Theo ước tính của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam dựa trên số liệu thống kê từ các DN hội viên, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng hơn 20 tấn/năm. Do vậy, nếu NHNN cho phép các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu, thì cũng không đáng ngại.
Lừa đảo tín dụng
- Cập nhật : 12/11/2015
(Tai chinh)
Cuối năm, cuộc chạy đua tín dụng, áp lực chỉ tiêu tăng doanh số tiền gửi, cho vay… cũng bắt đầu. Tại nhiều ngân hàng, hiện nay đã ngấp nghé chuyện “chi ngoài”, né quy định trần lãi suất để cạnh tranh thu hút vốn, đó chính là “mảnh đất màu mỡ” cho lừa đảo hoành hành.
Mới đây, một nhân viên tín dụng ngân hàng nhận được cuộc gọi của một khách hàng, nói là có khoản tiền đầu tư 100 tỷ đồng muốn gửi và hẹn gặp để thỏa thuận lãi suất. Đang bị áp lực tín dụng cấp trên giao, cô này chốt lịch gặp. Vị “đại gia” đưa cô nhân viên đến khu đất ở Bình Chánh với bản vẽ photo dự án nhà máy sắp được xây dựng để chứng minh cho khả năng tài chính của mình. Sau một lúc trao đổi, vị đại gia nói nếu cô đồng ý vào khách sạn thì anh không cần khoản chi ngoài, vì đối với anh nó chẳng là bao.
Cô nhân viên thấy được lợi nên đồng ý. Nhưng hôm sau, thay vì cô gặp anh ta để tiến hành thủ tục nhận tiền gửi thì lại nhận được tin nhắn của anh ta nói rằng, nếu không đưa tiền thì anh sẽ tung đoạn video clip cảnh hai người quan hệ với nhau trong khách sạn lên mạng. Biết bị lừa, cô đành ngậm đắng nuốt cay gom 10 triệu đồng chuyển cho anh ta. Không ngờ, vài hôm sau anh ta tiếp tục nhắn tin yêu cầu cô đưa 10 triệu đồng nữa với lời đe dọa nếu không anh sẽ tung đoạn phim lên mạng! Vừa bị lừa tình, lại bị lừa tiền, vô cùng xấu hổ nhưng không còn khả năng để đáp ứng tiền lần nữa nên cô đành báo công an. Hiện vụ án đang được điều tra làm rõ.
Một người bạn là giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng cũng cho biết, gần đây các ngân hàng đang chạy đua với chỉ tiêu tín dụng, do lãi suất USD giảm nên nhiều người đã dịch chuyển dòng tiền sang các kênh đầu tư khác. Hiểu được điều đó, nhiều kẻ lợi dụng để lừa đảo ngân hàng. Mới đây, chị tiếp một khách hàng tự xưng có nguồn vốn 150 tỷ đồng muốn gửi nên thỏa thuận lãi suất. Anh ta đòi chi thêm 0,5%/năm, chị nói ngân hàng không có chính sách chi ngoài nhưng chị sẽ cố gắng xin để chi thêm cho anh tối đa được 0,2%/năm. Anh không đồng ý. Thay vì chị phải là người cò kè thì anh này lại đề nghị hẹn đi nhậu để gặp một người bạn cùng làm ăn với nhau, anh kia có nguồn tiền cũng lớn nên gộp lại sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn (nguyên tắc số tiền gửi càng nhiều thì lãi suất càng cao). Thấy có vấn đề nên chị yêu cầu mời tới ngân hàng làm việc thì vị khách kia “lặn” mất tăm…
Một cán bộ ngân hàng khác cũng than với chúng tôi về tình trạng này. Một khách hàng đã tìm đến ngân hàng tự xưng là kế toán trưởng của một công ty, nói là có khoản tiền 500 tỷ đồng muốn gửi. Vị “kế toán trưởng” này đòi lãi suất chi ngoài riêng cho anh ta. Vì đang khát nguồn vốn, số tiền gửi tiết kiệm lại lớn nên cán bộ ngân hàng đồng ý chi ngoài, thế là vị khách kia đòi chi trước 50 triệu đồng để anh lo việc ăn nhậu và thuyết phục sếp ký chuyển tiền từ ngân hàng khác qua. Dù rất cần vốn nhưng ngân hàng không thể chi khi chưa nhận tiền gửi thực tế, nên chị hứa sẽ chi đầu kỳ ngay khi gửi tiền vào. Vị khách ra về và không quay lại. Chờ mãi không thấy, chị kiểm tra tên công ty thì không có thật, điện thoại hỏi đồng nghiệp ở ngân hàng mà anh ta nói công ty đang gửi tiền ở đó, mới biết chẳng có sổ tiết kiệm nào như thế cả…
Đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho các ngân hàng trong thời điểm khó khăn hiện nay. Có lẽ đã đến lúc ngân hàng phải cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, nếu không các ngân hàng có thể sẽ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo!