Khi Moscow tiến hành các cuộc không kích tại Syria, châu Âu nhận ra rằng, Putin trở thành người không thể thiếu trong các nỗ lực giải quyết những bất ổn đang gây nguy hiểm cho an ninh châu lục này.
Vì sao có 93 triệu dân, tín dụng tiêu dùng của Việt Nam vẫn thấp?
- Cập nhật : 04/10/2015
(Tai chinh)
Với 93 triệu dân, trong đó phần lớn là dân số trẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng để phát triển ngành tài chính tiêu dùng.
Nếu ở các nước phát triển, tín dụng tiêu dùng chiếm từ 17%-18% GDP, thì ở Việt Nam mới chỉ đạt 5%-6%. Dự báo trong 5 năm tới, dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam có thể đạt 10% GDP, như vậy mức tăng trưởng mỗi năm phải đạt 20%.
Xu thế tất yếu
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn tiềm năng, nhiều người dân chưa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính. Trong khi đó, thực tế, có nhiều yếu tố để có thể kỳ vọng vào mảng thị trường này.
“Việt Nam có 93 triệu dân, dự báo đạt tới 100 triệu dân vào năm 2025. Đó là con số hết sức thuận lợi cho kênh tài chính tiêu dùng. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển ổn định ở khu vực Đông Nam Á, trong tương lai tín dụng tiêu dùng sẽ phát triển mạnh”, ông Phong nhận định.
Bên cạnh đó, ông Phong cũng cho rằng, khá nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế mà Việt Nam vừa đạt được với các quốc gia có nền kinh tế phát triển chắc chắn sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan cho nền kinh tế trong nước. “Khi nền kinh tế phát triển ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm, tăng thu nhập cho người lao động, kết hợp với yếu tố dân số trẻ tập trung nhiều ở khu vực thành thị, sẽ giúp gia tăng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho vay tiêu dùng”.
Mặt khác, việc Chính phủ tiếp tục có nhiều nỗ lực cải thiện các thủ tục hành chính, thuế quan, cùng với tình hình an ninh chính trị ổn định cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm phát triển, cũng như thu hút các nhà đầu tư mới, trong đó có đầu tư vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Thực tế, nếu nhìn vào tốc độ hình thành rất nhanh các kênh tài chính tiêu dùng trong hệ thống ngân hàng và sự ra đời của hàng loạt công ty tài chính, với rất nhiều dịch vụ đa dạng cũng đã thấy được tiềm năng của thị trường này.
Cần khuôn khổ pháp lý
Để tín dụng tiêu dùng có thể phát triển hết tiềm năng của nó, theo các chuyên gia, cần phải hoàn thiện các vấn đề pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng, các công ty tài chính hoạt động.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực cho vay tiêu dùng đang rất nỗ lực để có thể quản lý hoạt động này với hai mục tiêu chính là bảo vệ người đi vay và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
TS. Thanh đề xuất: “Để thúc đẩy sự phát triển thị trường này tại Việt Nam, theo kịp sự phát triển của thị trường thế giới, trước hết cần một khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, đảm bảo sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam, đi đôi với việc nâng cao tính năng động, trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân Việt Nam”.
Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, sự cạnh tranh đa dạng trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ làm tăng chất lượng dịch vụ và giảm lãi suất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng loại hình dịch vụ này.