Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố báo cáo về nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu trong quý III/2015.
Triệu tập lãnh đạo 9 cục thuế lớn: Đột phá khẩu vào nợ thuế
- Cập nhật : 13/11/2015
(Kinh te)
Trước áp lực tăng thu nội địa bù hụt thu ngân sách trung ương, ngành thuế buộc phải tìm mọi cách để truy thu số nợ thuế hàng chục ngàn tỷ đồng bù cho khoản hụt thu ngân sách. Lần đầu tiên, 9 cục thuế lớn bị triệu tập về giao khoán chỉ tiêu thu nợ.
Càng to càng phải thu nhiều
Trao đổi với phóng viên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết, từ giờ đến cuối năm, ngành thuế đặt mục tiêu thu nợ thuế khoảng 15.000 tỷ đồng. Nếu thu được khoản nợ thuế này, ngân sách sẽ không phải dùng tới 10.000 tỷ đồng bán vốn nhà nước như lo ngại trước đó.
Để thực hiện nhiệm vụ này, mới rồi, Tổng cục Thuế lần đầu phải đọc lệnh triệu tập lãnh đạo 9 cục thuế lớn trên cả nước về giao chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, Hà Nội phải thu 7.000 tỷ đồng, TPHCM 5.500 tỷ đồng, Hải Phòng 500 tỷ đồng, Quảng Ninh 400 tỷ đồng, Thái Bình 500 tỷ đồng, Đồng Nai 500 tỷ đồng, Bình Dương 450 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 350 tỷ đồng, Cần Thơ 250 tỷ đồng.
“Cuộc họp với các lãnh đạo cục thuế lớn nhằm nắm bắt tình hình, qua đó đưa ra giải pháp trình ý kiến bộ trong việc tiếp tục cưỡng chế thuế và có biện pháp tháo gỡ. Riêng với cán bộ ngành thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu các địa phương giao chỉ tiêu thu nợ tới từng cán bộ, đội trưởng, chi cục trưởng, cục trưởng”, ông Tuấn nói.
Khi được hỏi liệu việc “tàn dư nợ” các năm trước để lại là do trách nhiệm quản lý thiếu quyết liệt ngành thuế, ông Tuấn phủ nhận và nói: “Không phải do ngành thuế yếu kém, lơ là trong đốc thúc. Nếu nhìn lại những năm khủng hoảng tài chính, nền kinh tế gặp khó khăn mấy năm.
Quốc hội và Chính phủ có các biện pháp giãn hoãn nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp, nên nhiều khoản nợ giai đoạn 2010-2013 chuyển sang năm 2014 và năm nay. Các năm trước phải dùng biện pháp thuyết phục, động viên. Các biện pháp đưa ra phải phù hợp với từng thời điểm lịch sử, điều kiện kinh tế nhất định”.
Theo Tổng cục Thuế, nợ thuế tập trung ở ngành dịch vụ thương mại, xây dựng, bất động sản. “Cơ bản là doanh nghiệp (DN) trong nước nợ thuế, chủ yếu lại rơi vào lượt các DN tư nhân nhiều hơn. Còn DN FDI có nợ nhưng thấp”, Phó Tổng cục trưởng Tuấn cho biết. Thực tế, trong các đợt công bố DN nợ thuế lớn gần đây của các địa phương, đa số các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và dịch vụ.
Chiều 10/11, Cục Thuế thành phố Hà Nội tiếp tục công khai danh sách DN nợ thuế đợt 5 với 113 đơn vị nợ thuế lên tới hơn 212 tỷ đồng.
Vừa cưỡng vừa xoa
Trong số DN nợ thuế, có những đơn vị khó khăn do khách quan, không còn khả năng trả nợ. Nhưng cũng có những đơn vị cố tình chây ì. Để thu được nợ, ngành thuế phải phân tích cụ thể, xác định đâu là khoản nợ khó đòi, đâu là khoản nợ có thể thu được. “Tuy nhiên, không dễ xác định việc chây ì nợ. Trừ loại nợ khó thu đã mất tích, còn lại, các DN đều đang hoạt động. Các đơn vị này có khó khăn từ những năm trước, giai đoạn 2011-2012 chuyển qua”, ông Tuấn cho hay.
Giải pháp dung hòa lợi ích giữa DN và nhà nước được ngành thuế áp dụng trong việc đòi nợ thuế. “Ví dụ như cưỡng chế hóa đơn, trường hợp DN bán hàng nhưng khó khăn bị cưỡng chế hóa đơn, trong trường hợp nào đó vẫn cho DN xuất hóa đơn cụ thể nhưng với cam kết phải nộp thuế phát sinh của lô hàng đó. Đồng thời, khi có doanh thu thì phải thực hiện nộp ngân sách một phần số tiền đang nợ”, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay.
Bà Trần Thị Lê Nga, Cục phó Cục Thuế TPHCM, cho biết: “Đối với DN chưa nộp, phân loại để phân biệt, đánh giá nguyên nhân do khó khăn thực sự hay do cố tính chây ì”. “Đối với DN khó khăn thực sự, chúng tôi động viên có bao nhiêu nộp bấy nhiêu. Trong khi đó, với DN chây ì, sẽ có giải pháp cứng rắn, như: đình chỉ hóa đơn, đóng mã số thuế, thậm chí gửi thông tin tới Sở Kế hoạch- Đầu tư phối hợp xử lý.
Theo Tổng cục Thuế, tính đến 30/9/2015, số tiền nợ thuế lên tới 76.500 tỷ đồng. Trong đó thuế, phí, đất là 46.450 tỷ đồng. Số tiền phạt và chậm nộp là 13.800 tỷ đồng. Số nợ khó thu, gần như không có khả năng thu do DN đã giải thể, mất tích khoảng trên 12.000 tỷ đồng. So với số nợ chuyển sang từ 31/12/2014 là 47.500 tỷ đồng, nợ thuế, phí đất có khả năng thu được đã giảm 2,2%. Trong số này, 34.000 tỷ đồng là thuế và phí, giảm 5,8% so với thời điểm 31/12/2014. Còn lại, hơn 12.000 tỷ đồng là nợ tiền sử dụng đất.