Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản tại dự thảo Bộ luật Dân sự vẫn đang làm “đau đầu” các nhà lập pháp...
Nhà đầu tư xếp hàng mua bệnh viện
- Cập nhật : 23/03/2016
(Tin kinh te)
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) vừa chính thức tham gia vào cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược tại Bệnh viện Nam Thăng Long.
Chưa dứt cuộc đua giành Bệnh viện Nam Thăng Long
Hàng loạt cam kết khá “nặng ký” được lãnh đạo HUBT đưa ra trong đơn đề xuất trở thành cổ đông chiến lược Bệnh viện Nam Thăng Long vừa được gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải vào cuối tuần trước.
Bên cạnh cam kết “10 năm không chuyển nhượng cổ phần”, HUBT còn cam kết sẽ sử dụng toàn bộ lực lượng lao động hiện có tại Bệnh viện, với thu nhập tăng trưởng hàng năm từ 10 đến 13% (thu nhập bình quân của giảng viên là 13 triệu đồng/tháng), đồng thời chuyển bảo hiểm y tế của 1.200 cán bộ cơ hữu, 3.000 trợ giảng cùng 30.000 sinh viên của trường về cơ sở y tế đang tiến hành cổ phần hóa này.
Cần phải nói thêm rằng, HUBT vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành y đa khoa, mã số: 52720101; Dược học, mã số: 52720401. Đây là lý do khiến Hiệu trưởng HUBT, ông Hà Đức Trụ quyết tâm sở hữu Bệnh viện Nam Thăng Long “nhằm gắn kết giữa đào tạo và thực hành thông qua việc đưa các sinh viên theo học tại nhà trường tham gia thực tập”.
Theo lời giới thiệu của ông Trụ, HUBT được thành lập năm 1996, hiện có tổng tài sản là 1.500 tỷ đồng, trong đó quỹ tiền mặt cho đầu tư phát triển là 200 tỷ đồng. Trường đại học này vừa đầu tư 300 tỷ đồng cho chuyên khoa y dược, gồm cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, thực hành đạt chuẩn; phòng khám đa khoa tại Từ Sơn - Bắc Ninh.
Với quy mô vốn hiện tại, HUBT về cơ bản đáp ứng tiêu chí về năng lực tài chínhdo Bộ GTVT đưa ra để gia nhập cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược tại Bệnh viện Nam Thăng Long cùng với 4 cái nhà đầu tư khác đã đệ đơn là: Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Hạ tầng Dầu khí; Công ty cổ phần Tập đoàn Lạc Việt; Công ty cổ phần Dầu khí Bắc Nam; Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn.
Trước đó, trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ việc đề nghị phê duyệt phương án cổ phần hóa Bệnh viện Nam Thăng Long, Bộ GTVT đã “chốt” một loạt tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược.
Cụ thể, nhà đầu tư là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh phải có quy mô tương đương (tối thiểu 120 giường); vốn chủ sở hữu không thấp hơn 50 tỷ đồng, không có lỗ lũy kế, lợi nhuận trước thuế tối thiểu 10%. Đối với các doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh, 2 tiêu chí quan trọng nhất được Bộ GTVT đưa ra là phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 200 tỷ đồng, không có lỗ lũy kế và lợi nhuận trước thuế tối thiểu 10%.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một nhà đầu tư cho biết, với giá trị thực tế của Bệnh viện Nam Thăng Long sau khi xác định lại là trên 29 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 11,853 tỷ đồng, các tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược là rất cao, tới mức khó hiểu.
Không chọn “nhẹ ký”
Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), số lượng nhà đầu tư lớn, trong đó không loại trừ các nhà đầu tư ngoại xin ứng thí sẽ còn tăng lên sau khi phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khá ngặt nghèo nói trên sẽ góp phần loại bớt những ứng viên “nhẹ ký” khi cổ phần hóa Bệnh viện.
Được biết, Công ty cổ phần Bệnh viện Nam Thăng Long sẽ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tương ứng với 3 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, Nhà nước nắm giữ 900.000 cổ phần, chiếm 30% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 780.000 cổ phần, chiếm 26% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 799.900 cổ phần, chiếm 26,66% vốn điều lệ; lượng cổ phần còn lại chiếm 17,34% vốn điều lệ sẽ bán ưu đãi cho người lao động trong Bệnh viện.
“Việc Nhà nước giữ tỷ lệ 30% vốn điều lệ nhằm mục đích nâng cao mức độ xã hội hóa Bệnh viện, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư khác trong quá trình hoạt động và phát triển của Bệnh viện, đồng thời tạo sự ổn định trong tư tưởng của cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế và người lao động trong giai đoạn chuyển tiếp từ đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần”, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường giải thích.
Ông Trường cũng cho biết, sau khi chuyển sang công ty cổ phần, căn cứ tình hình cụ thể, Bệnh viện Nam Thăng Long sẽ lập phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục bán bớt phần vốn nhà nước theo lộ trình và thời gian phù hợp với điều kiện hoạt động thực tế nhằm giảm bớt tỷ lệ phần vốn nhà nước trong công ty cổ phần theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Như vậy, trong trường hợp thắng đấu giá, nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn có cơ hội rất cao để nắm giữ trên 51% vốn điều lệ, giành quyền chi phối, trước khi chờ mua nốt 30% lượng cổ phần của Nhà nước để hoàn tất thương vụ M&A bệnh viện này.
Tuy nhiên, với việc có khá đông doanh nghiệp cùng nộp đơn, cuộc đấu giá công khai đối với lô cổ phần dành cho cổ đông chiến lược có giá khởi điểm 7,8 tỷ đồng này được dự báo là quyết liệt.
Nằm ở phía Tây Thủ đô, bên cạnh lợi thế có diện tích 2.017 m2 đất tại 38 - Tân Xuân (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Bệnh viện Nam Thăng Long gồm 100 giường bệnh, được Bộ Y tế xếp hạng bệnh viện đa khoa hạng II với đủ các chuyên khoa theo quy định.
“Nếu được đầu tư bài bản, Bệnh viện Nam Thăng Long sẽ không thiếu bệnh nhân, do khu vực phía Tây Thủ đô đang thiếu vắng cơ sở y tế có chất lượng cao”, một nhà đầu tư cho biết.
Anh Minh
(Theo Báo Đầu Tư)