tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Để giảm thanh toán tiền mặt

  • Cập nhật : 15/07/2016

Trước đây tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán là 20%, sau quá trình triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp thì vài năm trở lại đây, tỷ trọng này ở mức 11-12%.

Gần đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về việc Thụy Điển đặt mục tiêu hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt đầu tiên trên thế giới. Theo đó, tất cả các giao dịch thanh toán ở đất nước này được thực hiện trên hệ thống thanh toán di động Swish, tạo điều kiện cho người dân thực hiện thanh toán dễ dàng với mọi giao dịch dù là nhỏ nhất. Người Thụy Điển rất thích sử dụng Swish và xem nó như một cuộc cách mạng trong thanh toán. Một số NH lớn thậm chí đã dừng nhận tiền mặt. Từ cuối năm ngoái tới nay, ước tính cứ 5 giao dịch tại Thụy Điển thì có tới 4 giao dịch điện tử.

dich vu nop tien dien qua nh dang kha pho bien o cac do thi

Dịch vụ nộp tiền điện qua NH đang khá phổ biến ở các đô thị

Vẫn biết mọi so sánh đều khập khiễng khi tiềm lực kinh tế, công nghệ của mỗi nước là khác nhau. Nhưng, trông người mà nghĩ đến ta, bởi Việt Nam hiện nay vẫn thuộc số các nước có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao trên thế giới. Tuy nhiên, chiều hướng thay đổi trong phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam cũng cho thấy đang có những bước đi rất nhanh.

Cải thiện rõ rệt

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trước đây tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán là 20%, sau quá trình triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp thì vài năm trở lại đây, tỷ trọng này ở mức 11-12%. Có thể thấy, việc giảm được tỷ lệ này là sự nỗ lực của Chính phủ, trong đó có NHNN, cơ quan chủ trì chỉ đạo triển khai các giải pháp trong hai đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2006-2010 và Đề án đẩy mạnh TTKDTM giai đoạn 2011-2015. Thời gian qua, hệ thống văn bản từ Luật, Nghị định đến Thông tư được ban hành một cách đồng bộ.

Đơn cử, NHNN đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về TTKDTM, tạo lập hành lang pháp lý quan trọng, điều chỉnh đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia vào hoạt động TTKDTM trong nền kinh tế, góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về TTKDTM. Theo tờ trình của NHNN, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán tiền mặt theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh, nhằm tăng cường quản lý thanh toán bằng tiền mặt, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán…

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều Thông tư để hướng dẫn việc trang bị, lắp đặt, quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn, bảo mật hoạt động của ATM; phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa; dịch vụ TTKDTM, dịch vụ trung gian thanh toán, phí dịch vụ thanh toán, mở và sử dụng tài khoản thanh toán. NHNN cũng ban hành các quy định, yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ và hoạt động thẻ NH…

Về phía các TCTD, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Công nghệ thanh toán tiên tiến, hiện đại, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống TTKDTM được các NH coi trọng và tăng cường, phục vụ tốt cho việc cung ứng và ứng dụng các dịch vụ, phương tiện TTKDTM mới, hiện đại và phục vụ thương mại điện tử phát triển…

Lãnh đạo một NHTM cho biết, hiện nay khá nhiều NH đã chủ động trong việc đầu tư, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới, hiện đại như xác thực vân tay, sử dụng QR code… mang lại tiện lợi và an toàn hơn trong giao dịch thanh toán điện tử. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ được cải thiện chất lượng, tập trung đầu tư phát triển, số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Đến cuối tháng 12/2015, trên toàn quốc có trên 16.900 ATM và hơn 223.000 POS được lắp đặt, tăng lần lượt 48% và 330% so với cuối năm 2010. POS hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn và đang được các NH mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học.

Chất lượng tốt và dịch vụ tiện dụng, phù hợp, kết quả là theo số liệu từ Vụ Thanh toán, lượng thẻ NH tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành và số lượng, giá trị giao dịch thẻ tăng khá nhanh. Tính đến cuối năm 2015, số lượng thẻ phát hành đạt mức trên 99,5 triệu thẻ, tăng 224% so với cuối năm 2010.

Dần đi vào chất

Theo các NH, nếu như trước đây phần lớn khách hàng sử dụng thẻ NH để rút tiền tại ATM thì hiện nay, ý thức người sử dụng thẻ ở các thành phố, thị xã đã thay đổi, chuyển sang sử dụng nhiều hơn cho thanh toán điện tử. Đón đầu xu hướng này, các NH đã, đang tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ NH để sử dụng thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến. Đồng thời, đơn vị phát hành thẻ cũng quan tâm hơn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ thẻ, chú trọng tăng độ an toàn của thẻ NH.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh TTKDTM thì cần đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới; đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ổn định của hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam. Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, phát triển các hệ thống thanh toán như nâng cấp, mở rộng, duy trì hoạt động thông suốt hiệu quả hệ thống thanh toán điện tử liên NH (IBPS); phát triển Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất theo nội dung của đề án được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận…

Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán nội bộ của các NHTM. Và, cho dù các NH không ngừng gia tăng tiện ích cho khách hàng nhưng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thì việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ thanh toán, ứng dụng các phương tiện hiện đại luôn phải được chú trọng. Đặc biệt, công nghệ cũng sẽ hỗ trợ phát triển TTKDTM trong khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, ngoài các nỗ lực từ phía các NH thì chúng ta cũng cần có thêm chính sách, biện pháp, chế tài... để điều chỉnh hoạt động thanh toán trong các giao dịch hiện nay. Ví dụ, yêu cầu các DN đã đăng ký với hình thức công ty, DN thì đơn vị đó phải có một tỷ lệ TTKDTM là bao nhiêu phần trăm trong tổng số giao dịch… Hay như ở các nước người ta khuyến khích người mua hàng yêu cầu xuất hóa đơn.

Tuy nhiên cũng theo ông Hòa, trong điều kiện ở Việt Nam đại bộ phận là cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nên chưa áp dụng ngay được. Do đó nên có quy định những nhóm mặt hàng giao dịch lên đến chục triệu đồng phải thanh toán qua NH...


Đức Nghiêm
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục