Nghe có vẻ lạ nhưng nhiều công ty bảo hiểm bỗng chốc trở thành người hưởng lợi từ đợt tấn công quy mô toàn cầu bằng mã độc WannaCry.
Indonesia lo ngại Việt Nam giành “miếng bánh” thu hút FDI
- Cập nhật : 05/05/2017
Chính phủ Indonesia đang lo ngại bị Việt Nam và Thái Lan cạnh tranh mạnh trong thu hút dòng vốn FDI vào khu vực.
Việt Nam và Thái Lan đang trở thành những đối thủ đáng gờm của Indonesia trong thu hút FDI vào khu vực ASEAN.
Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla vừa lên tiếng rằng Việt Nam và Thái Lan đang trở thành những đối thủ đáng gờm trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực ASEAN, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, tờ Antara đưa tin.
“Sự cạnh tranh đang diễn ra trong khu vực đầu tư nước ngoài, và [Indonesia] cần cải thiện pháp luật và tạo điều kiện kinh doanh như Việt Nam và Thái Lan do hai nước đó trở thành những đối thủ của Indonesia trong khu vực”, ông Kalla nói tại Phủ Phó tổng thống hôm 2/5.
Dựa theo bảng xếp hạng của World Bank về môi trường kinh doanh (Doing Business) năm 2017, Indonesia đứng thứ 91, sau Việt Nam (tăng 9 bậc lên vị trí 82) và Thái Lan (hạng 46).
“Xét về chỉ số tạo thuận lợi kinh doanh nói chung, Indonesia đã có nhiều tiến bộ. Nhưng những nước láng giềng thậm chí còn xếp hạng tốt hơn về môi trường kinh doanh”, ông Kalla nói.
Lãnh đạo xứ vạn đảo cũng kêu gọi cải thiện pháp luật để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào nước này, đồng thời tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Ông Kalla cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, nhất là ở Trung Quốc, đã ảnh hưởng tới môi trường đầu tư ở Indonesia.
Theo thống kê của Hội đồng điều phối đầu tư của Indonesia, nước này thu hút 396,6 nghìn tỷ rupiah, tương đương 29,75 tỷ USD, vốn FDI trong năm 2016, tăng 8,4% so với năm trước đó.
Tuy vậy, vốn FDI vào Indonesia chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ trong quý IV, giảm mạnh so với tốc độ tăng trưởng 7,8% quý trước đó. Đây là mức tăng theo quý thấp nhất trong vòng 5 năm gần nhất.
Singapore là nước đầu tư nhiều nhất vào Indonesia trong năm ngoái với 9,18 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ hai với 5,4 tỷ USD và Trung Quốc đổ 2,67 tỷ USD, xếp thứ ba.
Trong khi đó, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 24,4 tỷ USD năm 2016. Giải ngân vốn FDI tăng 9% so với cùng kỳ, đạt 15,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong báo cáo mới đây của hãng tư vấn Grant Thornton, Indonesia đứng sau Myanmar và Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á về mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân. “Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam vì đội ngũ lao động dồi dào, chi phí thấp, cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu”, báo cáo viết.
MINH TUẤN
Theo Bizlive