Tổng cục Thuế mới truy thu được hơn 39.000 tỷ đồng, con số nợ thuế tính đến cuối năm 2015 vẫn lên đến gần 70.000 tỷ đồng.
Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn nghiêm trọng
- Cập nhật : 26/02/2016
(Tai chinh)
Đánh giá này trong Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới thực hiện vừa công bố.
Phần lớn các khoản cho vay, đặc biệt từ các ngân hàng thương mại quốc doanh được dành cho doanh nghiệp nhà nước(Ảnh minh họa: KT)
Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới thực hiện vừa công bố, trong đó có đánh giá: vẫn còn nhiều việc phải làm để thị trường tài chính Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp Nhà nước lấn át giành tín dụng từ ngân hàng
Theo báo cáo phân tích, khu vực này đã làm tương đối tốt việc huy động tiết kiệm nhưng vẫn còn kém trong việc phân bổ tín dụng tới các khu vực sử dụng hiệu quả nhất và trong việc tạo lập hệ thống thanh toán bao phủ rộng rãi. Bởi phần lớn các khoản cho vay, đặc biệt từ các ngân hàng thương mại quốc doanh được dành cho doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp tư nhân có quan hệ thân hữu, lấn át nguồn tín dụng cho những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong khu vực tư nhân trong nước.
Báo cáo cho rằng, ngành ngân hàng đang vật lộn sau khi hứng chịu cú sốc lớn do khủng hoảng tài chính toàn cầu làm suy sụp thị trường bất động sản vì các ngân hàng đã cho vay kinh doanh bất động sản quá nhiều. Tỉ suất lợi nhuận trên tài sản trung bình của ngành ngân hàng đã giảm hơn 1 điểm phần trăm kể từ khi xảy ra khủng hoảng (từ 1,8% năm 2007 xuống 0,5% năm 2012); con số báo cáo về nợ xấu tăng nhưng vẫn bị coi là chưa đầy đủ; trích dự phòng rủi ro thấp hơn mức trung bình tại các nước thu nhập trung bình khu vực Đông Á. Nhiều khoản nợ xấu và khoản vay phải tái cơ cấu liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước.
Hơn nữa, các chuyên gia thực hiện báo cáo cho rằng, tình trạng sở hữu chéo vẫn còn nghiêm trọng tại các ngân hàng tư nhân, giữa ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước. Mức độ tuân thủ với nguyên tắc cơ bản có cải thiện nhưng vẫn còn thấp; còn nhiều ngân hàng không đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu để đối phó với rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Thanh tra tại chỗ còn hạn chế, nhất là đối với các ngân hàng thương mại nhà nước; còn thiếu giám sát toàn diện ngân hàng. Ngoài ra, giám sát từ xa cũng cần phải tăng cường.
Thông tin về hệ thống tài chính phải được cải thiện
Báo cáo nêu 3 vấn đề cần đưa vào chương trình phát triển hệ thống tài chính trong vòng 20 năm tới. Đó là giảm thiểu rủi ro khủng hoảng tài chính; phát triển khu vực tài chính với qui mô lớn hơn, đa dạng và ổn định hơn; tăng cường độ bao phủ về tài chính.
Giải thích cụ thể về các vấn đề này, báo cáo chỉ rõ: Về giảm thiểu rủi ro khủng hoảng tài chính, Việt Nam sẽ ứng phó nhanh hơn với các cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng nếu Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia được tăng cường.
Đồng thời, thông tin về hệ thống tài chính phải được cải thiện nhờ những thông tin từ xa và sự giám sát của ngân hàng nhà nước (NHNN). Nâng cao năng lực quản lý khủng hoảng và tạo khung khổ pháp lý sẽ cải thiện khả năng ứng phó với khủng hoảng trong trường hợp có vấn đề về giảm tính thanh khoản hay mất khả năng thanh toán. Cần tăng cường nguồn lực cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) và cho phép DIV thực hiện giao dịch mua tài sản của các ngân hàng yếu kém.
Cần đóng cửa ngân hàng mất khả năng thanh toán
Muốn phát triển khu vực tài chính với qui mô lớn hơn, đa dạng và ổn định hơn, cần tiếp tục tăng vốn ngân hàng và mở rộng ngành tài chính. Việc này đối mặt thách thức trước hết là phải giải quyết được khối nợ xấu lớn đang treo trên đầu các ngân hàng. Do đó, bước đầu tiên là nhờ các công ty kiểm toán quốc tế có uy tín thực hiện kiểm toán, kiên quyết áp dụng chuẩn mực cẩn trọng, không buông lỏng quản lý.
Đối với các ngân hàng hoạt động lành mạnh và tốt có thể giải quyết nợ xấu bằng cách bán trực tiếp tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu, và tạo đủ cơ chế pháp lý cho phép chuyển nợ xấu và tài sản thế chấp sang Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) quản lý và xử lý. Đặc biệt, cần đóng cửa, sáp nhập các ngân hàng mất khả năng thanh toán với các ngân hàng tốt hoặc bán các ngân hàng đó (trực tiếp hoặc thông qua VAMC).
Để nâng cao hiệu quả ngành ngân hàng trong tương lai cần đảm bảo thực thi tốt hơn các quy chế đã được hoàn thiện cũng như giám sát rủi ro của các ngân hàng (nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước) và rủi ro của các định chế bán tài sản như công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí. Việc nữa là chuyển dần sang áp dụng các quy tắc và chuẩn kế toán quốc tế.
Các ngân hàng cần phải có nhiều vốn hơn, bao gồm cả vốn dự phòng rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động, và giảm sự mạo hiểm thái quá của chủ ngân hàng. Bên cạnh đó, tăng cường thu thập thông tin về các tập đoàn kinh doanh nhằm giảm bớt tình trạng cho vay dựa trên quan hệ riêng tư và sở hữu chéo.
Phát triển dịch vụ gửi và chuyển tiền qua điện thoại di động
Việc tăng cường độ bao phủ về tài chính của Việt Nam đã khá thành công trong cho vay cá nhân (năm 2015, 18% dân số Việt Nam vay mượn từ một thể chế tài chính, cao hơn so với mức 7,5% trung bình của một quốc gia thu nhập trung bình thấp) nhưng chưa thành công trong vấn đề gửi tiền và chuyển tiền (theo Global Financial, 31% người dân Việt Nam trong độ tuổi trưởng thành có tài khoản tại thể chế tài chính (còn NHNN ước lượng con số này là 50%) thấp hơn rất nhiều mức 43% trung bình của các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Mức chênh lệch này còn lớn hơn đối với người nghèo, tỷ lệ này của người nghèo Việt Nam là 19% trong khi trung bình của các quốc gia thu nhập trung bình thấp là 33%).
Dịch vụ chuyển tiền tại Việt Nam chủ yếu thông qua các định chế tài chính trong khi tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và các công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền thấp hơn so với các nước thu nhập trung bình thấp.
Theo Báo cáo này, sử dụng điện thoại di động sẽ giúp mở rộng độ bao phủ dịch vụ chuyển tiền và gửi tiền với chi phí thấp hơn. Mặc dù Việt Nam còn phải thay đổi nhiều quy chế, cả về tài chính lẫn viễn thông, song đây chính là cách tận dụng lợi thế của một đất nước có lượng lớn thuê bao điện thoại di động.
Dẫn ví dụ từ công ty M-Shwari của Kenia, Báo cáo cho hay, kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2012, công ty đã tăng thêm 9 triệu thuê bao, huy động được 45 triệu USD tiền gửi và đạt dư nợ tín dụng gần 18 triệu USD vào cuối năm 2014; khách hàng gửi tiền có thể vay ngắn hạn qua hệ thống dịch vụ của công ty. Độ bao phủ tài chính cũng đòi hỏi phải có thông tin tín dụng tốt hơn về người vay./.