Cạnh tranh giữa các ngân hàng sẽ càng quyết liệt hơn khi cú hích lớn đang hình thành...
Nhật tăng đầu tư vào nông nghiệp, giảm địa ốc
- Cập nhật : 27/02/2016
(Tin kinh te)
Vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đang cho thấy có chiều hướng gia tăng vào ngành nông nghiệp trong khi giảm ở lĩnh vực bất động sản.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho biết lĩnh vực nông lâm thủy sản đã chiếm một tỷ lệ khá trong tổng nguồn vốn đầu tư của Nhật ở thị trường Việt Nam trong năm 2015.
Cụ thể trong những năm trước, đầu tư của Nhật vào lĩnh vực nông lâm thủy sản ở Việt Nam không có dự án nào hoặc quá ít nên được xếp vào mục "các lĩnh vực khác" thì trong năm 2015 vốn đầu tư của Nhật vào lĩnh vực nông nghiệp đã chiếm 6% trong 1,285 tỉ đô la Mỹ tổng vốn đầu tư mới của Nhật.
Một điểm đáng chú ý là dù lĩnh vực đầu tư này của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam còn mới mẻ nhưng nó đứng hàng thứ 3 về tổng số vốn cam kết lớn trong năm qua, chỉ thấp hơn lĩnh vực chế tạo (chiếm 51%) và xây dựng chiếm 28%, vượt qua ngành phân phối bán lẻ chỉ chiếm 5% tổng vốn cam kết.
Ông Yasuzumi Hirotaka cho biết trong năm 2015, Nhật Bản có 82 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản Việt Nam, trong đó có hai dự án lớn về trồng trọt ở Đà Lạt. Một trong những nguyên nhân là Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, đồng thời hai nước cũng có những thỏa thuận về hợp tác nông nghiệp.
Và điều đáng chú ý là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật Bản đang đàm phán có những yêu cầu về bỏ bảo hộ nông nghiệp mà Nhật Bản buộc phải thực hiện.
Theo JETRO, trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhật Bản có nhiều công ty có công nghệ sản xuất cao và đang tìm đối tác ở Việt Nam để chuyển giao công nghệ.
Trong khi đó, ở lĩnh vực bất động sản, dù tình hình thị trường này trong nước đang có dấu hiệu hồi phục hơn hai năm nay và có nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư lẫn người mua, thế nhưng ông Yasuzumi Hirotaka nhận định lĩnh vực bất động sản Việt Nam còn khó thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Nhật.
Ông Hirotaka cho rằng, theo đánh giá của các doanh nghiệp Nhật, đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam còn quá nhiều rủi ro, giá ảo và đầu cơ cao, trong khi doanh nghiệp Nhật thì có tính thận trọng cao và tính toán đầu tư rất kỹ lưỡng về thị trường, tính hiệu quả và thông tin phải rõ ràng, ông Hirotaka nói. Mặt khác tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực này của Nhật cũng cao hơn Việt Nam, nếu đầu tư đúng vào tiêu chuẩn Nhật ở Việt Nam chưa chắc thành công.
Thật vậy, đầu tư của Nhật vào lĩnh vực này trong năm qua suy giảm. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, nếu năm 2014 Nhật Bản có 165 dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam, chiếm 12% tổng vốn đầu tư cam kết của Nhật, thì sang năm 2015 lĩnh vực này đầu tư của Nhật chỉ còn 76 dự án, chiếm 6% tổng vốn cam kết mới của Nhật ở Việt Nam.
Ông Hirotaka cũng cho biết dự án đầu tư mới từ Nhật Bản tiếp tục chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chẳng hạn trong năm 2015, số dự án quy mô vừa và nhỏ dưới 5 triệu đô la Mỹ chiếm tỷ lệ lớn lên đến 87,3% và dự án quy mô nhỏ dưới 1 triệu đô la Mỹ chiếm 66,2%.
Trong năm 2015, đầu tư Nhật vào Việt Nam gồm dự án cấp mới và tăng vốn đạt 1,842 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 20% so với năm 2014, chiếm 8,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cam kết vào Việt Nam trong năm qua.
Hùng Lê
TBKTSG Online