Cảnh sát tỉnh Osaka, Nhật Bản vừa bắt giữ nhóm 7 du học sinh người Việt với cáo buộc trộm cắp hàng hóa số lượng lớn và chuyển về nước tiêu thụ.
Vụ quẹt thẻ bị mất hơn 683 triệu: Xử tội gì?
- Cập nhật : 15/10/2016
(Phap luat)
Trong trường hợp cơ quan công an làm rõ được nhân viên nhà hàng và những người liên quan có hành vi chiếm đoạt tiền của ông Caracciolo David John thì xử lý hình sự họ về tội gì?
Ông Caracciolo David John (giữa), người cho rằng bị mất 39.429 AUD. (Ảnh do người đại diện của ông cung cấp)
Ngày 14-10, luật sư của ông Caracciolo David John (du khách Úc bị quẹt thẻ ngân hàng mất 39.429 AUD, tương đương hơn 683 triệu đồng tiền Việt cho bữa ăn tối tại một nhà hàng ở quận 1, TP.HCM) đã đến làm việc với Công an quận 1 để nộp đơn tố giác tội phạm và yêu cầu khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ vụ việc này, vấn đề pháp lý đặt ra là trong trường hợp cơ quan công an làm rõ được nhân viên nhà hàng và những người liên quan (gọi chung là các cá nhân liên quan) có hành vi chiếm đoạt tiền của ông Caracciolo David John thì xử lý hình sự họ về tội gì mới đúng? Trao đổi với các chuyên gia, chúng tôi đã nhận được nhiều quan điểm khác nhau.
Lừa đảo?
Theo một thẩm phán TAND TP.HCM (đề nghị không nêu tên) và luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), vụ việc trên có dấu hiệu rõ nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS.
Theo hai chuyên gia này, khi ông Caracciolo David John đưa thẻ ngân hàng thanh toán bữa ăn, các cá nhân liên quan lấy lý do có sự trục trặc khi quẹt thẻ rồi yêu cầu ông nhập mật khẩu nhiều lần nhằm lấy được tiền trong tài khoản nhiều hơn số tiền ông phải trả cho bữa ăn chính là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ông.
Cạnh đó, đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo là người bị hại vì bị lừa dối mà tin tưởng và tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội. Trong vụ này, ông Caracciolo David John tin tưởng rằng các cá nhân liên quan chỉ quẹt thẻ ngân hàng để thanh toán đúng số tiền phải trả cho bữa ăn nên mới tự nguyện giao chiếc thẻ rút được tiền, chuyển khoản được tiền cũng như nhập mật khẩu nhiều lần. Việc này xem như là ông đã tự nguyện giao tài sản của ông cho họ.
Trộm cắp?
Ngược lại, ông Nguyễn Đình Thắm (VKSND Cấp cao tại Hà Nội) cho rằng vụ việc có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS.
Ông Thắm lập luận: Lừa đảo là hành vi của người phạm tội làm cho người bị hại tin tưởng và giao tài sản cho mình, còn ở đây ông Caracciolo David John không tự nguyện giao tài sản mà chỉ giao thẻ ngân hàng cho các cá nhân liên quan để quẹt thẻ thanh toán bữa ăn. Ông Caracciolo David John không hề biết mình bị mất gần 700 triệu đồng trong tài khoản tại thời điểm đó mà chỉ biết sau khi đã về nước và kiểm tra lại. Như vậy, vào thời điểm bị mất tiền, ông Caracciolo David John không hề tự nguyện giao số tiền này cho các cá nhân liên quan mà bị những người này lén lút lấy trộm và ông không hề hay biết.
Đồng tình, luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) bổ sung: Về lý luận, trong tội trộm cắp, cũng có khi người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối (giống như ở tội lừa đảo) nhưng nhằm tiếp cận tài sản và tạo ra điều kiện thuận lợi để lén lút chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu. Trong vụ này, lý do có sự trục trặc khi quẹt thẻ của các cá nhân liên quan chính là thủ đoạn gian dối mà họ dùng để yêu cầu ông Caracciolo David John nhập mật khẩu nhiều lần. Từ các lần ông Caracciolo David John nhập mật khẩu này, họ đã lén lút lấy được tiền trong tài khoản của ông.
Hay chiếm giữ trái phép?
Ở một góc nhìn khác, theo TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM), trong vụ việc này phải phân định rõ như sau:
Thứ nhất, xét ở góc độ dân sự thì mọi việc xuất phát từ giao dịch dân sự (thanh toán cho bữa ăn) nên cũng có thể hành vi của các cá nhân liên quan là nhầm lẫn. Vì vậy nếu sau khi cơ quan công an mời lên làm việc mà họ cho rằng quẹt thẻ nhầm và tự nguyện trả lại tiền dư cho ông Caracciolo David John (sau khi đã trừ số tiền thanh toán bữa ăn) thì mọi việc coi như xong. Lúc này cơ quan công an rất khó khởi tố họ vì khó chứng minh được các dấu hiệu cấu thành tội phạm cụ thể.
Thứ hai, nếu các cá nhân liên quan không hợp tác hoặc chối bỏ trách nhiệm mà cơ quan chức năng làm rõ được số tiền gần 700 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của ông Caracciolo David John đã “chui” vào tài khoản của nhà hàng tại thời điểm thanh toán bữa ăn thì lúc này mới có dấu hiệu của tội phạm, cụ thể là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 141 BLHS.
“Mọi khả năng đều có thể xảy ra nên chưa thể nói trước được điều gì” - TS Tuấn nhấn mạnh.
Cơ quan công an nói gì?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư và người đại diện của ông Caracciolo David John cho biết: Tại buổi làm việc với họ, cán bộ Công an quận 1 đã lập biên bản tiếp nhận đơn tố giác tội phạm nhưng cũng đề nghị ông Caracciolo David John trực tiếp đến cơ quan CSĐT để trình báo hoặc có đơn yêu cầu xử lý (có xác nhận của cơ quan chức năng xác nhận chứng thực lãnh sự) trình bày rõ và chính xác về nội dung vụ việc. Cụ thể là thời gian, địa điểm, nội dung diễn biến trước và sau của sự việc, người chứng kiến, biết việc, người nhận thẻ, quẹt thẻ, nhập mã pin, số tiền bị chiếm đoạt, hình thức thanh toán, những điểm nghi vấn...
Chiều qua, luật sư và người đại diện của ông Caracciolo David John cũng đã đến làm việc với Công an TP.HCM nhưng không gặp được người có thẩm quyền mà chỉ tiếp xúc với trực ban, nộp đơn tố giác tội phạm rồi đi về.
Nội dung vụ việc
Tối 11-8, ông Caracciolo David John đến một nhà hàng trên đường Thái Văn Lung (quận 1, TP.HCM) ăn uống cùng bạn bè. Sau đó, ông thanh toán bữa ăn bằng hình thức quẹt thẻ. Về nước ông mới phát hiện ra tài khoản của mình bị trừ 39.429 AUD khi thanh toán bữa ăn đó nên làm đơn đề nghị khởi tố từ Úc gửi sang Việt Nam.
Theo người đại diện của ông Caracciolo David John, nhân viên nhà hàng đã cố tình quẹt thẻ, yêu cầu mật khẩu nhiều lần với lý do việc quẹt thẻ gặp trục trặc để chiếm đoạt tiền của ông Caracciolo David John. Người đại diện này đã có buổi làm việc với Sở Du lịch TP.HCM. Sở Du lịch TP cũng mong muốn cơ quan công an nhanh chóng xác minh, làm rõ vụ việc. Trong khi đó, đến nay phía nhà hàng vẫn chưa có ý kiến gì.