Hiện nay, chỉ có 30% DN nhỏ và vừa đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng, 70% DN còn lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn (lúc vay được, lúc không), dẫn đến DN khó hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Chỉ 3 tuyến metro đã đội vốn 60.000 tỉ đồng
- Cập nhật : 23/11/2015
(Kinh te)
Do tính toán chưa sát với thực tế, bị trượt giá, tăng khối lượng dự án... khiến tổng vốn đầu tư 3 tuyến metro của TP HCM bị tăng khoảng 60.000 tỉ đồng so với ban đầu.
Trong báo cáo khẩn vừa gửi UBND TP HCM, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP cho biết tuyến metro 1, 2 và 5 đều đội vốn.
Cụ thể, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài gần 20 km có tổng mức đầu tư được duyệt vào năm 2007 là hơn 17.300 tỉ đồng (hơn 1,09 tỷ USD). Bốn năm sau, tổng mức đầu tư dự án này được điều chỉnh lên hơn 47.300 tỉ đồng (hơn 2,49 tỉ USD), tăng 30.000 tỉ đồng (87% so với ban đầu).
Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP, nguyên nhân tăng là do biến động giá nguyên - nhiên liệu, việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến 2009; trong khi đó khối lượng dự án nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho dự án (đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga, áp dụng các trang thiết bị, hệ thống tiên tiến...) cũng tăng. Bên cạnh đó, việc cập nhật tỷ giá Yên Nhật và Việt Nam Đồng, tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cập nhật theo quy định mới cũng làm cho tổng mức đầu tư tăng đáng kể.
Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài hơn 11 km có tổng mức đầu tư được duyệt vào năm 2010 là hơn 26.100 tỉ đồng (hơn 1,3 tỉ USD). Đến nay, tổng mức đầu tư của dự án được cập nhật là khoảng 40.000 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD), tăng khoảng 14.000 tỉ đồng (51% so với ban đầu). Lý do tăng mà Ban quản lý đường sắt đô thị TP đưa ra là do trượt giá và lạm phát trong 5 năm (2010-2015) nguyên vật liệu và tiền lương làm tăng gần 240 triệu, còn hơn 460 triệu USD tăng do tối ưu hóa thiết kế, bổ sung khối lượng như thiết kế ga ngầm có tường dày hơn, ga dài hơn, bổ sung giao cắt với các tuyến metro khác, xử lý nền đất yếu tại khu vực nhà ga ngầm và giữa các đường hầm...
Ngoài ra, việc thay đổi tỷ giá giữa tiền Việt Nam với USD, EURO cũng khiến tổng vốn tăng đáng kế. Bên cạnh đó, các thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ thường xuyên thay đổi làm chậm trễ tiến độ dự án, phát sinh chi phí cho các tư vấn, tăng chi phí do trượt giá, lạm phát…
Không chỉ tuyến số 1 và số 2, tuyến metro số 5 giai đoạn 1 dài gần 9 km (ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn) khi đăng ký danh mục dự án ODA chỉ ước khoảng 833 triệu EURO vào năm 2011. Tuy nhiên, tính đến nay tổng mức đầu tư dự án này ước khoảng hơn 1,5 tỉ EURO. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, nguyên nhân làm thay đổi tổng mức đầu tư của tuyến metro số 5 giai đoạn 1 là do tính toán lại khối lượng toàn bộ dự án và phát sinh tăng do yếu tốt trượt giá từ năm 2010-2014 của hai loại tiền EURO và Việt Nam đồng; bổ sung 5% chi phí quản lý dự án, 7% chi phí tư vấn xây dựng theo quy định mới. Ngoài ra, nguyên nhân tăng nữa là do bổ sung lãi vay vào tổng mức đầu tư.
Theo nhận định của Ban quản lý đường sắt đô thị TP, các dự án metro đội vốn là do chủ đầu tư, các tư vấn lập dự án và tư vấn thẩm tra trong nước chưa có kinh nghiệm dẫn đến tính toán chưa sát thực tế, không tham khảo, đối chiếu so sánh với suất đầu tư của các dự án quốc tế khác. Các chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý dự án tính theo quy định trong nước nên rất thấp; Hơn nữa, do các dự án chậm triển khai nên chịu ảnh hưởng của trượt giá, lạm phát.