Theo ông Vương Đình Huệ, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có chính sách trực tiếp phát triển thị trường bảo hiểm ở Việt Nam theo các cam kết quốc tế...
Tăng lãi suất huy động, ngân hàng đang hút tiền gửi ngắn hạn
- Cập nhật : 11/09/2015
(Tai chinh)
Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động ngắn hạn sẽ thu hút được lượng khách hàng nhỏ lẻ và nâng cao được khả năng cạnh tranh với các ngân hàng lớn ở phân khúc này.
Sau khi có thông tin một số Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) điều chỉnh tăng lãi suất huy động, PV Dân Trí đã có cuộc khảo sát thực tế tại một số các ngân hàng tại Hà Nội.
Khảo sát một số NHTM CP trên địa bàn Hà Nội, như VPbank, Sacombank, SCB, Vietinbank, Vietcombank… đều có mức lãi suất huy động khác nhau. So với mức lãi suất huy động mà NHNN đang áp dụng, thì biểu lãi suất của một số các NHTM hiện đang ở mức cao từ 0,1 – 0,4%, có nơi lên 0,7%.
Tại phòng giao dịch của Ngân Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ở Hoàng Quốc Việt, theo biểu lãi suất huy động áp dụng ngày 1/8 của ngân hàng này, mức lãi suất huy động có kỳ hạn 6 tháng ở mức 5,6% (tăng 0,1%), kỳ hạn 12 tháng là 6,4%, (tăng 0,4%). Mức lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân gửi tiền mức trên 100 triệu - đến 10 tỷ đồng được ngân hàng này cộng thêm 0,1% vào lãi suất 6 tháng và kỳ hạn 1 năm.
Ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), biểu lãi suất huy động áp dụng từ ngày 22/8, mức lãi suất có kỳ hạn 6 tháng là 6,3% (tăng 0,7%) và lãi suất có kỳ hạn 12 tháng là 6,8%, (tăng 0,3%).
Ở một số phòng, chi nhánh giao dịch của các ngân hàng khác như SEABank, mức lãi suất huy động cũng được ghi nhận tăng điểm, mức lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng ngân hàng này áp dụng thời điểm tháng 8/2015 là 5,9%, mức tăng 0,4%, lãi suất huy động 12 tháng là 6,8%, mức tăng 0,2%.
Các ngân hàng khác như Sacombank, mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng vẫn giữ ở mức 5,5%, kỳ hạn 12 tháng là 6,1%, tăng 0,1%. Một vài ngân hàng thương mại khác cũng đã nâng lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn.
Tuy nhiên, khác với mức lãi suất huy động của các ngân hàng nhỏ, tại các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng TMCP Nhà nước lớn như Ngân hàng Công Thương (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại Thương (VCB) Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… lãi suất huy động các kỳ hạn vẫn giữ nguyên ở mức 4,5% – 4,8% kỳ hạn 3 tháng; 5,0 - 5,5% đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 6% đối với kỳ hạn 12 tháng.
Việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động đang được dư luận, nhất là người gửi tiền rất quan tâm. Theo một nhân viên giao dịch của VPbank, lượng khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 3 – 6 tháng tăng khá mạnh so với các kỳ hạn từ 12 – 24 tháng. Ngoài lãi suất thường, các ngân hàng nhỏ đều đưa ra một số sản phẩm tiền gửi có quà tặng, tăng thêm % lãi suất theo thỏa thuận….
Chuyên viên phân tích của phòng giao dịch Sacombank tại Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cho biết, hầu hết các ngân hàng đều tăng mức lãi suất huy động kỳ hạn từ 3 - 6 tháng còn kỳ hạn trên 12 tháng đến 24 tháng là không có. Chị này cho biết thêm: “Trong bối cảnh găm giữ đồng USD đầy rủi ro, chứng khoán lên xuống thất thường, đầu tư vàng lỗ… nhiều người gửi tiền sẽ chọn kỳ hạn gửi lý tưởng 6 tháng để được hưởng mức lãi suất cao hơn”.
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng đánh giá, việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động ngắn hạn sẽ thu hút được lượng khách hàng nhỏ lẻ và nâng cao được khả năng cạnh tranh với các ngân hàng lớn ở phân khúc này. Tuy nhiên, người gửi tiền nên cẩn trọng bởi các ngân hàng chỉ tăng lãi suất trong kỳ hạn ngắn 3 – 6 tháng, còn các kỳ hạn dài rất hiếm ngân hàng tăng. Điều đó cho thấy, việc tăng lãi suất như vậy chủ yếu phục vụ nhu cầu tăng vốn, thu hút khách gửi tiền còn về lâu dài các ngân hàng chưa dám tăng vốn huy động vì họ vẫn lo ngại vấn đề tỷ giá và các diễn biến thị trường tài chính cuối năm.