Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
Hàn Quốc đang đổ tiền vào Việt Nam
- Cập nhật : 12/09/2015
(Tai chinh)
Ông Martin Tricaud, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Hàn Quốc, cho rằng thành công của các tập đoàn lớn Hàn Quốc ở Việt Nam đang tạo động lực để các doanh nghiệp nước này tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam
Phóng viên: Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Với vai trò tư vấn, kết nối đầu tư cho doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đến Việt Nam, ông đánh giá thế nào về làn sóng này trong thời gian tới?
- Ông Martin Tricaud: Tôi xin trích một phần nội dung trong bài báo trên tờ Naeil của Hàn Quốc, mô tả quá trình phát triển gần đây của Việt Nam để trở thành một công xưởng của thế giới: “Việt Nam đang là con đường chiến lược dẫn tới ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ, các hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng trưởng GDP hơn 5% trong 3 năm liên tiếp, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đăng ký mới tương đương 12%-18% của GDP”.
Bài báo và kết quả khảo sát đã thể hiện quan điểm và cảm nhận của các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với đất nước phát triển đầy năng động. Bất chấp mọi bất ổn trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên với những tin tức và các chỉ số kinh tế tích cực.
Tại sao lại là Việt Nam, sức hấp dẫn nào đang thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc?
- Việt Nam là một trong những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Hàn Quốc và tầm quan trọng này đang gia tăng hơn bao giờ hết. Như tôi đã đề cập, sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư của các công ty Hàn Quốc nhờ lực lượng lao động trẻ dồi dào, có tay nghề; chi phí nhân công thấp hơn Trung Quốc và các nước láng giềng; môi trường chính trị ổn định; các FTA đang kết nối Việt Nam với 55 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong các tiến trình này.
Lotte là tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc, đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực Ảnh: TẤN THẠNH
Trong 5 năm qua, vốn đầu tư từ Hàn Quốc sang Việt Nam đã tăng từ 2,2 tỉ USD lên 11,3 tỉ USD vào năm ngoái, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. FTA Việt Nam - Hàn Quốc vừa được ký vào tháng 5, có hiệu lực từ đầu năm 2016, được dự báo sẽ nâng thương mại song phương đạt 70 tỉ USD vào năm 2020.
Không chỉ các tập đoàn lớn mà hàng loạt DN nhỏ và vừa của Hàn Quốc cũng theo chân vào Việt Nam làm phụ trợ. Vậy theo ông, cơ hội nào cho DN Việt tham gia chuỗi cung ứng?
- Đúng là nền kinh tế Hàn Quốc tập trung vào một số tập đoàn kinh tế lớn, hoạt động đa ngành chiếm khoảng 70%-75% GDP. Việc đầu tư ra nước ngoài chủ yếu cũng do các tập đoàn này tiên phong, họ kéo theo các DN nhỏ và vừa đi cùng.
Trong tổng số 4.000 DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, có nhiều công ty nhỏ và vừa. Vì thế, DN Việt muốn tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu của các tập đoàn, bên cạnh kêu gọi DN nước ngoài hợp tác, có một số điểm phải làm ngay. Đó là cải thiện về chất lượng sản phẩm. Rất nhiều tập đoàn nước ngoài phản ánh lô hàng đầu tiên DN Việt cung cấp cho họ chất lượng rất tốt nhưng sau đó không được như vậy hoặc không đồng đều và giao hàng không đúng hạn. Những ngành đòi hỏi độ chính xác cao như điện tử, DN Việt lại không đáp ứng được, chỉ cần sai số nhỏ về quy cách bao bì, chủng loại cũng bị trả về.
Gần đây, vài tập đoàn lớn của Hàn Quốc dính vào một số vụ bê bối liệu có ảnh hưởng đến làn sóng đầu tư vào Việt Nam, thưa ông?
- DN Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài hoặc ở Việt Nam thường có tầm nhìn dài hạn, theo chiến lược là biến Việt Nam thành thị trường tăng trưởng trong tương lai chứ không phải chỉ thu lợi thời gian ngắn. Do đó, dòng chảy thương mại và đầu tư sắp tới sẽ tiếp tục, nhất là khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc được tận dụng.
Bỏ quên lợi thế
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, điều lý thú là phần lớn các DN Hàn Quốc thích đầu tư trực tiếp, xây nhà máy ở Việt Nam hơn là thâm nhập theo từng thương vụ mua bán sáp nhập. Sự thành công của Samsung, LG cho thấy Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng để đầu tư các dự án lớn nên sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác, biến Việt Nam thành công xưởng của thế giới. Từ đây, các tập đoàn sẽ xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới.
“DN Hàn Quốc khá cởi mở trong hợp tác quốc tế, như Samsung hiện là thương hiệu toàn cầu chứ không chỉ của Hàn Quốc. Do đó, nếu DN đáp ứng được về thời gian, số lượng, quy cách sản phẩm thì sẽ trở thành “mắt xích”. Ngược lại, điểm thuận lợi của DN Việt khi tham gia chuỗi cung ứng là họ hiểu rõ về môi trường, thị hiếu người tiêu dùng và có thể tư vấn cho DN Hàn Quốc cách thâm nhập thị trường Việt Nam, từ đó tạo thế mạnh cho mình. Nhưng điều này DN trong nước lại đang bỏ ngỏ” - ông Hải nói.