thực hiện ưu đãi thuế rất nhiều. Do vậy, có một số DN có thu nhập khủng ở Việt Nam và chuyển các khoản lợi nhuận này đến “thiên đường thuế”. “Đây chính là hệ quả của sự xói mòn thuế ngay trong chính sách” - nguồn tin này phân tích.
Điều này cũng được phản ánh trong một nghiên cứu do Tổ chức ActionAid Việt Nam và Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam thực hiện và công bố năm 2015. Theo đó, Luật TNDN của Việt Nam ban hành từ năm 1997 đến nay đã được sửa đổi ba lần (2003, 2008 và 2013). Qua mỗi lần, biểu suất thuế chuẩn đều giảm đáng kể. Lần sửa đổi năm 2008, thuế suất giảm từ 28% xuống còn 25%; lần sửa đổi năm 2013 tiếp tục đưa mức thuế suất xuống 22% và giảm xuống còn 20% từ năm 2016. Cũng theo ActionAid Việt Nam, mỗi năm Việt Nam mất 20 triệu USD do các DN FDI tránh thuế, chủ yếu qua hình thức chuyển giá.
Xử lý thận trọng
Theo một chuyên gia có nhiều năm làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, bản chất của việc các đại gia có tên trong “hồ sơ Panama” là bình thường. Ở các thiên đường thuế này, thuế suất thấp hơn bình thường, có khi là 0%. Ở những nước ấy, họ sinh sống bằng tiền tư vấn dịch vụ của việc mở tài khoản, thuế GTGT. Đa số người mở tài khoản ở Panama họ không duy trì cuộc sống ở đấy nên thuế GTGT không phải nộp. Nhưng họ phải trả phí luật sư, phí duy trì tài khoản cao hơn bình thường.
Nhìn chung khi có đầu tư ra nước ngoài, Nhà nước cũng có quy định đầy đủ để kiểm soát dòng tiền ra vào theo các dự án đầu tư. Mặt khác, giả sử có trường hợp những cá nhân cất giấu tiền ở các thiên đường thuế, quan trọng là cơ quan Thuế phải kiểm soát được thu nhập của người đó trước khi họ chuyển tiền sang Panama. Giả sử thu nhập kê khai ở Việt Nam là 1 mức, nhưng ở Panama số tiền ở tài khoản lớn gấp trăm lần số thuế kê khai ở Việt Nam thì có dấu hiệu sai phạm.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, ở Việt Nam, kiểm soát dòng tiền khó khăn. Quy định chuyển khoản giữa các tổ chức có rồi, nhưng thực tế vẫn có giao dịch “đen” lên đến 1 tỷ đồng, vài tỷ đồng không thông qua chuyển khoản.
Còn theo ý kiến của chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực với báo giới bên lề cuộc Hội thảo về kinh tế 2016 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách tổ chức mới đây, những người có tên trong danh sách chủ yếu là chủ DN tư nhân có thu nhập từ tiền làm ăn chính đáng. Cái chưa được của họ có thể là lách thuế (?). Cho nên phải bình tĩnh suy xét. Tất nhiên chúng ta cũng nên có hình thức theo dõi các nước làm thế nào trước vấn đề này để có hình thức giải quyết phù hợp.
Đứng ở góc độ cơ quan Thuế, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, vụ việc “hồ sơ Panama” sẽ thúc đẩy Việt Nam rà soát lại các ưu đãi thuế và xem xét chính sách phù hợp, không phù hợp mới có thể đưa ra chính sách ưu đãi cần cắt bỏ và thay đổi; Tăng cường quản lý rủi ro, để chia sẻ thông tin với cơ quan Thuế các nước. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn phải nâng cao năng lực cho cán bộ công chức Thuế để giám sát được các DN trong và ngoài nước trong khi các thủ tục đang ngày càng được đơn giản hóa. Chúng ta phải tận dụng được lợi ích của các Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để trao đổi thông tin, dữ liệu về DN đầu tư.
Tổ chức ActionAid Việt Nam đưa ra khuyến nghị, Chính phủ cần liệt kê một cách đầy đủ và hệ thống chi phí của các ưu đãi thuế trong các báo cáo chi tiêu ngân sách thuế và phải được công bố hàng năm. Ngoài ra, Chính phủ cần phối hợp với các nước láng giềng để xây dựng các chính sách ưu đãi thuế, tránh việc tạo ra một cạnh tranh về thuế…
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright: "Thiên đường thuế" gây đau đầu cho nhiều quốc gia
Việc mở một công ty ở “thiên đường về thuế” như Panama, DN sẽ có được những lợi ích. Lợi ích là họ tránh được một nghĩa vụ thuế rất lớn mà đáng lẽ những DN này phải nộp cho các Chính phủ. Thay vì 100 đồng lợi nhuận kiếm được ở Việt Nam, DN sẽ phải nộp 20 đồng thuế, nay nếu 100 đồng đó phát sinh ở Panama thì họ chẳng phải nộp đồng thuế thu nhập nào, hoặc nếu có thì rất ít. Có nghĩa các đơn vị ở Việt Nam, chuyển tiền lập công ty ở Panama, rồi từ đó đầu tư trở lại Việt Nam, họ sẽ được lợi nhuận tốt hơn khi mức thuế ở các thiên đường thuế thấp hơn Việt Nam nhiều
Đứng ở góc độ pháp luật Việt Nam, chúng ta chỉ có thể xem xét các giao dịch xuyên biên giới của họ, bao gồm các giao dịch về hàng hóa, dịch vụ và cả tiền tệ (ngoại hối) có được khai báo trung thực, đầy đủ, hợp lệ và minh bạch theo quy định của pháp luật hay không? Các giao dịch về tiền tệ, sử dụng ngoại hối có tuân thủ đầy đủ quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như Pháp lệnh quản lý ngoại hối không? Các hoạt động đầu tư ra nước ngoài có tuân thủ các quy định về giấy phép về phạm vi và lĩnh vực hoạt động hay không? Có hoạt động kinh doanh hay giao dịch hàng hóa, dịch vụ phát sinh đối với thực thể ở nước ngoài hay không?...
Bởi vì một trong những đặc điểm của hành vi tránh thuế ở các tax haven (nơi trú ẩn thuế) này là hầu như không có hoạt động tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nào diễn ra ở đây cả. Người ta chỉ đăng ký một thực thể pháp lý ở đó, nhưng thực thể này thường không có hoạt động sản xuất, không tổ chức lưu kho, không tổ chức phân phối, hậu cần cho sản xuất. Chúng chỉ là một thực thể pháp lý được đăng ký nhằm để hợp thức hóa hay tiến hành các thủ thuật kế toán.
Theo OECD có 4 đặc điểm của 1 tax haven: Không có thuế hoặc thuế rất thấp; Thiếu cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả, tức là những tax haven này không hợp tác với các quốc gia hay Chính phủ khác trong vấn đề chia sẻ thông tin; Thiếu sự minh bạch; Không có nhiều hoạt động đáng kể.
Chính phủ các nước như Mỹ, EU... cũng rất đau đầu về các tax haven này. Nó làm thất thu ngân sách rất nghiêm trọng. Một số ước tính cho thấy, nguồn thu thuế toàn cầu bị tổn thất rơi vào các nơi này khoảng 190 tỷ USD trong năm 2012. Với một đất nước vẫn chủ yếu dùng tiền mặt, kiểm soát thanh toán lỏng lẻo như Việt Nam, thì việc có dòng tiền chạy ra nước ngoài lách thuế, hay gửi ở nước ngoài cũng nhiều khả năng xảy ra hơn và mức độ kiểm soát cũng khó hơn.
L.B (thực hiện)
Thu Hằng- Lương Bằng
(Theo Báo Hải Quan)