Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
Thay đổi cơ bản xây dựng kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư
- Cập nhật : 09/05/2016
(Tin kinh te)
Tháng 10/2016, Quốc hội sẽ thông qua Kế hoạch Đầu tư trung hạn, giai đoạn 2016 - 2020. Theo TS. Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đây là bước thay đổi căn bản trong xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn vốn đầu tư.
Ông đánh giá thế nào về Kế hoạch Đầu tư trung hạn, giai đoạn 2016 - 2020 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng?
Đây là lần đầu tiên, chúng ta khắc phục tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc ra từng năm, chuyển sang xây dựng kế hoạch trung hạn và chuyển từ cân đối vốn hàng năm sang cân đối 5 năm, nên có được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối vốn ngân sách nhà nước trong 5 năm.
.
Từ trước tới nay, chúng ta cân đối nguồn vốn hàng năm. Vào tháng 10 năm trước, Chính phủ tính toán sang năm có được từng này tiền, đầu tư từng này sẽ bảo đảm được nợ công, bội chi, nhưng với hàng ngàn lý do khác nhau, hầu như dự án nào cũng bị đội vốn. Dự án đang đầu tư bị thiếu vốn, dự án khởi công mới không có vốn phải phải đi vay, vay không đủ thì ứng trước kế hoạch vốn của năm sau. Năm sau lại vẫn tiếp tục đầu tư tràn lan, đầu tư dàn trải, vốn đã thiếu lại phải trả một phần vốn ứng trước, nên buộc phải gia tăng vay nợ, khiến nợ công và bội chi tăng, nhưng nợ đọng xây dựng cơ bản không giảm, mà lại tiếp tục tăng.
Với kế hoạch đầu tư trung hạn, sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, tạo ra chuyển biến căn bản trong xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn vốn, bảo đảm bố trí vốn tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải kéo dài nhiều năm qua. Kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ triệt để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả vốn ứng trước, xác định rõ nhu cầu đầu tư để hoàn thành các dự án chuyển tiếp, nhu cầu vốn đối ứng cho chương trình, dự án ODA…
Vừa muốn giảm bội chi từ 6,11% GDP năm 2015 xuống 4% GDP vào năm 2020; giảm nợ công, nợ chính phủ, đồng thời lại muốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, các mục tiêu này liệu có mâu thuẫn nhau trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 không, thưa ông?
Các mục tiêu này hoàn toàn không hề mâu thuẫn nhau. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 5.617.100 tỷ đồng, tương đương 31,7% GDP. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 21,6%; vốn trái phiếu chính phủ chiếm 5,8%; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chiếm 5%, còn lại 67,6% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội do cư dân và các thành phần kinh tế khác đầu tư. Tỷ trọng vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước quá lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (chiếm 32,4%), khiến bội chi, nợ công, nợ chính phủ tăng mạnh.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt 9.813.000 - 10.697.000 tỷ đồng, bằng 32-34% GDP. Như vậy, tổng nguồn vốn tăng 1,75-1,9 lần so với giai đoạn trước, bảo đảm cho nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong tổng nguồn vốn này, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 15,7%; vốn trái phiếu chính phủ chiếm 2,4% và vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chiếm 3,6%. Tổng 3 nguồn vốn này chỉ chiếm 21,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giảm rất mạnh so với mức 32,4% của giai đoạn trước, nên sẽ giảm được bội chi, nợ công, nợ chính phủ.
Có nghĩa là, trong giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước giảm dần vai trò đầu tư mà chuyển cho các thành phần kinh tế khác?
Đúng vậy, Nhà nước chỉ đầu tư cho các chương trình, mục tiêu quốc gia; chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong phương án phân bổ vốn cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án quan trọng, làm thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; bảo đảm bố trí đủ vốn đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm; bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA… Còn lại sẽ khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư bằng nhiều hình thức khác như BOT, BTO, PPP…
Đầu tư vào hệ thống giao thông theo hình thức BOT, BTO đang được đẩy mạnh, và hệ quả là phí cầu đường đang tăng chóng mặt, vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, thưa ông?
Nền kinh tế không thể cạnh tranh được, nếu hệ thống cầu đường, sân bay, bến cảng vừa thiếu, vừa yếu, nên chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào cầu đường, sân bay, bến cảng bằng hình thức BOT, BTO, PPP là đúng. Nền kinh tế cũng khó có thể cạnh tranh thành công trong bối cảnh hội nhập toàn cầu nếu phí cầu đường, sân bay, bến cảng quá cao vì sẽ làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh.
Gần đây, các tuyến quốc lộ đầu tư bằng hình thức BOT liên tục tăng phí, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, nguyên nhân là do suất đầu tư quá cao, dự án nào cũng vượt tổng mức đầu tư ban đầu 20 - 40%, khiến nhà đầu tư tìm mọi cách để thu hồi vốn nhanh nhất có thể. Vì vậy, trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư vào cầu đường, sân bay, bến cảng, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ suất đầu tư, từ đó quy định thời gian hoàn vốn ở mức hợp lý. Ban hành cụ thể lộ trình tăng phí giao thông, mỗi lần tăng tối đa bao nhiêu, trong trường hợp nào mới được tăng và phí giao thông phải phù hợp với tốc độ lạm phát, cũng như khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp, đồng thời, phí giao thông phải phù hợp với chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông.
Người dân, doanh nghiệp chỉ phải trả phí giao thông khi giảm được thời gian, công sức, chi phí xăng dầu, chi phí hao mòn phương tiện, chứ không thể để người dân, doanh nghiệp trở thành “con tin” của nhà đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Mạnh Bôn
(Theo Báo Đầu Tư)