Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
Doanh nghiệp vẫn muốn giữ ngoại tệ
- Cập nhật : 08/11/2015
(Tai chinh)
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng USD vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm về 0% - mức thấp nhất từ trước đến nay, nhằm ngăn chặn tình trạng đô la hóa và khuyến khích các doanh nghiệp, người dân nắm giữ tiền đồng.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tại Cần Thơ cho hay, lãi suất tiền gửi ngoại tệ về mức 0% cũng không khác nhiều so với mức 0,25% trước đó, nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của doanh nghiệp, nhất là với các nhà xuất khẩu.
Theo vị tổng giám đốc trên, kỳ vọng của các nhà xuất khẩu hiện nay vẫn là sự điều chỉnh tỷ giá trước áp lực tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới, thay vì lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD. Vì thế, các nhà xuất khẩu chưa muốn bán hết ngoại tệ để chuyển sang tiền đồng, nhất là trước dự báo cho thấy, Fed sẽ sớm tăng lãi suất.
Mặt khác, các doanh nghiệp cho rằng, nhu cầu ngoại tệ của nhà nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong quý còn lại của năm, nhất là những tháng cận Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu, nên tỷ giá sẽ nhích lên. Bản thân doanh nghiệp nhập khẩu cũng tìm cách để có nguồn ngoại tệ, tránh biến động tỷ giá cuối năm.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3 cho rằng, các nhà xuất khẩu có nhập khẩu nguyên liệu vẫn lo ngại biến động tỷ giá, nhất là các doanh nghiệp có vay vốn bằng ngoại tệ. Vì vậy, khi có nguồn ngoại tệ, họ vẫn muốn giữ để đáp ứng nhu cầu thanh toán cho việc nhập khẩu nguyên liệu, nếu cân đối được nguồn vốn.
Theo ông Hồng, trước diễn biến của thị trường ngoại hối hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng bắt đầu chuyển hướng sang vay tiền đồng, nếu tìm được lãi suất thấp. Bởi nếu vay ngoại tệ lãi suất 2-3%, nhưng tỷ giá biến động tương đương mức này trong một năm, thì vay tiền đồng với lãi suất dành cho doanh nghiệp xuất khẩu ở mức 6-7%/năm cũng bằng nhau mà lại yên tâm hơn.
Số liệu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đưa ra cũng phần nào cho thấy, 9 tháng đầu năm 2015, tiền gửi tiết kiệm bằng USD của dân cư tăng hơn 17% so với đầu năm và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Còn tiền gửi thanh toán USD của doanh nghiệp tăng 8% so với tháng 7 và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng, động thái giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước nhìn chung sẽ tác động tích cực đến hành vi của doanh nghiệp và người dân, buộc họ phải cân nhắc giữa việc giữ VND và USD.
Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ phải tính toán kỹ hơn trong việc tối ưu hóa sử dụng vốn, cũng như việc có nên duy trì tiền gửi bằng ngoại tệ. Chính việc giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ sẽ nâng cao vị thế tiền đồng và không loại trừ người có ngoại tệ có thể mạnh dạn chuyển sang tiền đồng để gửi ngân hàng hoặc đầu tư bất động sản. Đối với những người có ngoại tệ vẫn kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng trong thời gian tới và giữ ngoại tệ để hưởng chênh lệch giá, thì việc mất đi nguồn tiền lãi không gây thiệt hại gì đối với tài sản của họ.
Trong những ngày đầu áp dụng chính sách lãi suất USD thấp, đã có sự chuyển dịch rất lớn về hành vi người gửi tiền. Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM, hiện đã giải quyết được tình trạng găm giữ ngoại tệ của những tổ chức lớn. Cụ thể, lượng ngoại tệ doanh nghiệp bán cho ngân hàng cao gấp 3 lần so với bình quân những ngày trước đó.
Việc gửi tiết kiệm cũng đã thay đổi, nhiều doanh nghiệp, cá nhân có lượng USD lớn đã thông báo bán để chuyển qua gửi tiết kiệm VND. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của một ngân hàng, điều đó cũng không có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp sẽ bán ra ngoại tệ khi lãi suất tiết kiệm USD bằng 0%. Ngược lại, trước áp lực biến động tỷ giá khi USD trên thế giới tăng mạnh, nhu cầu nắm ngoại tệ của doanh nghiệp vẫn còn.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, việc hạ lãi suất tiền gửi USD sẽ giảm tính hấp dẫn của việc giữ ngoại tệ và khuyến khích doanh nghiệp, người dân chuyển qua nắm giữ tiền đồng.
Thực tế cho thấy, sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách tỷ giá ngày 11/8/2015 và Ngân hàng Nhà nước phải nới rộng biên độ và điều chỉnh tỷ giá bình quân, tình trạng doanh nghiệp và người dân muốn giữ USD tăng lên, do kỳ vọng có điều chỉnh tỷ giá trong 3 tháng cuối của năm.
Trong khi số dư tiền gửi USD tại các ngân hàng tăng mạnh thì dư nợ cho vay ngoại tệ giảm. Do đó, việc hạ lãi suất tiền gửi lần này cũng phản ánh cung cấp về ngoại tệ thực tế trên thị trường và giúp giảm tình trạng đô la hóa.
“Tuy nhiên, cần lưu ý, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu với kinh tế thế giới. Do đó, khi Fed tăng lãi suất, cần duy trì mặt bằng lãi suất USD trong nước ở mức hợp lý để đảm bảo lãi suất USD tại Việt Nam không quá thấp so với mặt bằng lãi suất trên thị trường quốc tế. Điều này sẽ giúp tránh việc khó thu hút vốn vào thị trường Việt Nam hoặc doanh nghiệp sẽ tìm cách giữ doanh thu xuất khẩu tại nước ngoài”, ông Hải nói.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)