tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Những cú lừa ngoạn mục và học phí… triệu USD

  • Cập nhật : 18/03/2016

(Tai chinh)

Sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp xuất khẩu có thể làm đánh mất đi cả hàng triệu USD...

Bước ra sân chơi hội nhập, điều quan trọng đặt lên hàng đầu với DN chính là tính chuyên nghiệp, chữ tín với khách hàng. Thế nhưng không ít phi vụ lừa đảo không chỉ doanh nghiệp Việt Nam dính bẫy từ đối tác nước ngoài, mà chính doanh nghiệp nhập khẩu hàng Việt Nam, cũng phải… lắc đầu ngao ngán với cách làm của người Việt.

Chết vì cẩu thả, thiếu trách nhiệm

Trực tiếp dắt mối cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, nên ông Nguyễn Tuấn Việt – Giám đốc Công ty VIETGO đã làm việc với không ít doanh nghiệp. Điều lạ mà vị lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ rằng, cứ nghĩ bước vào hội nhập doanh nghiệp phải có tâm thế và sự chuẩn bị tốt hơn. Nhưng ngược lại, kiểu làm ăn cẩu thả, manh mún và thậm chí là thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp, xem ra lại là “căn bệnh” cố hữu của không ít doanh nghiệp xuất khẩu.

Bằng chứng là, một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại Bình Phước nhận được đơn hàng mua gỗ căm xe từ ông Benjamin - một nhà nhập khẩu của Ấn Độ. Hai bên dù đã thỏa thuận đầy đủ về khối lượng, kích thước nhưng khi nhận được, ông Benjamin “ngã ngửa” khi lô hàng thiếu đến 55 khối (tương đương 1 container hàng) và nghĩ mình đã bị “lừa”.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Việt thì trên thực tế DN Việt Nam không “lừa” DN nước ngoài. Bản chất của sự việc là do DN gỗ ở Bình Phước này chưa quen với giao dịch xuất khẩu, nên khi tính toán khối lượng hàng xuất khẩu cho phù hợp với số container vận chuyển, DN này chỉ tính “áng chừng”.

Dẫn đến, khi xếp hàng vào container DN này không lường trước được hết những phát sinh. Ví dụ như gỗ bị cong vênh nên chiếm diện tích và bị phát sinh thêm tải container. Điều đáng chú ý là DN xuất khẩu gỗ này lại chỉ gửi đúng số container đã tính toán với khách hàng, mà không gửi đúng số lượng gỗ như đã cam kết do phải chịu phát sinh giá cước. Lúc này, đối tác đã thanh toán và DN xuất khẩu đã nhận được tiền về nên nhà nhập khẩu phải “bất lực” thốt lên rằng sẽ không bao giờ làm ăn với DN Việt Nam.

Mất uy tín… bay cả triệu USD

Ở một câu chuyện khác, tính cẩu thả và sự vô trách nhiệm của DN xuất khẩu Việt Nam lại càng bộc lộ rõ. Một DN làm đơn hàng xuất khẩu gỗ dán cho đối tác Nhật Bản, khi gửi mẫu DN này cho công nhân làm mẫu đẹp nhất để có được sự đồng ý của khách hàng. Nhưng khi nhà nhập khẩu nhận được lô hàng chính thức, mới choáng váng khi sản phẩm là “thập cẩm ngũ vị” với chất lượng không đúng như hàng mẫu.

Được biết, DN này thực chất không có nhiều kinh nghiệm trong làm gỗ dán chất lượng cao mà chỉ chuyên làm đồ nội thất và chất lượng kém. Vì thế, khi có đối tác đặt chất lượng cao, dù không có đủ nguồn lực để đáp ứng song DN cứ “nhận bừa” và làm hàng cho đối tác chỉ với những sản phẩm kém chất lượng.

Trong khi đó, cũng có không ít trường hợp DN Việt Nam lại phải chịu đúng “quả đòn” từ DN nước ngoài. Một câu chuyện cũng được chính giám đốc VIETGO chia sẻ là DN phân phối than ở Thanh Hóa nhận được đơn hàng xuất khẩu với sản lượng 1.500 tấn than, trị giá gần 1 triệu USD. Do chưa có kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu, nên DN này đã không lường hết được yêu cầu mà nhà nhập khẩu đưa ra về mẫu mã và chủng loại sản phẩm.

Trong khi đó, phương thức thanh toán mà DN thỏa thuận là nhận hàng trước và gửi tiền sau, nên khi đối tác nhận được hàng họ đưa ra những lý lẽ bất lợi cho DN, không chỉ bắt đền bù loại than theo đúng chủng loại, mà còn không chịu thanh toán tiền. Dẫn đến, DN chịu thiệt hại lớn chính vì sự thiếu chuyên nghiệp trong làm ăn.

Thực tế, những vụ lừa đảo khi xuất khẩu hàng ra nước ngoài vẫn luôn được Bộ Công Thương đưa ra cảnh báo. Theo ông Trần Quang Huy – Vụ trưởng Vụ châu Phi – Tây Nam Á (Bộ Công Thương), hình thức lừa đảo phổ biến như yêu cầu trả trước lệ phí; hoặc lừa đảo tiền đặt cọc khi yêu cầu DN xuất khẩu phải gửi tiền đặt cọc để đảm bảo đơn hàng….

“DN cần tránh tối đa những rủi ro trên cơ sở nâng cao hiểu biết về luật pháp quốc tế và phương thức giao dịch với bạn hàng. Trong phương thức thanh toán cần lựa chọn hình như L/C được mở ở ngân hàng để có cơ sở đảm bảo khi có rủi ro. Và đặc biệt là cần phải giữ chữ tín với khách hàng” – Ông Việt khuyến cáo.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục