So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-17% toàn hệ thống, riêng TP.Hà Nội đã vượt chỉ tiêu hơn 2%.
Hệ thống tài chính Việt Nam bị đánh giá rủi ro ở mức “rất cao”
- Cập nhật : 11/09/2015
(Tai chinh)
Nền kinh tế và hệ thống tài chính Việt Nam đang được đánh giá là có mức độ rủi ro thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á.
Như vậy, theo thang điểm chung của AMB thì Việt Nam nằm ở bậc CRT-4 (rủi ro cao). Trong số các nước Đông Nam Á thì có Philippines và Indonesia cũng đang nằm ở bậc này. Singapore là nước duy nhất trong khu vực nằm ở bậc an toàn nhất là là CRT-1.
Theo như phân tích của AMB thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong trung hạn, còn mức lạm phát dự kiến duy trì ở mức thấp, nhờ vào giá dầu giảm và tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn tương đối lạc quan.
So với mức lạm phát kỷ lục 23% vào năm 2008 thì mức lạm phát trong những năm gần đây đã giảm đáng kể và luôn giữ mức một con số. Theo một số dự đoán của các nhà kinh tế thì rất có thể lạm phát năm nay được giữ ở mức 2,5% và tăng nhẹ lên 3,3% vào năm 2016.
Theo dự đoán, GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ tăng 6%, và được duy trì trong khoảng 5,8 – 6% vào những năm tới.
Rủi ro kinh tếTheo AMB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào các lĩnh vực sản xuất công và nông nghiệp. Theo một số thống kê thì vẫn còn đến gần 50% lực lượng lao động của Việt Nam đang làm trong các ngành liên quan đến nông nghiệp.
Dù cho Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong những năm gần đây, nhưng đà tăng trưởng vẫn đang bị kìm hãm bởi cơ sở hạ tầng chưa phát triển tương xứng, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, cộng với tình trạng tham nhũng, quan liêu chưa được giải quyết triệt để.
Mục tiêu cổ phần hóa gần 300 doanh nghiệp Nhà nước trong năm nay được AMB đánh giá là khó có thể hoàn tất, nhưng cũng là một dấu hiệu tích cực cho thấy quyết tâm của chính phủ.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông cũng là một yếu tố mà AMB xem là có nhiều rủi ro tiềm tàng.
Rủi ro hệ thống tài chính
AMB đánh giá mức độ rủi ro hệ thống tài chính của Việt Nam ở mức "Rất cao".
Theo đó, dù Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng thị trường vốn và khuôn khổ chính sách tiền tệ trong nước vẫn bị xem là chưa phát triển nhiều. Các mức giới hạn trong các chính sách tiền tệ vẫn chưa được nới bỏ, phần nào hạn chế sự tự do, linh hoạt của hệ thống tài chính.
Trong những năm qua hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu nhưng nhìn chung vẫn đang ở mức cao, gây cản trở không nhỏ cho sự phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam thời gian tới. Khi tính đến tháng 2 năm 2015 Tổng công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua 2,7 tỷ USD nợ xấu. Ước tính tỷ lệ nợ xấu đã giảm đáng kể từ mức 9% vào năm 2012 xuống còn 4,9% vào năm 2014.
Làn sóng mua bán sáp nhập M&A trong ngành ngân hàng diễn ra khá sôi động trong năm 2015 và đang theo đúng lộ trình đề ra của NHNN. Dự kiến số lượng các ngân hàng có thể giảm từ 40 ngân hàng xuống còn khoảng 15 ngân hàng trong năm 2017 để tạo dựng các ngân hàng có sức cạnh tranh cao hơn. Việc xử lý các ngân hàng yếu kém hậu sáp nhập sẽ là một bài toán khó cho các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)