tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Dệt may ứng phó thế nào với “nguồn gốc xuất xứ”?

  • Cập nhật : 17/08/2015

(Tin kinh te)

Dệt may được xem là một trong những ngành hưởng lợi nhất khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

det may ung pho the nao voi “nguon goc xuat xu”?

Dệt may ứng phó thế nào với “nguồn gốc xuất xứ”?


Hai thị trường hàng đầu của xuất khẩu dệt may Việt Nam hiện lần lượt là Mỹ và EU. Theo các chuyên gia, xét riêng ngành dệt may, doanh nghiệp Việt có lợi thế cạnh tranh về giá và có thể mở rộng thị phần từ hai thị trường vốn tiềm năng trong những năm qua.

Theo đó, khi EVFTA được ký kết, thuế từ 12% sẽ về mức 0%, điều này sẽ tạo ra sức cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Tương tự, ưu đãi về thuế do TPP mang lại cũng rất hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt mở rộng tại thị trường Mỹ, khi thuế hàng dệt may xuất khẩu sẽ giảm dần xuống 0% so với mức 7-32% (tùy mặt hàng) như hiện nay.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề nan giải về quy định nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, điểm yếu cần khắc phục của dệt may Việt Nam nếu muốn được hưởng ưu đãi về thuế từ 2 hiệp định quan trọng trên.

TPP “dễ thở” hơn EVFTA

Chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm là một thủ tục bắt buộc để hưởng mức ưu đãi thuế quan.

EVFTA và TPP đều đưa ra những điều kiện về quy định nguồn gốc nguyên vật liệu nhưng có sự khác biệt cơ bản.

Trong khi EVFTA đặt ra yêu cầu với công đoạn “từ vải trở đi” thì TPP thách thức hơn với quy định “từ sợi trở đi”.

Sở dĩ có điểm khác trong quy định về nguồn gốc nguyên liệu dệt may giữa EVFTA và TPP là do Mỹ - quốc gia đóng vai trò lớn trong đàm phán TPP - muốn bảo vệ người lao động và thúc đẩy sức tiêu thụ của sợi bông trong nước.

Quy tắc “từ sợi trở đi” được cho là quy định “ngộp thở” đối với dệt may Việt Nam. Bởi trên thực tế, Việt Nam hiện không có nhiều nhà máy sợi và sản phẩm làm ra chỉ đáp ứng 1% nhu cầu toàn ngành, phần lớn nhu cầu còn lại phải nhập, chiếm tỷ trọng cao nhất là từ Trung Quốc.

Trong khi đó, mục đích đàm phán của TPP là đôi bên cùng có lợi giữa các nước thành viên và các ràng buộc được đặt ra trên cơ sở làm sao để tiêu thụ sản phẩm của các nước thành viên TPP.

Được biết, ngoài Mỹ, hiếm có các quốc gia nào trong khối thành viên TPP trồng bông và sản xuất sợi.

Nguyên tắc “từ vải trở đi” đối với quy định về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu dệt may trong EVFTA được cho là đúng luật. Tuy nhiên, việc đáp ứng được quy tắc này cũng không hề dễ dàng hơn với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Trong hàng chục năm qua, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành này đã được thành lập, nhưng hầu hết chỉ tập trung vào “cắt” và “may”.

Thực ra, chuyện các doanh nghiệp “né” làm sợi, dệt, nhuộm hay làm nguyên phụ liệu khác cũng không khó hiểu. Bởi vốn đầu tư để hoạt động theo đúng quy chuẩn trong lĩnh vực này lên đến vài chục triệu USD, thời gian hoàn vốn lại kéo dài, trong khi các chính sách hỗ trợ gần như chưa tích cực.

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trung bình mỗi năm, cả ngành dệt may sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên phụ liệu, trong đó khoảng 70% nhập từ Trung Quốc - nước không tham gia vào TPP và cả FTA.

Có thể thấy, những nỗ lực để đàm phán của Việt Nam sẽ thành “công cốc” nếu như doanh nghiệp dệt may tiếp tục nhập nhuyên phụ liệu từ Trung Quốc hay từ một quốc gia không thuộc khu vực TPP hoặc FTA.

Được biết, nguyên phụ liệu chiếm khoảng 55% trong chuỗi giá trị, 45% còn lại là công sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, các chuyên gia kinh tế dự báo, trong tương lai gần, vốn đầu tư (bao gồm cả vốn FDI) bơm vào “lỗ hổng” này sẽ gia tăng mạnh nhằm khai thác hết lợi thế của ngành dệt may Việt Nam khi TPP và EVFTA được triển khai.

Kẽ hở nào cho “người ngoài” - Trung Quốc?

Mặc dù không góp mặt trong các cuộc đàm phán kể trên, nhưng cái tên Trung Quốc lại được nhắc khá nhiều, bởi Trung Quốc đang là nhà cung ứng nguyên vật liệu lớn nhất cho dệt may Việt Nam. Giá nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc luôn rẻ hơn so với các nước khác, thậm chí chỉ bằng khoảng 25-35% so với Nhật Bản.

Tuy nhiên, các thành viên của TPP và cả EVFTA chỉ muốn làm ăn với Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc. Vì thế, hàng Trung Quốc đang bị tấn công tứ bề.

Trên bàn đàm phán EVFTA, ông Mauro Petriccione – Bộ trưởng đại diện đàm phán thương mại Việt Nam - EU từng nói: “Chúng ta cần phải có giải pháp để có thể làm rõ các quy định về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm dệt may Việt Nam. Bởi lẽ chúng ta đang hợp tác với Việt Nam, chứ không phải với Trung Quốc”.

 


Hay trên bàn đàm phán TPP, các nhà đàm phán thương mại của Mỹ đề nghị Việt Nam, nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới, giảm phụ thuộc vào vải vóc nhập khẩu từ Trung Quốc - nước không tham gia TPP - để đổi lấy ưu đãi thuế khi tiếp cận thị trường Mỹ.

Còn về phía Việt Nam, ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ thuộc Bộ Công Thương nói: “Việt Nam đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu ngành may mặc từ Trung Quốc nhằm tận dụng tốt hơn TPP”.

Trên giấy tờ, quy định về nguồn gốc nguyên liệu của hai hiệp định sẽ khó để lại kẻ hở cho mức ưu đãi thuế từ hàng Trung Quốc. Nhưng trong cả hai hiệp định trên không hề có nội dung cấm “người” Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Vì thế, không những Trung Quốc, các công ty từ Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan gần đây đã ồ ạt rót vốn mở các nhà máy dệt tại Việt Nam.

Đơn cử là Công ty TAL Apparel, có trụ sở Hồng Không đang xây một nhà máy dệt ước tính đến 240 triệu USD ở Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2017, với hy vọng sau này sẽ được hưởng thuế suất bằng 0 khi vào thị trường Mỹ.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục