tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

HSBC dự báo lãi suất sẽ tăng vào quý III/2016

  • Cập nhật : 05/10/2015

(Tai chinh)

Lạm phát kỳ vọng tăng trở lại cùng với tăng trưởng sáng lên khiến HSBC cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% vào quý III/2016.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2011 đặt dấu chấm hết cho tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng quá mức, kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng trở lại, được thúc đẩy bởi xuất khẩu phát triển mạnh mẽ. GDP quý III/2015 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 6,5% trong quý II. Nhu cầu trong nước từng bước phục hồi, phản ánh trong tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 16,5%, cao hơn mục tiêu đề ra.

hsbc du bao lai suat se tang tro lai vao nam 2016.

HSBC dự báo lãi suất sẽ tăng trở lại vào năm 2016.

Môi trường vĩ mô tiếp tục ổn định, thể hiện qua việc tăng trưởng không đi cùng với áp lực về giá. Lạm phát toàn phần giảm xuống 0% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 0,6% của tháng 8. Lạm phát cơ bản cũng xuống còn 1,6% trong tháng 9 so với cùng kỳ, từ mức 2,4% trước đó.

"Với giá dầu dự kiến tiếp tục giảm và viễn cảnh giảm giá của tiền đồng được kiềm chế, áp lực giá trong ngắn hạn thấp, đủ để cho phép Ngân hàng Nhà nước giữ lãi suất thị trường mở ổn định ở 5%", HSBC nhận định trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô phát đi chiều nay (2/10).

Song, tổ chức này cho rằng đến cuối năm lạm phát có thể tăng lên do hiệu ứng giá, phục hồi ở mức 3,3% vào cuối quý II/2016 và sẽ lên 5,2% cuối năm 2016. "Chúng tôi cho rằng lãi suất sẽ được giữ không thay đổi trong suốt nửa đầu năm 2016, nhưng với nền kinh tế đang có đà tăng trưởng cao hơn, lãi suất chính sách sẽ được tăng thêm 0,5% vào quý III/2016", chuyên gia của HSBC cho hay.

tang truong tin dung dang dan tang cao tu nen tang thap. nguon: ceic/sbv/hsbc

Tăng trưởng tín dụng đang dần tăng cao từ nền tảng thấp. Nguồn: CEIC/SBV/HSBC

 

Một lý do khác để tổ chức này cho rằng bước tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước là tăng lãi suất chứ không giảm, là thâm hụt thương mại. Xuất khẩu giảm cùng với nhu cầu nội địa phục hồi có nghĩa cán cân thương mại của Việt Nam lại rơi vào thâm hụt. Mặc dù chưa tới mức báo động, điều đáng lo là thâm hụt được thúc đẩy bởi khu vực trong nước, đối lập với tình hình xuất siêu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong quá khứ, thâm hụt thương mại của các công ty trong nước, đặc biệt là các công ty nhà nước đã gia tăng cùng với tiêu thụ và đầu tư thông qua vay mượn, gây áp lực cho tiền đồng và tạo ra thách thức cho nền kinh tế. Ở thời điểm hiện tại, HSBC cho hay rủi ro vĩ mô của Việt Nam còn thấp do chính sách tiền tệ cẩn trọng. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi sát thâm hụt thương mại để xem liệu kinh tế trong nước có bị rủi ro phát triển quá nóng không", HSBC nêu.

Tổ chức này nâng dự báo GDP của Việt Nam năm 2015 từ mức 6,3% lên 6,6%; năm 2016 từ 6,5% lên 6,7%, cho thấy quan điểm nền kinh tế sẽ không tăng trưởng quá nhanh. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 9 lần đầu tiên dưới ngưỡng 50 điểm (xu hướng xấu đi) trong 25 tháng là một lời nhắc nhở rằng Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái chu kỳ của thương mại toàn cầu. Với số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm, HSBC cho hay tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại vào cuối năm.

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục