Khi tiền đồng và nhân dân tệ cùng nhau phá giá, những người nhập khẩu và những người vay USD lỗ đơn, lỗ kép.
Xử lý tài sản đảm bảo: Gian nan tìm “phao cứu sinh”
- Cập nhật : 25/08/2015
(Tai chinh)
Tuy tài sản thế chấp đã được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định, nhưng hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay còn nhiều khe hở để các đương sự lách luật nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Phao vẫn chưa cứu được
Trong bối cảnh khó khăn, việc xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB) là một trong những công cụ quan trọng được xem như “phao cứu sinh” giúpTCTD thu hồi nợ, giảm nợ xấu. Thế nhưng, thời gian qua, việc xử lý TSĐB tại các TCTD gặp rất nhiều khó khăn.
Tại Hội thảo “Xử lý tài sản bảo đảm trong hoạt động tín dụng của các TCTD: thực trạng và giải pháp” vừa tổ chức tại Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tiến Đông nhấn mạnh, đây đang là vấn đề nổi cộm trong hoạt động của các TCTD. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng ách tắc trong thu hồi xử lý TSĐB được ông Đông đưa ra như định giá TSĐB, và nhất là TCTD gặp khó khăn khi thu giữ TSĐB để xử lý do các văn bản pháp luật liên quan ở trong tình trạng vừa chồng chéo vừa thiếu hụt.
Điển hình, theo Nghị định số 163, có tới 4 phương thức xử lý TSĐB, nhưng khi đụng đến đâu các TCTD cũng gặp khó khăn. Trong các phương thức xử lý TSĐB thì bán tài sản vẫn đang được áp dụng phổ biến nhất. Nhưng trong các quy định của pháp luật hiện hành lại chưa làm rõ những trường hợp nào thì việc bán tài sản cần đặt dưới sự kiểm soát của tòa án. Nếu bên nhận bảo đảm được quyền bán tài sản thì cần phải tuân thủ các nghĩa vụ gì, để tránh lạm quyền, xâm phạm đến lợi ích của bên bảo đảm hay của các chủ thể khác. Hay như, phương thức nhận chính TSĐB để thay thế nghĩa vụ trả nợ.
Theo quy định tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP, trường hợp giá trị của TSĐB lớn hơn giá trị phải thanh toán thì bên nhận bảo đảm phải trả số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tiễn của các TCTD cho thấy, dường như hai bên rất khó tìm được sự đồng thuận về giá trị của TSĐB dùng để khấu trừ nghĩa vụ nợ, đặc biệt khi giá trị TSĐB tại thời điểm xử lý thấp hơn giá trị khoản vay.
Đến cuối cùng không còn cách nào khác thì TCTD buộc phải sử dụng phương thức khởi kiện ra tòa. Đây là giải pháp cực chẳng đã của các NH, bởi sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể thu hồi được tài sản. Nhưng trong bối cảnh kinh doanh khó khăn thì thu được đồng vốn nào cũng là đáng quý, nên NH dù không muốn vẫn phải làm.
Vì sao các ngân hàng ngại khởi kiện ra tòa?
Trưởng phòng Khách hàng Hộ sản xuất và Cá nhân Agribank, ThS. Phạm Hồng Sơn đưa ra ví dụ điển hình cho những trắc trở mà NH gặp phải khi khởi kiện ra tòa. Tuy tài sản thế chấp đã được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định, nhưng hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay còn nhiều khe hở để các đương sự lách luật nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Ví dụ, bên vay hoặc chủ tài sản thế chấp thường tìm cách tạo ra vụ tranh chấp của bên thứ 3 đối với bất động sản thế chấp. Trong trường hợp này, tòa án không thể đưa ra phán quyết buộc khách hàng trả nợ Agribank và tuyên phát mại tài sản thế chấp, mà phải chờ vụ án tranh chấp tài sản được giải quyết xong, sau đó mới tiến hành giải quyết khoản nợ và tài sản thế chấp của Agribank.
Ngay cả trong cách vận dụng quy định tố tụng tại các tòa án nhân dân quận, huyện và các chi cục thi hành án dân sự, theo ông Sơn cũng chưa có sự thống nhất. Có tòa án đồng ý cho tách thành những vụ kiện riêng từng tài sản nhưng một số lại không đồng tình. Đó là chưa kể, có những vướng mắc trong quan hệ giữa tòa án và thi hành án làm mất nhiều thời gian và bất lợi trong quá trình xử lý tài sản.
Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đưa ra thêm một thực tế nhức nhối gây khó khăn trong xử lý TSĐB, đó là việc bán đấu giá tài sản. Có trường hợp định giá quá cao, giảm 15 lần không ai mua được. Ấy là chưa kể, công ty đấu giá lách luật, hạn chế thông tin về phiên đấu giá bằng cách không thông báo hoặc có thông báo nhưng không niêm yết hoặc cho niêm yết không đúng nơi có tài sản bán đấu giá… gây khó khăn cho người đến mua hồ sơ xin đấu giá.
Do đó, khi vào phiên đấu giá thì chỉ là sự “diễn kịch”, giá bán và người trúng đấu giá hoàn toàn theo kịch bản có sẵn được thống nhất giữa người bán đấu giá và người tham gia đấu giá. Chính những mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định liên quan đến pháp luật đã kéo dài, mất nhiều thời gian.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan từ sự bất cập của các quy định pháp luật, theo ông Nguyễn Tiến Đông, các TCTD cũng có phần trách nhiệm trong việc khó xử lý TSĐB. Nhiều TCTD chưa chấp hành đầy đủ và nghiêm túc các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm như tính pháp lý của TSĐB không đầy đủ, không công chứng hợp đồng thế chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm...
Việc thẩm định giá trị TSĐB chưa được các TCTD quan tâm đúng mức. Công tác quản lý TSĐB chưa chặt chẽ. Đến khi khách hàng không trả được nợ, TCTD tiến hành xử lý mới phát hiện TSĐB đã bị mất hoặc khách hàng đã dùng chính tài sản đó để thế chấp tại một TCTD khác...
Khẳng định vẫn còn tồn tại nhiều nguyên nhân cản trở việc NH xử lý TSĐB, nhưng Tổng thư ký Hiệp hội NH Trần Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh, không thể kéo dài mãi tình trạng này. Tại các nước trên thế giới, một trong những điều tối kỵ trong xử lý TSĐB là kéo dài thời gian. Điều này gây thiệt hại nhiều cho người cho vay, người đi vay và cả nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bà Hạnh đề nghị, cần phải cụ thể hóa bằng luật, sửa đổi luật để NH được thực thi quyền của mình.
Đồng quan điểm, ông Tiến cũng cho rằng, rất cần phát triển hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến TSĐB nhất là vấn đề công chứng, chuyển nhượng quyền sở hữu, đăng ký giao dịch đảm bảo…; xây dựng cơ chế quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác thi hành án dân sự.
Để hạn chế những kẽ hở trong cấp tín dụng, ông Tiến đề nghị các TCTD cần rà soát, đảm bảo khâu thẩm định có sự phối hợp chặt chẽ để có giải pháp phù hợp cho từng vụ việc, thu hồi TSĐB nhanh chóng. Ông Tiến cho biết, thời gian qua có nhiều TCTD đã năng động đưa ra giải pháp xử lý tài sản như Techcombank thành lập công ty kinh doanh bất động sản để trực tiếp nhận tài sản không bán được, và công ty này còn tham gia vào cuộc mua đấu giá tài sản kê biên.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Đông cho rằng, nhất thiết các rủi ro liên quan đến TSĐB phải được TCTD nhận diện, đo lường, giám sát và quản lý một cách chặt chẽ. Vì vậy, các TCTD cần hoàn thiện chính sách quản lý rủi ro tín dụng như thực hiện chấm điểm TSĐB để làm căn cứ nhận hay từ chối TSĐB và quyết định tỷ lệ cấp tín dụng phù hợp; bắt buộc phải tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm trước khi cho vay…