Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
Thận trọng với chiêu “lẩn tránh thuế”
- Cập nhật : 08/11/2015
(Doanh nghiep)
Trong hơn 20 vụ kiện phòng vệ thương mại mà hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới liên tiếp khởi kiện VN từ đầu năm đến nay, có hơn 2/3 các vụ kiện đều luôn thấy Trung Quốc và Đài Loan bị kiện kèm.
Ngành sản xuất tôn các loại trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn do bị nhiều quốc gia trong khu vực liên tục áp dụng hình thức phòng vệ thương mại. Trong ảnh: sản xuất tôn tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: T.V.N.
Tốc độ các sản phẩm xuất khẩu của VN ngày càng bị kiện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và lẩn tránh thuế) nhiều đến mức một cán bộ có thẩm quyền của Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) phải thừa nhận:
“Cứ nhận được thông báo khởi kiện của quốc gia, vùng lãnh thổ nào thì đều thấy có Trung Quốc hoặc Đài Loan. Đôi khi các nước cũng chẳng muốn kiện mình, nhưng mình bị vạ lây vì thời gian áp thuế đối với Trung Quốc, Đài Loan sắp hết hạn, hoặc họ thấy sản phẩm nào đó xuất đi từ VN có số lượng gia tăng đột biến trong thời gian ngắn là họ cứ kiện”.
Nhận xét này cũng sát với thực tế khi có những mặt hàng như máy ép đùn - phun nhựa mà VN vừa bị Ấn Độ kiện chống bán phá giá (AD) mới đây, trong khi sản phẩm này chưa thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất hoàn chỉnh tại VN để được hưởng tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O), nhưng vẫn có hàng hóa xuất đi.
Tìm hiểu thì mới “lòi” ra Ấn Độ đang áp thuế AD đối với Trung Quốc ở mức thuế 60 - 174%.
Hay với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia liên tục khởi kiện VN trong ba năm gần đây, khi kiện đã gọi đích danh vụ kiện là “chống lẩn tránh thuế” đối với sản phẩm gạch granite xuất khẩu từ VN.
Trước đó, sản phẩm đá granite của Trung Quốc đã bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế AD ở mức 174 USD/tấn từ năm 2006. Tới khi rà soát thuế vào tháng 7-2012, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giữ nguyên mức thuế nói trên đối với Trung Quốc trong vòng năm năm nữa, tức đến năm 2017 sẽ hết hạn áp thuế.
Tuy nhiên, từ tháng 12-2014, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định kiện VN đối với mặt hàng này. “Với lý do chống lẩn tránh thuế, họ muốn ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc tìm đường chạy sang VN để lấy C/O xuất đi” - một chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại lý giải.
Bà Trần Thị Thu Hương - giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) - cho hay nguy cơ về gian lận thương mại từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan sang VN rất cao.
Bởi phần lớn sản phẩm của các doanh nghiệp từ những thị trường này khi bị áp thuế ở nhiều nước khác thường chạy sang các quốc gia chưa bị “dòm ngó”, trong đó chủ yếu là VN, để thành lập doanh nghiệp mới, hoặc chuyển cả nhà máy sang “nhà mới” sản xuất.
Đến khi bị kiện thì các nhà đầu tư này lại “cao chạy xa bay”, hoặc chọn hình thức không hợp tác với quốc gia khởi kiện, dẫn đến các phán quyết cuối cùng luôn gây bất lợi cho cả ngành sản xuất còn rất non trẻ của VN, thậm chí chưa kịp hình thành thị trường xuất khẩu thì đã mất hẳn nơi tiêu thụ.
Điển hình nhất là sản phẩm bộ bàn ăn bằng nhựa melamine xuất khẩu từ VN vừa bị Ấn Độ áp biên độ phá giá lên tới 1.732,11 USD/tấn, vì trong quá trình điều tra không có công ty Trung Quốc nào đang sản xuất tại VN tham gia điều trần vụ kiện.
Đã đến lúc cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát về việc doanh nghiệp có sản xuất hay không, hoặc công đoạn nào là sản xuất thật sự, chứ không chỉ làm những phần việc hết sức đơn giản rồi dễ dàng được cấp C/O.
Còn bà Hương cho hay để giảm thiểu tối đa các rủi ro trên, VCCI đã từng đề xuất với Bộ Kế hoạch - đầu tư giai đoạn tiền cấp giấy phép đầu tư cần được quan tâm và siết chặt hơn nữa, thậm chí lập hẳn danh sách cho các địa phương làm “bửu bối” để cơ quan quản lý chủ động kiểm tra kỹ hơn hồ sơ cấp phép đối với các mặt hàng đang nằm trong diện “tình nghi”.
Có như vậy mới mong giữ được thị trường trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.