tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Không có chuyện Chính phủ thoái vốn để trả nợ nước ngoài

  • Cập nhật : 17/10/2015

(Tai chinh)

Đó là khẳng định của Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn tại Hội nghị thường niên các nhà đầu tư của Tập đoàn VinaCapital, diễn ra sáng nay (ngày 15/10/2015) ở TPHCM.

 

Cụ thể, ông Muôn khẳng định: Quá trình cổ phần hóa các DNNN hiện nay của Việt Nam đang mang lại cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Chỉnh phủ đã thể hiện rõ quyết tâm chỉ nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp cần thiết, sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi những lĩnh vực không cần nắm giữ.

"Và quyết định cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn trong nước vừa rồi là một minh chứng cụ thể".

Dừng lại ở vấn đề quyết định thoái vốn tại 10 DNNN mới đây, ông Muôn cũng khẳng định: Hoàn toàn không có việc Chính phủ Việt Nam thoái vốn từ đó để trả nợ nước ngoài trong giai đoạn 2015 - 2016. Bởi lẽ, Chính phủ cũng đã xây dựng kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để thực hiện việc đảo nợ.

"Mặc dù các doanh nghiệp này đang hoạt động rất hiệu quả, nhưng SCIC sẽ căn cứ trên tình hình thực tế của thị trường để thoái vốn từ từ trong năm 2015 và 2016" - Ông Muôn nói.

Tiếp tục với vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hiện này, ông Muôn thừa nhận thực tế thực hiện còn chậm so với mục tiêu đề ra. Trong khi kế hoạch cũ chưa hoàn thành thì đến cuối năm nay sẽ phê duyệt thêm phương án cổ phần hóa 200 doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp được phê duyệt lần đầu, cộng thêm hơn 100 doanh nghiệp lần 2 của năm nay là không thực tế. Do đó, ông Muôn đề nghị nên kéo dài kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sang năm 2016 thậm chí là đến năm 2017 để đạt được kết quả như kỳ vọng.

Trả lời câu hỏi: Nếu cứ tiếp tục lùi thời gian thực hiện cổ phần hóa sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của các nhà đầu tư nước ngoài như thế nào, và uy tín của chúng ta?

Ông Muôn cho biết, liên tục lùi thời gian thực hiện đang là thực tế của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

“Chúng tôi cũng không biết phải làm như thế nào để khắc phục, bởi vì mọi kế hoạch bán cổ phần ra bên ngoài đều được duyệt, đến khi chào bán ra bên ngoài thì không nhà đầu tư nào mua. Chẳng hạn, có những doanh nghiệp chúng ta muốn bán 40 - 50% cổ phần, nhưng nhà đầu tư chỉ mua 3 - 4%. Số lượng các doanh nghiệp kiểu này là không hề ít" - Ông Muôn chia sẻ.

Lãi suất có khả năng tăng

Cũng tại Hội nghị này, các nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ năm 2015 là một năm hào hứng với họ vì nhiều lý do: Từ việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, các hiệp định thương mại tự do được ký kết, sự phục hồi của thị trường bất động sản, VN Index đạt mốc cao nhất kể từ năm 2009 đến việc nâng sở hữu nước ngoài ở các công ty niêm yết cũng như bất động sản… Từ đó, Việt Nam đang chuẩn bị tốt cho những tăng trưởng vượt bật và sẽ đón đầu làn sóng đầu tư mới từ các nước bên ngoài.

Trước hết, GDP của Việt Nam năm nay được dự báo sẽ tăng khoảng 6-6,8%, còn GDP trên đầu tư tăng từ 12-13%/năm, làm phát hầu như không có do giá hàng tiêu dùng giảm nhiều, đầu tư nước ngoài cam kết đến nay tăng hơn 30%.

Khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại đa phương và song phương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…làm tăng sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong thời gian tới, như mở rộng nhà máy sản xuất, văn phòng kinh doanh.

VinaCapital cho rằng, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam hiện nay đã trên 10%, tạo đà rất lớn cho ngành bất động sản phát triển “nóng”.

Ông Andy Ho - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư của tập đoàn VinaCapital khẳng định: Tiền đồng Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định đây sẽ là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp nước ngoài “rót” vốn vào đầu tư.

“Còn trong trường hợp, thời gian tới nếu tiền đồng không đủ ổn định sẽ có thể khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường chứng khoán”- Ông Andy Ho nói thêm.

Khi được hỏi về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất hay không? Ông Andy Ho cho rằng nhiều phân tích cho thấy, khả năng FED tăng lãi suất từ nay đến cuối năm không cao, mặc dù đã trải qua những cuộc họp khá căng thẳng dưới áp lực phải tăng lãi suất.

"Giả sử trong trường hợp FED tăng lãi suất từ nay đến cuối năm, khả năng giá đồng đô la sẽ tăng lên, lập tức kéo theo trường hợp Trung Quốc có khả năng tiếp tục phá giá đồng tiền của họ. Trong kịch bản này, Việt Nam buộc phải “chạy” theo, tức phải điều tỷ giá tiền đồng".

Cũng theo ông Andy Ho, lãi suất của tiền đôla so với tiền đồng sẽ từ từ tăng lên. Hiện nay, việc tăng lãi suất của đồng Việt Nam có khả năng sẽ xảy ra thực vì Chính phủ đang gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu. Do vậy, chúng ta buộc phải tăng lãi suất lên một chút để đạt thành công mong muốn.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục