Quy mô bảng cân đối ở mức bình thường mới của Fed có thể là 2.500 tỷ USD, so với mức 850 tỷ USD trước khủng hoảng.
ADB và AMRO ký kết Bản ghi nhớ đẩy mạnh hỗ trợ ASEAN+3
- Cập nhật : 04/05/2017
Ngân hàng Phát triển châu Á và Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 vào ngày 3.5 ký kết Bản ghi nhớ củng cố quan hệ hợp tác trong nỗ lực ủng hộ ASEAN và Hàn Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc.
Bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao và Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) Junhong Chang bên lề Hội nghị thường niên ADB lần thứ 50 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Pacifico Yokohama ở TP.Yokohoma, Nhật Bản từ ngày 4-7.5.
Thông qua quan hệ đối tác, ADB và AMRO sẽ cùng hỗ trợ các nỗ lực và chính sách tập trung vào phát triển kinh tế, tăng cường ổn định tài chính và cải thiện sự hợp tác cũng như hòa nhập trong khu vực ASEAN+3.
Văn kiện mới sẽ giúp củng cố cam kết hỗ trợ của hai tổ chức trên nhằm cải thiện hơn nữa năng lực giám sát kinh tế vĩ mô của ASEAN+3 và khả năng ngăn chặn khủng hoảng phát sinh cũng như phát triển năng lực quản lý.
“Châu Á-Thái Bình Dương đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong việc cải thiện khả năng phục hồi tài chính và củng cố năng lực giám sát. AMRO đã và đang đóng vai trò then chốt trong quá trình này”, theo ông Nakao.
“Thông qua MOU vừa được ký kết, ADB và AMRO sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các vấn đề thiết yếu đối với sự tăng trưởng trong tương lai và độ ổn định tài chính của khu vực”, Chủ tịch ADB nhấn mạnh.
Kể từ khi được thành lập vào năm 2011, AMRO, trụ sở tại Singapore, duy trì quan hệ đối tác mạnh mẽ với ADB, bao gồm các hoạt động như Hội nghị Bàn tròn Khu vực châu Á thường niên, tổ chức các cuộc hội thảo và đối thoại quan trọng trong khu vực.
Yokohama đón chào đại biểu
Cùng ngày, Trung tâm Hội nghị Pacifico Yokohama cũng bắt đầu đón tiếp phái đoàn các nước đến đăng ký tham dự sự kiện đóng vai trò cột mốc trong quá trình phát triển của ADB.
Dự kiến hơn 5.000 đại biểu, trong đó có cả các đoàn từ Bắc Mỹ và châu Âu, sẽ tham gia các cuộc hội thảo và chuyên đề dày đặc do ADB tổ chức nhân dịp này.
Thành phần tham gia bao gồm các bộ trưởng tài chính, kinh tế, thống đốc ngân hàng trung ương, giới quan chức cấp cao, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà báo, học giả và đại diện những tổ chức dân sự cũng như đại biểu thanh niên từ khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đoàn Việt Nam do Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị.
Hội nghị năm nay có chủ đề “Cùng nhau xây dựng một châu Á thịnh vượng”, tập trung vào nhu cầu phục vụ các mục tiêu tăng trưởng của khu vực, trong đó lĩnh vực then chốt nhất là cơ sở hạ tầng, nhằm hướng đến phát triển bền vững. Các cuộc thảo luận cũng sẽ đề cập những thách thức liên quan đến đô thị và nhu cầu phát triển theo hướng xanh hóa, chống chọi tốt trước ảnh hưởng của môi trường.
Ra đời vào năm 1966, ADB, trụ sở tại Manila, đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Vào năm 2016, ngân hàng này đã hỗ trợ tổng cộng 31,7 tỉ USD cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tính cả 14 tỉ USD đồng tài trợ với các tổ chức khác.
Thụy Miên
(Từ Yokohama, Nhật Bản)
Theo Thanhnien.vn