Theo các chuyên gia, việc vay ODA để phát triển hạ tầng là cần thiết nhưng phải tính tới khả năng trả nợ của Việt Nam.
Chưa kỳ vọng vào cơ chế mới về mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC
- Cập nhật : 11/09/2015
(Tai chinh)
Với mức vốn điều lệ mới 2.000 tỷ đồng, việc mua nợ theo giá thị trường của VAMC sẽ bị hạn chế ở giá trị và khối lượng các khoản nợ xấu có thể mua.
Thông tư này cụ thể hóa những thay đổi trong Nghị định số 34/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/3/2015.
Theo nhận định của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Thông tư 14, có hiệu lực từ ngày 15/10/2015, được kỳ vọng hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu bằng cách bổ sung khá đầy đủ và chi tiết các quy định về phát hành, sử dụng và trích lập dự phòng rủi ro và thanh toán trái phiếu đặc biệt (TPĐB) của VAMC.
Đồng thời, thông tư cũng quy định thêm nhiều vấn đề liên quan đến phương thức bán nợ so với thông tư cũ. Điểm trọng yếu của thông tư 14 là mở ra kỳ vọng mới về tiến trình xử lý nợ xấu của VAMC thông qua việc quy định chi tiết về việc mua lại nợ xấu theo giá thị trường. Về vấn đề này, VDSC cho rằng chưa nên đặt nhiều kỳ vọng.
Theo quy định mới, trái phiếu do VAMC phát hành để mua nợ theo giá thị trường có một số điểm khác so với TPĐB: (1) hệ số rủi ro là 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR); (2) mức trích lập dự phòng là 0; (3) Thời hạn trái phiếu là 1 năm và có thể gia hạn thêm 3 năm so với thời hạn ban đầu nếu được sự đồng ý của trái chủ.
Sự khác biệt trên cho thấy các TCTD có thể có lợi về mặt an toàn hoạt động nếu bán nợ cho VAMC theo giá thị trường. Đổi lại, TCTD có thể phải chịu mức xóa nợ lớn hơn do mức trích lập dự phòng đối với loại trái phiếu này là 0. Ngoài ra, loại trái phiếu mới cũng có thời hạn ngắn hơn so với TPĐB, do đó, tạo điều kiện để VAMC xoay vòng vốn nhanh hơn để mua các khoản nợ mới.
Mặc dù đồng ý rằng thông tư mới sẽ “tiếp sức” cho quá trình xử lý nợ xấu songVDSC vẫn còn lo ngại 2 vấn đề.
Thứ nhất, với mức vốn điều lệ mới 2.000 tỷ đồng, việc mua nợ theo giá thị trường của VAMC sẽ bị hạn chế ở giá trị và khối lượng các khoản nợ xấu có thể mua. Mới đây, VAMC cũng đã đề xuất NHNN tăng vốn điều lệ thêm 1.500 tỷ đồng để tạo điều kiện cho phương án mua nợ theo giá thị trường. Có thể ngầm hiểu là với năng lực vốn của VAMC, cơ chế mới có lẽ chỉ hỗ trợ một phần nhỏ trong tiến trình xử lý nợ xấu.
Thứ hai, theo thông tư, VAMC có quyền chủ động hơn đối với việc định giá các khoản nợ và bán nợ xấu. Tuy nhiên, các quy định về pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo (đặc biệt là tài sản đảm bảo bằng bất động sản) vẫn gây cản trở đối với việc bán nợ của VAMC.
Tính đến cuối tháng 8/2015, VAMC đã mua được 77.355 tỷ đồng nợ xấu, phát hành trái phiếu đặc biệt được 68.000 tỷ đồng. So với đầu năm, VAMC đã đẩy mạnh mua nợ xấu trong quý II và quý III, từ đó đạt được mục tiêu mua 70.000-100.000 tỷ đồng trong năm 2015.
Tính từ khi bắt đầu xử lý nợ xấu đến nay, VAMC đã mua khoảng 208.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó mới chỉ xử lý được khoảng 11.300 tỷ đồng.
Thông tư 14 có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2015, sau thời điểm SBV cam kết đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mức 3%. Cơ chế mua nợ theo giá thị trường sẽ được thí điểm trong quý IV với kế hoạch dự kiến là mua 500-700 tỷ đồng, tương đương ¼ vốn điều lệ hiện tại của VAMC.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)