Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
“Sân chơi” tài chính tiêu dùng có thêm một thành viên “đáng gườm”
- Cập nhật : 25/07/2016
(Tai chinh)
SHB vừa nhận sáp nhập công ty tài chính VVF và đang lên kế hoạch “đánh mạnh” mảng tài chính tiêu dùng.
Mảnh đất màu mỡ
Giới chuyên gia và các ngân hàng đều đánh giá tài chính tiêu dùng là mảnh đất màu mỡ. Thống kê của StoxPlus cho thấy dư nợ cho vay mảng này đạt đến 15,12 tỷ USD vào cuối năm ngoái, tăng 44% so với năm 2014 và là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây. Hiện tài chính tiêu dùng đang chiếm đến 6,8% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Chính vì vậy, việc có được một công ty tài chính tiêu dùng là mục tiêu của hầu hết các định chế tài chính hiện nay. Bên cạnh các công ty của nước ngoài, các ngân hàng trong nước như Techcombank, VPBank, HDBank đều đã có công ty tài chính của mình bằng việc mua lại hoặc nhận sáp nhập. Tới đây, thị trường còn có thêm sự tham gia của của công ty tài chính thuộc ngân hàng SHB.
SHB tham vọng lớn trên thị trường tài chính tiêu dùng
Năm 2015, vào giai đoạn cuối của quá trình thực hiện đề án cơ cấu các TCTD, SHB lại nhận sáp nhập thêm một công ty tài chính cùng tham vọng trở thành tập đoàn tài chính đa năng tầm cỡ khu vực.
Cụ thể, sau khi nghiên cứu các đối tác trên thị trường, SHB đã tìm ra Công ty tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel (VVF) phù hợp. VFF có 2 cổ đông sáng lập doanh nghiệp Vinaconex và Viettel, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Việc SHB nhận sáp nhập VVF được đánh giá là tất yếu và phù hợp, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường tài chính Việt Nam trong việc tạo ra các định chế tài chính có quy mô lớn tầm cỡ khu vực, đồng thời, giúp giảm thiểu rủi ro của các tập đoàn kinh tế nhà nước vào các khoản đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ.
Theo kế hoạch đã đặt ra, sau khi nhận VVF, SHB sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng chuyên biệt. Điều này giúp ngân hàng có thể khắc phục được các hạn chế hiện tại trong việc cho vay tiêu dùng của ngân hàng như: thủ tục cho vay nhanh gọn, quy mô khoản vay nhỏ phù hợp với nhiều khách hàng cá nhân có nhu cầu sử dụng vốn, hệ thống phân phối và mạng lưới của các công ty tài chính tương đối rộng và dàn trải, chiếm ưu thế hơn hẳn so với hệ thống tiếp cận khách hàng truyền thống và tốn kém của các ngân hàng bán lẻ.
Lãnh đạo SHB cho biết, mô hình VVF sau nhận sáp nhập sẽ là Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (viết tắt là Công ty tài chính SHB), với số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Công ty sẽ hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng với các sản phẩm đa dạng, tiện ích trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của người dân Việt Nam.
Trước lo ngại liệu công ty tài chính có chồng chéo hay làm hạn chế sự phát triển của mảng tín dụng tiêu dùng của SHB hay không, lãnh đạo ngân hàng cho biết không có chuyện đó. SHB sẽ tập trung vào mảng các khách hàng có thu nhập cao, các khoản vay có giá trị lớn và các sản phẩm chủ yếu là cho vay mua nhà, sữa chữa và nâng cấp nhà cửa, mua ô tô phân khúc trung bình khá…được đảm bảo bằng tài sản của khách hàng. Trong khi đó, Công ty tài chính SHB sẽ tập trung vào nhóm các khách hàng thu nhập trung bình khá trở xuống, các khoản vay có giá trị nhỏ như cho vay mua xe máy, đồ điện tử, đồ gia dụng và khoản vay không có tài sản bảo đảm…
Các chuyên gia đánh giá, việc có thêm công ty tài chính tiêu dùng sẽ giúp mảng này sôi động hơn. Và quan trọng hơn cả, khách hàng sẽ là những người được lợi nhiều nhất khi có nhiều người bán tham gia thị trường sẽ giúp họ có được dịch vụ tốt hơn và chi phí cũng rẻ hơn.
Trước thương vụ nhận sáp nhập VVF, năm 2012, SHB cũng đã nhận sáp nhập Habubank và đây được xem là trường hợp điển hình của chiến lược sử dụng lực lượng thị trường để tái cơ cấu hệ thống TCTD.
Còn nhớ khi chưa nhận sáp nhập Habubank, thị trường xôn xao câu chuyện SHB được gì, mất gì và không ít ý kiến hoài nghi tình hình sẽ thê thảm khi lợi nhuận SHB đang nghìn tỷ đồng mỗi năm, còn Habubank được cho là đã phá sản kỹ thuật. Nhưng sau 4 năm với nhiều nỗ lực, SHB từ việc phải gánh lỗ nghìn tỷ của Habubank, nay đã trở lại thời kỳ lãi nghìn tỷ, trở thành 1 trong 5 ngân hàng TMCP lớn nhất với tổng tài sản trên 200 ngàn tỷ đồng.