tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sụt giảm 2 tháng đầu năm, doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó?

  • Cập nhật : 06/03/2016

(Tin kinh te)

Xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực trong 2 tháng đầu năm 2016 có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2015, song một số DN, ngành hàng trong top dẫn đầu cho rằng, sự sụt giảm này là không đáng lo ngại.

nhieu y kien cho rang, xk sut giam trong hai thang dau nam la khong dang lo ngai. anh: h.nu.

Nhiều ý kiến cho rằng, XK sụt giảm trong hai tháng đầu năm là không đáng lo ngại. Ảnh: H.Nụ.

Kim ngạch giảm do giá giảm?

“Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (là nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu), cần phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ giá trị trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu NK.
Tiếp tục đổi mới công nghệ các ngành sản xuất có tỷ trọng kim ngạch XK lớn như cơ khí, đồ gỗ, dệt may, da giày; phát triển các mặt hàng XK có tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng cao, như vật liệu xây dựng, sản phẩm hóa dầu, sản phẩm cao su, sản phẩm công nghệ cao”. 

(Trích bài phát biểu "Vai trò và nhiệm vụ của thương vụ trong phát triển xuất khẩu trong thời gian tới" của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh)

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2016, tình hình XK của một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã có sự thay đổi về số lượng ngành hàng cũng như kim ngạch XK. Theo đó, nếu như năm 2015 Việt Nam có 5 nhóm hàng XK nằm trong top dẫn đầu với kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD thì 2 tháng đầu năm, đã có một nhóm hàng bị rớt hạng. Cụ thể, nhóm hàng bị rời khỏi vị trí xuất khẩu “tỷ đô” là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với kim ngạch 896,7 triệu USD tính đến ngày 15-2 (cùng kỳ đạt 1,002 tỷ USD).

Trong 4 nhóm hàng trụ hạng, điện thoại các loại và linh kiện với giá trị kim ngạch đạt 3,03 tỷ USD, là nhóm hàng dẫn đầu về XK. Kim ngạch XK của nhóm hàng dệt may đạt 2,599 tỷ USD. Lý giải cho điều này, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc dệt may vẫn nằm trong top dẫn đầu là do các DN cũng đã có sự cố gắng và sự chuẩn bị từ trước, trong điều kiện Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại. Tuy chưa khai thác được hiệu quả các hiệp định vừa ký kết, nhưng trong qúa trình chuẩn bị các DN cũng đã tập trung vào đẩy mạnh sản xuất và kết quả là giữ được vị trí tốp đầu ngành hàng XK chủ lực.

Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, dù vẫn trụ vững trong nhóm mặt hàng XK chủ lực, song nếu so với năm 2015, kim ngạch XK của dệt may sụt giảm đáng kể với mức sụt giảm lên tới 446 triệu USD.

Theo ông Trương Văn Cẩm, sở dĩ XK của ngành trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 giảm là do thời gian này có kỳ nghỉ Tết kéo dài. Các DN cũng muốn tạo điều kiện cho lao động, đặc biệt lao động ở xa có kỳ nghỉ Tết thoải mái. Theo ông Cẩm, mức sụt giảm này cũng chưa phải quá lo ngại và hiện nay Hiệp hội chưa nhận được phản ánh của DN về những vấn đề vướng mắc.

Chia sẻ với Báo Hải quan, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Dệt Vĩnh Phú cho biết, hiện nay các sản phẩm của công ty chủ yếu XK sang thị trường Mỹ và châu Âu. Hai tháng đầu năm 2016 tăng trưởng XK của công ty thấp hơn so với năm 2015, chỉ bằng 60%. Nguyên nhân, theo ông Sơn, là do giá XK giảm, đơn hàng giảm và cũng là do tháng 2 là tháng có kỳ nghỉ tết Âm lịch. Ông Sơn cũng cho biết, giá XK giảm khoảng 15-20% so với cùng kỳ năm 2015, do sức tiêu thụ sản phẩm ở các nước NK giảm. Còn ông Phí Ngọc Trịnh, Phó Tổng giám đốc CTCP May Hồ Gươm cho biết, từ đầu năm đến nay XK được khoảng 3 triệu USD và giá XK giảm khoảng 10% so với năm 2015.

Không đáng lo ngại

Đối với nhóm hàng da giày, kim ngạch XK 2 tháng đầu năm 2016 đạt 1,454 tỷ USD, giảm 168 triệu USD so với năm 2015. Chia sẻ với Báo Hải quan, một số DN da giày cho biết XK của DN vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty giày Vinh Thông cho biết, XK 2 tháng đầu năm của DN vẫn tốt, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2015. Sản xuất của DN tăng do đơn hàng tăng cũng như do gối đầu của năm 2015. Hiện nay DN đã XK được khoảng 1 triệu USD, mục tiêu cả năm đặt ra là XK được 12 triệu USD, tăng khoảng 10% so với 2015 (2015 XK 10,5 triệu USD). Theo ông Tuấn, dù có nhiều đơn hàng nhưng do do điều kiện mặt bằng, lao động không đủ để đảm bảo làm hết được các đơn hàng nên DN không dám nhận.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH da giày Phong Châu cho biết, 2 tháng đầu năm tăng trưởng XK ở mức 3%, không đúng như kỳ vọng, nhưng điều này là do khi mới hội nhập, cơ hội mở ra với DN trong nước nhưng các nước NK có những hàng rào nhất định, ví dụ về mặt thủ tục cũng có sự chậm trễ, chứng nhận xuất xứ, thủ tục về kiểm định mẫu… Lý giải thêm cho việc kim ngạch của ngành giảm, ông Hữu Anh cho biết có thể do bên NK muốn lấy hàng muộn hơn để đón những ưu đãi về thủ tục, chi phí NK khi hội nhập, trong khi đó bên phía các DN Việt Nam thì đơn hàng vẫn tăng, hàng đã ém sẵn ở các DN. Ngoài ra, liên quan đến biến động tỷ giá, bên NK sẽ quyết định thời điểm NK, dẫn đến kìm hãm tốc độ XK.

Mặc dù XK của DN không như kỳ vọng và kim ngạch XK của ngành có sự sụt giảm trong đầu năm nhưng ông Nguyễn Hữu Anh cho rằng đó chỉ là những biến động trong giai đoạn nhất định, sự sụt giảm kim ngạch XK nói chung hiện nay là không đáng lo ngại. Xu hướng chung sẽ vẫn có tăng trưởng, theo đó ngành da giày dự kiến mục tiêu tăng trưởng khoảng 20-25% so với năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Hữu Anh, toàn ngành có thể tăng trưởng nhưng DN lại nhiều thách thức, bởi khi cơ hội đến, các DN nước ngoài sẽ vào Việt Nam, nếu các DN trong nước không liên kết với nhau thì sẽ mất cơ hội hoặc sẽ phải đi gia công lại cho các DN nước ngoài. Cũng theo đại diện Công ty Phong Châu, giá XK của mặt hàng da giày hiện nay có giảm nhưng theo không đáng kể.

Trao đổi thêm về kế hoạch, dự định trong thời gian tới để đạt được mục tiêu nâng kim ngạch XK, đại diện Công ty CP May Hồ Gươm cho biết, mục tiêu XK của DN trong năm 2016 là đạt 45 triệu USD, như vậy 10 tháng còn lại DN sẽ phải phấn đấu XK đạt 42 triệu USD. Hiện nay thị trường XK chính của DN vẫn là EU và Mỹ, DN chưa có ý định mở rộng thị trường, nhưng đến tháng 5-2016 DN dự kiến sẽ mở rộng thêm 1 phân xưởng sản xuất.

Với Công ty Dệt Vĩnh Phú, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, để hoàn thành mục tiêu XK 1,5 triệu USD (tăng 50% so với 215), năm 2016 DN dự định sẽ đầu tư mới thay thế các thiết bị cũ, đồng thời mở rộng sản xuất để tăng doanh thu.

“Năm 2015 kim ngạch XK toàn ngành dệt may đạt khoảng 27 tỷ USD, năm nay ngành dệt may đặt mục tiêu XK đạt mức 30 tỷ USD. Tôi cho rằng năm nay kim ngạch XK của ngành sẽ chịu tác động từ nhiều phía, trong đó có các hiệp định thương mại đã ký kết và có hiệu lực, điều này sẽ tác động giúp cho ngành hoàn thành mục tiêu tăng trưởng”, ông Nguyễn Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Thuấn,Chủ tịch Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam:

Chúng tôi định hướng và xác định giai đoạn từ nay đến 2025 là cơ hội vàng đến với ngành da giày- túi xách Việt Nam. Năm qua, Chính phủ đã có nghị định về phát triển nguyên nhiên phụ liệu cho ngành nhưng cần có văn bản cụ thể. Đặc biệt, cần có 3-4 cụm công nghiệp cho phát triển nguyên phụ liệu da giày, để đảm bảo nhu cầu phát triển ngành trong thời gian tới. Để chuẩn bị cho hội nhập, các DN FDI đã chuẩn bị chu đáo nhưng DN Việt Nam cần cố gắng phấn đấu đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm đẩy năng suất lao động/năng suất lao động tổng hợp cao hơn. Nhà nước cần điều chỉnh lại chiến lược phát triển ngành trong thời gian sớm nhất, trong đó đánh sâu vào nguyên phụ liệu, đào tạo con người và tư duy quản trị DN.

Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10:

Là DN có đến 90% doanh thu từ XK nên chúng tôi luôn quan tâm đến thị trường XK. Trên thực tế, May 10 đã có sự chuẩn bị từ cách đây 5 năm để đón bắt cơ hội từ các FTA như chuẩn bị nguồn nhân lực, thiết bị, đầu tư khâu thiết kế cho sản phẩm thời trang, mở rộng năng lực sản xuất ở các tỉnh… Tuy nhiên, quy định về vải, sợi trong các hiệp định thế hệ mới như TPP, Việt Nam- EU là thách thức lớn nhất đối với DN dệt may. Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã xây dựng chuỗi cung ứng chọn gói (trong Tập đoàn có cả DN sợi, DN dệt) liên kết chuỗi với DN trong Tập đoàn khi đó sẽ hình thành được chuỗi cung ứng sản phẩm trọn gói nhằm tận dụng được ưu đãi thuế quan, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cho các sản phẩm dệt may Việt Nam. Song Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ trong việc xây dựng khu công nghiệp dệt, đầu tư trạm xử lý nước thải… giúp DN giảm bớt gánh nặng chi phí ban đầu bởi năng lực tài chính của DN còn hạn chế. Chúng tôi đã từng tham quan các nước có ngành sản xuất dệt may phát triển, thậm chí là đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… Ví dụ như Chính phủ Trung Quốc bỏ tiền xây trạm xử lý nước thải, sau đó DN đến sản xuất sẽ đóng góp chi phí. Việc này sẽ dễ dàng hơn cho DN thay vì phải tự đầu tư trạm xử lý nước thải 2-5 triệu USD.

P.Thu (ghi)


Theo Hoài Anh/Hải Quan

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục