Quá trình cổ phần hóa là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế.
ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá, vượt xa mọi kỳ vọng của Chính phủ
- Cập nhật : 12/04/2018
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm 2018, cao hơn từ 0,4 – 0,6 điểm phần trăm so với mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, nhận định: được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2018, là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực.
"Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp", ông Eric Sidgwick nói.
Mức tăng 7,1% được xem là rất lạc quan và cao hơn nhiều so với mục tiêu Chính phủ đã đề ra trước đó là từ 6,5 – 6,7%. Và dù quý I/2018 đạt mức tăng GDP cao kỷ lục của 10 năm phía Tổng cục Thống kê đã nhấn mạnh không ít thách thức để cả nền kinh tế đạt được mục tiêu 6,7%. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong nước cũng đang đặt nghi vấn về chất lượng tăng trưởng của Việt Nam.
Về lạm phát, theo dự kiến của ADB, đạt trung bình 3,7% trong năm nay, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2017 và đạt 4% trong năm 2019 vì sự gia tăng cầu nội địa và giá cả hàng hoá toàn cầu.
Nợ công cũng đã được kéo giảm, ông Sidgwick cho biết và giải thích là nhờ vào sự tăng thu ngân sách trên mọi lĩnh vực của Chính phủ trong năm 2017. Cuối năm 2017, nợ công đã xuống 61,3%GDP, từ mức 63,6% năm trước đó. Tài khoá được củng cố, lạm phát ở mức thấp sẽ giúp cho Việt Nam có điều kiện tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.
Dù vậy, tăng trưởng Việt Nam vẫn đối diện một số nguy cơ lớn, bao gồm cả sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu.
Kim ngạch thương mại hằng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GDP, khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore.
Vì vậy một sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (Hoa Kỳ và Trung Quốc) có thể dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế.
Do đó, ADB khuyến nghị cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng của Việt Nam nhằm bảo đảm tăng trưởng được duy trì bền vững và công bằng.
Ông Eric Sidgwick nhận xét Việt Nam trong một thập niên qua đã có thể huy động nguồn cung lớn nhân lực trẻ, được đào tạo để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo cần nhiều lao động.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế dần trở nên phức tạp hơn, khoảng cách giữa trình độ của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng lớn hơn, nếu không được khắc phục, sự thiếu hụt kỹ năng này có thể trở thành rào cản lớn đối với những tham vọng phát triển của Việt Nam.
Đức Minh
Theo CafeF.vn