tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đầu tư ra nước ngoài: Phải tính chuyện vươn cao, bay xa

  • Cập nhật : 15/07/2016

Nhà nước đã hoàn thiện các chính sách khuyến khích DN đầu tư ra nước ngoài, và bản thân DN trong nước cũng bắt đầu đủ mạnh để vươn xa hơn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đã bắt đầu được thực hiện từ cách đây 27 năm, song chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây (từ năm 2006 đến tháng 5/2016), số vốn đầu tư đã chiếm gần 97% tổng số vốn luỹ kế trong cả giai đoạn.

Sở dĩ có sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là bởi Nhà nước đã hoàn thiện các chính sách khuyến khích DN đầu tư ra nước ngoài, và bản thân DN trong nước cũng bắt đầu đủ mạnh để vươn xa hơn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Cú hích từ chính sách

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, luỹ kế đến tháng 5/2016, Việt Nam đã đầu tư sang 86 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 1.079 dự án, tương ứng tổng số vốn đăng ký khoảng 20,23 tỷ USD. Lào hiện là quốc gia thu hút vốn đầu tư lớn nhất từ Việt Nam với 5,11 tỷ USD, tương ứng 266 dự án, chiếm 25,2% tổng vốn đăng ký. Các DN Việt Nam đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó khai khoáng thu hút vốn đầu tư lớn nhất với 9,3 tỷ USD, chiếm gần 46% tổng vốn đầu tư.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hội nhập đã tạo ra thời cơ thuận lợi cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Theo đó, đến năm 2020 khi các FTA quan trọng mà Việt Nam đang tiến hành đàm phán chính thức có hiệu lực, thì Việt Nam sẽ là 1 trong 55 nền kinh tế hội nhập mạnh mẽ nhất.

Cùng bối cảnh đó, các DN trong nước ngày càng lớn mạnh nên nhu cầu đầu tư ra bên ngoài cũng tăng cao hơn. Vì vậy ông Hoàng khẳng định, bối cảnh hiện nay là cơ hội để nghiên cứu thúc đẩy hợp tác đầu tư, không chỉ với các nước có trình độ tương đương Việt Nam, mà còn mở ra hướng đầu tư vào các nước phát triển.

Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, chính sách quản lý được kiện toàn đã tạo thành “bệ đỡ” vững chắc cho DN. Ông Chung phân tích, trong 10 năm qua số dự án và số vốn đã có sự tăng trưởng cao, thể hiện chính sách đã nhanh chóng có sự thay đổi tích cực để thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Hiện có 3 hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài là pháp luật nước tiếp nhận đầu tư; các điều ước quốc tế song phương và đa phương có liên quan đến kinh tế, thương mại, đầu tư; pháp luật đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. “Nhiều NĐT cho rằng điều chỉnh bởi 3 hệ thống có vẻ phức tạp và khó khăn quá, nhưng tìm hiểu kỹ sẽ thấy xu hướng hỗ trợ nhiều hơn là mang tính hành chính”, ông Chung giải thích.

Đặc biệt, Việt Nam đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, và ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với trên 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây được ví như là phao bảo hộ cho DN tự tin vươn ra thị trường thế giới.

NĐT trong nước đã sẵn sàng

Cùng với việc hoàn thiện chính sách thì sự phát triển mạnh mẽ về năng lực của DN trong nước cũng là điều kiện thuận lợi từ phía Việt Nam. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2020 cả nước có khoảng 1 triệu DN, vì vậy nhu cầu mở rộng không gian đầu tư, kinh doanh là rất lớn.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có lực lượng nhân lực dồi dào, đặc biệt lực lượng cử nhân công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh, chi phí lương cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực, là cơ sở để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực công nghệ cao như định hướng của Chính phủ.

Thực tế là hiện cũng đã có 6 tập đoàn, tổng công ty trong nước có vốn đầu tư ra nước ngoài vượt ngưỡng 1 tỷ USD, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Tổng công ty Sông Đà; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; Công ty cổ phần Golf Long Thành.

Với sự hậu thuẫn của chính sách và lớn mạnh của DN, trong định hướng về địa bàn đầu tư giai đoạn tới, Cục Đầu tư nước ngoài đã mạnh dạn xác định có thể từng bước mở rộng đầu tư sang các nước và thị trường mới, nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ La tinh, Đông Âu, châu Phi… dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và thực lực của các DN Việt Nam. Cùng với đó tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh trong đầu tư vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia…

Với việc mở rộng thị trường sang các quốc gia khó tính hơn và lĩnh vực công nghệ cao hơn, ông Vũ Văn Chung khẳng định, sẽ không phải là việc quá sức với DN. Thay vào đó, đây là cơ hội để DN tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.


Ngọc Khanh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục