Kể từ đầu năm, Chính phủ chỉ bán được khoảng 1 nửa số trái phiếu chào bán, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dệt may hưởng lợi từ tỷ giá
- Cập nhật : 11/09/2015
(Doanh nghiep)
Giá bán cạnh tranh hơn trong khi đơn hàng ổn định là yếu tố giúp nhiều doanh nghiệp dệt may lãi lớn sau 6 tháng đầu năm, có trường hợp tăng gần 200% so với cùng kỳ.
Thống kê của VnExpress với 8 doanh nghiệp ngành dệt may niêm yết trên hai sàn chứng khoán cho thấy hầu hết đều báo lãi trong 6 tháng, với hơn 80% đơn vị có lãi tăng từ gấp rưỡi trở lên.Có mức lãi tăng mạnh là Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã CK: GIL) khi báo cáo 6 tháng sau soát xét cho thấy doanh thu giảm nhẹ (515 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng 127,5% so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay, quản lý doanh nghiệp của công ty này giảm mạnh, trong khi thu nhập khác tăng là một trong những nguyên nhân giúp công ty lãi cao. Ngoài ra, theo lý giải của doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm công ty được lợi từ tỷ giá nên doanh thu từ hoạt động tài chính đã tăng 104%, góp phần gia tăng lợi nhuận trong khi doanh thu giảm.
Cũng có mức lãi tăng đột biến, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại may Sài Gòn (Mã CK: GMC) báo cáo hợp nhất nửa niên độ đầu năm cũng cho thấy, doanh thu đạt 656 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 49 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 88,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nửa đầu năm nay, công ty đạt nhiều tín hiệu tích cực khi chi phí tài chính giảm nhẹ, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. Ngoài ra, thu nhập khác của doanh nghiệp này tăng 20 lần so với nửa năm ngoái, đạt gần 2 tỷ đồng.
Còn tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Mã CK: TNG), 6 tháng doanh thu đạt 797 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 43 tỷ đồng, cũng lần lượt tăng 52% và 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù lợi nhuận của đơn vị này tăng trưởng khá nhưng trong báo cáo kiểm toán có lưu ý tại ngày 30/6, vốn lưu động của công ty thiếu hụt có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục. Theo lý giải của ban lãnh đạo, công ty đã lên kế hoạch kinh doanh cuối 2015 và 2016, đồng thời sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi và tăng vốn điều lệ.
Không có quy mô lớn như các đơn vị trên nhưng 6 tháng đầu năm Công ty cổ phần Everpia (Mã CK: EVE) cũng đạt được mức lợi nhuận khá ấn tượng. Báo cáo tài chính bán niên soát xét của đơn vị cho thấy, doanh thu đạt 395 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, lần lượt tăng 26,6% và 67,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 41% chủ yếu nhờ vào lãi chênh lệch tỷ giá và tiền gửi.
Ngoài các đơn vị trên, những doanh nghiệp còn lại như Công ty cổ phần Đầu tư dệt may thương mại Thành Công (Mã CK: TMC), hay Công ty cổ phần May mặc vải sợi miền Bắc (Mã CK: TET) cũng gia tăng lợi nhuận, lần lượt là 3% và 188% so với cùng kỳ năm ngoái. Duy nhất chỉ có Công ty cổ phần Mirae (KMR) giảm lãi 68% so với cùng kỳ, chỉ đạt 3,5 tỷ đồng.
Bên cạnh các doanh nghiệp niêm yết trên sàn tăng lãi đột biến trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp không niêm yết cũng cho kết quả khả quan. Là đơn vị đứng đầu ngành - Tập đoàn dệt may Việt Nam, 6 tháng cũng báo lãi sau thuế 228 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Xuân Hồng - Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) đánh giá, năm nay không chỉ doanh nghiệp lớn mà ngay cả những đơn vị quy mô nhỏ cũng có kết quả kinh doanh khả quan.
Nguyên nhân được nhận định là thị trường ổn định, một số quốc gia nhập khẩu đón đầu các hiệp định thương mại như FTA, TPP nên gia tăng đơn hàng, cùng với đó, tỷ giá điều chỉnh cũng giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Ngoài ra, một số công ty dệt may trong năm nay đã có cải tiến quản lý và đầu tư thêm thiết bị nên năng suất và chất lượng hàng hóa tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hồng cho hay, giá nguyên phụ liệu đang giảm, cũng là một trong những thuận lợi cho ngành dệt may trong thời gian tới. Toàn bộ đơn hàng cho 6 tháng cuối năm ở phần lớn doanh nghiệp đã ổn định, nhiều đơn vị đã lên kế hoạch cho quý I/2016.
Báo cáo của Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành duy trì tăng trưởng mức 2 con số, đạt 12,18 tỷ USD, tăng 10,26% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 5,1 tỷ USD, tăng 11%, chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đứng thứ 2 là thị trường châu Âu, đạt 1,45 tỷ USD, tăng 8,2%. Tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc lần lượt đạt 1,3 tỷ USD và 950 triệu USD, tăng 7,3% và 8,3% so với cùng kỳ… Theo Vitas, với hoạt động kinh doanh thuận lợi như hiện nay, hết năm ngành dệt may có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 27,5 tỷ USD.