Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
Nosco - Công ty con Vinalines “ngã sóng”: Nỗi lo của một loạt ngân hàng
- Cập nhật : 11/04/2016
(Tin kinh te)
Nhiều ngân hàng đã lỡ đổ tiền cho những doanh nghiệp vận tải biển vay vốn trong cơn sốt nóng đang “đau đầu” để đòi lại khoản tiền mà có bán cả doanh nghiệp cũng chưa chắc đã đủ.
Lỗ lũy kế vượt tổng tài sản
2015 tiếp tục là một năm thê thảm của CTCP Vận tải Biển Bắc (Nosco - mã NOS), một công ty trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khi doanh nghiệp này tiếp tục thua lỗ.
Khoản lỗ năm 2015 của Nosco lên tới 578 tỷ đồng, lỗ nặng hơn năm 2014 (-485 tỷ đồng).
Nhìn vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp này có thể thấy, việc giá vốn hàng bán cao quá doanh thu thuần khiến doanh nghiệp lỗ gộp, kèm vào đó, chi phí tài chính cao vượt cả doanh thu thuần, chiếm 334 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là 184 tỷ khiến doanh nghiệp lỗ “khủng”.
Việc lỗ triền miên có vẻ như đã quá quen thuộc với Nosco. Tính đến cuối năm 2015, tổng lỗ lũy kế của Nosco lên tới 3.067 tỷ đồng, vượt quá tổng tài sản doanh nghiệp (2.549 tỷ đồng).
Ngập trong nợ
Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn của Nosco, sự lo ngại của các ngân hàng là điều dễ hiểu.
Trong khi doanh nghiệp vận tải biển này đang âm vốn chủ sở hữu hơn 2.808 tỷ đồng thì nợ phải trả lên tới 5.357 tỷ đồng.
Trong đó, công ty còn hơn 37 tỷ đồng phải trả người lao động, hơn 1.345 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn. Về nợ vay, công ty còn nợ 1.495 tỷ đồng ngắn hạn và 2.134 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Được biết, ở thời kỳ hoàng kim, Nosco có hơn 700 cán bộ, sĩ quan thuyền viên trình độ cao. Đến giai đoạn 2010 - 2015, ngành vận tải biển gặp khó, tỷ giá biến động khiến các khoản vay ngày càng đội thêm. Doanh nghiệp lâm vào tình trạng đến lương cho cán bộ công nhân viên cũng không thể trả, nợ lương từ 2012 - 2014, nhiều nhân sự rời bỏ doanh nghiệp.
Với khoản nợ này, kiểm toán đánh giá: “Khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào khả năng sinh lời trong tương lai và sự tiếp tục đầu tư vốn của các chủ sở hữu”.
Báo cáo thường niên 2015 của Nosco cũng thừa nhận rằng, nợ phải trả của công ty trong năm không giảm (thậm chí là tăng – PV) do nguồn thu từ khai thác chỉ đủ bù đắp một phần chi phí trực tiếp để vận hành tàu mà không thu xếp để thanh toán các khoản nợ vay được. bên cạnh đó, khoản nợ phải trả nhà cung cấp tăng lên. Hiện công ty đã và vẫn làm việc với các tổ chức tín dụng để áp dụng cơ chế cơ cấu nợ và miễn giảm lãi vay cho các dự án đầu tư tàu biển.
Ngân hàng nào đang mắc kẹt?
Hiện Nosco đang có 114,5 tỷ đồng vay ngắn hạn, 1.380 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả và 2.134 tỷ nợ vay dài hạn.
Chủ nợ lớn nhất của Nosco là Agribank, SeABank và VietcomBank với tổng nợ dài hạn đến hạn trả và vay dài hạn là 3.152 tỷ đồng. Ngoài ra VDB cũng đang mắc kẹt gần 300 tỷ ở đây.
Trong báo cáo của mình, Nosco chú thích rõ, đối với các khoản vay nợ phía trên, doanh nghiệp không thể đưa ra ước tính về số dư phải trả có khả năng trả nợ do công ty đang trong quá trình tái cơ cấu về tổ chức, kinh doanh và quản lý tài chính.
Trên thực tế đã có khá nhiều doanh nghiệp vận tải biển từng phải bán đi lần lượt các tài sản có giá trị để nhằm cân đối tài chính. Tuy nhiên đối với Nosco, trong khi Tổng tài sản tính đến cuối năm 2015 ở mức 2.549 tỷ đồng, thì Nosco có bán hết đi tài sản cũng không thể nào bù đắp lại được cả gốc lẫn lãi cho các ngân hàng đã lỡ đổ tiền vào doanh nghiệp này.
NGUYÊN MINH
Theo Bizlive