“Thay đổi, hay là chết” và “Khác biệt, hay là chết” là mệnh lệnh phải thực thi để cải thiện năng lực cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường kinh doanh ngân hàng. Vậy, các ngân hàng cần làm gì để thay đổi? Và làm sao tạo ra sự khác biệt giữa các ngân hàng?
Lãnh đạo Vietcombank đề xuất ưu đãi cho thanh toán điện tử
- Cập nhật : 22/11/2015
(Tai chinh)
Bên cạnh việc ưu đãi thuế cho cửa hàng chấp nhận thanh toán thẻ, cần có chế tài pháp lý để rút giấy phép các điểm thu phụ phí khách hàng sai quy định, theo Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ Vietcombank.
Ông Huỳnh Song Hào - Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chia sẻ với VnExpress về những trở ngại tâm lý của khách hàng cá nhân khi giao dịch với các nhà băng hiện nay.
- Chuyện các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ (merchant) cố tình thu phụ phí của khách quẹt thẻ vẫn tái diễn dù Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều văn bản, biện pháp chấn chỉnh. Theo ông, đâu là điểm nghẽn của vấn đề này?- Về mặt quy định, các merchant có nghĩa vụ chấp nhận thẻ trong thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ mà không được tăng giá hoặc áp dụng phân biệt giá cả hay yêu cầu chủ thẻ trả thêm phụ phí khi thanh toán bằng. Nếu merchant vi phạm, họ sẽ không được phép ký kết hợp đồng thanh toán thẻ với bất kỳ ngân hàng nào trong một năm. Nếu tái phạm thì thời hạn không được phép ký kết hợp đồng có thể từ 3 đến 5 năm. Hơn nữa, các tổ chức thẻ quốc tế cũng có quy định không cho phép merchant thu phụ phí khi thanh toán thẻ. Trong hợp đồng ký kết giữa các ngân hàng cung cấp và merchant cũng quy định rõ họ không được phép thu phụ phí.
Ông Huỳnh Song Hào - Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank - đề nghị cần có trọng tài và chế tài nhằm giám sát việc thu phụ phí khi quẹt thẻ. Ảnh: Huy Thắng.
Tuy nhiên, thực tế tình trạng này vẫn xảy ra do chưa có cơ quan thanh tra, giám sát việc thu phụ phí tại các đơn vị chấp nhận thẻ. Chưa kể có thực tế, khi một merchant bị ngân hàng ngừng cung cấp dịch vụ do bị phát hiện thu phụ phí, ngay lập tức họ sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ của ngân hàng khác. Tình trạng này khiến việc xử lý càng khó hơn.
- Là ngân hàng thương mại Nhà nước dẫn đầu về thị phần thẻ, sắp tới lại có định hướng phát triển mạnh về mảng bán lẻ, Vietcombank có tư vấn nào cho cơ quan quản lý để giải quyết dứt điểm tình trạng này nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam?
- Để giải quyết tình trạng này không chỉ cần có sự tham gia của các ngân hàng thanh toán thẻ, mà cần có sự phối hợp tích cực của các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương… với các chính sách đồng bộ như ưu đãi về thuế thu nhập đối với các merchant, chính sách bắt buộc các đơn vị kinh doanh phải chấp nhận thanh toán bằng thẻ… Ngoài ra, việc truyền thông góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như các đơn vị kinh doanh về lợi ích của việc thanh toán bằng thẻ cũng hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, để chính sách cấm thu phụ phí được thực thi một cách nghiêm túc, triệt để, các cơ quan quản lý cần ban hành chế tài cụ thể, đồng thời phải có cơ chế theo dõi, quản lý, giám sát. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, có thể cung cấp đường dây nóng để người dân có thể thông báo kịp thời những đơn vị không chịu chấp nhận thanh toán thẻ, hoặc những đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ nhưng thu phụ phí của khách hàng. Với những trường hợp này, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, xác minh và áp dụng các chế tài như phạt hành chính hoặc rút giấy phép đăng ký kinh doanh…
- Không chỉ ngần ngại với thanh toán thẻ, không ít người dân vẫn còn tâm lý e ngại với ngân hàng, không dám gõ cửa vay vốn. Một trong những lý do của họ là cán bộ tín dụng "chảnh" và có thể phải mất nhiều chi phí "lót tay". Ông thấy sao về tình trạng này?
- Thực tế là áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng trên thị trường rất lớn nên những chuyện này bây giờ không thể có. Nếu một nhà băng để phát sinh điều này thì thiệt hại cho ngân hàng không hề nhỏ. Nếu sơ sảy trong việc quản lý con người, để phát sinh những rủi ro về đạo đức thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, dịch vụ.
- Ông nói rất nhiều đến chuyện cạnh tranh giữa các ngân hàng hiện nay. Ông thấy sao khi Vietcombank vốn khá trầm trong mảng bán lẻ còn nhiều ngân hàng cổ phần khác thì đã tuyên chiến với bán lẻ từ nhiều năm trước?
- Cuộc đua sẽ rất khốc liệt nhưng chúng tôi không sợ khó cạnh tranh bởi mình có định hướng riêng. Ban lãnh đạo Vietcombank cũng đặt ra mục tiêu chiến lược, tầm nhìn từ nay đến 2020 sẽ trở thành ngân hàng số 1 về bán lẻ, số 2 về bán buôn. Khách hàng cá nhân của Vietcombank nếu tính trên số tài khoản thực sự hoạt động (active) thì vẫn nhiều nhất thị trường. Chưa kể, dù mạnh về bán buôn nhưng mảng bán lẻ vẫn đóng góp gần một phần tư tổng thu nhập của ngân hàng. Doanh số thanh toán thương mại điện tử, thanh toán POS của Vietcombank vẫn chiếm thị phần dẫn đầu.
Trước đây, người ta vẫn biết đến Vietcombank với ưu thế về bán buôn và điều này sẽ giúp chúng tôi có lợi thế hơn các đối thủ trong mảng bán lẻ. Trước mắt, hướng phát triển của là hợp tác với nhóm khách hàng doanh nghiệp hiện hữu, để đồng thời cung cấp sản phẩm dịch vụ bán buôn cho doanh nghiệp và chuỗi phân phối, vừa bán chéo các sản phẩm bán lẻ cho cán bộ công nhân viên của họ. Hiện Vietcombank có cơ sở khách hàng doanh nghiệp rất tốt là các tập đoàn, tổng công ty,các doanh nghiệp quy mô lớn trên thị trường nên hướng này là hoàn toàn khả thi.
- Vậy ông đánh giá thế nào về các đối thủ ngoại trong cuộc đua này, đặc biệt khi họ đã thể hiện rõ quyết tâm trong phát triển khách hàng cá nhân từ lâu và có kinh nghiệm hơn hẳn?
- Đó là ưu thế của họ nhưng các ngân hàng Việt vẫn có ưu điểm là ngân hàng truyền thống, thương hiệu Việt và chính sách phí phù hợp. Do chính sách của ngân hàng ngoại theo chuẩn toàn cầu nên nhiều điều kiện khá ngặt nghèo, có thể chưa phù hợp với đa số người dân Việt Nam. Tương tự, nhiều loại phí của ngân hàng ngoại cũng cao hơn so với ngân hàng nội địa nên cơ hội phát triển cho các ngân hàng nội vẫn còn rất rộng mở.
Ngày 16/12/2015 tại Hà Nội, Báo điện tử VnExpress và Ngân hàng Nhà nước đồng tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin.
Với hai chủ đề chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới, VEPF 2015 sẽ là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính.
Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn VEPF 2015 và đăng ký tham dự. Đối tác phối hợp thực hiện Diễn đàn là Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia (Banknetvn) và các đơn vị tài trợ.