Bloomberg vừa công bố kết quả phân tích của nhóm chuyên gia đến từ Citigroup về sự đổi mới của thị trường tài chính nội địa Trung Quốc trong việc thu hút vốn FDI. Theo đó, Trung Quốc kỳ vọng sẽ thu hút hơn 3 nghìn tỷ USD vốn FDI vào năm 2025. Liệu đây có phải là một tham vọng quá lớn?
Vì sao Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất là tín hiệu tốt cho nền kinh tế?
- Cập nhật : 16/07/2017
Động thái giảm lãi suất điều hành sẽ giúp hỗ trợ giảm chi phí cho các ngân hàng, DN liên quan. Đây là một tín hiệu tốt đối với DN, nền kinh tế.
Ảnh minh họa.
Lần điều chỉnh đầu tiên sau 4 năm
Chiều tối ngày 7/7, NHNN ban hành 2 quyết định quan trọng về điều chỉnh giảm lãi suất có liệu lực từ ngày 10/7 gồm:
Quyết định số 1424/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.
Quyết định số 1425/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Cụ thể NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5% xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5% xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5% xuống 7,25%/năm.
Bên cạnh việc giảm các mức lãi suất điều hành, NHNN cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng (VND) đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 7% xuống còn 6,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này cũng giảm từ 8% xuống còn 7,5%/năm.
Đây là đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN sau hơn bốn năm không thay đổi kể từ ngày 18/3/2014.
3 cơ sở để NHNN hạ lãi suất điều hành
NHNN nhấn mạnh 3 nguyên nhân chính dẫn đến quyết định này bao gồm:
Thứ 1, lạm phát có xu hướng tăng thấp, CPI tính đến hết tháng 6 chỉ tăng 0,2% so với cuối năm 2016, 2,54% so với cùng kỳ 2016, bình quân 4,15% 6 tháng đầu năm. lạm phát ở mức thấp những tháng qua, một phần do yếu tố giá lương thực thực phẩm và giá nhiên liệu xăng dầu giảm, đây là các yếu tố ngắn hạn.
Thứ 2 là thanh khoản toàn bộ hệ thống được đảm bảo, lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm mạnh kể kỳ đầu quý II/2017.
Thứ 3, Thủ tướng yêu cầu NHNN phấn đấu đưa tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2017 đạt trên 18% thay vì dưới 18% như kế hoạch từ đầu năm.
Lý do NHNN không giảm lãi suất huy động
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng nếu NHNN điều chỉnh lãi suất lãi suất huy động thì tiền đồng sẽ chảy sang các kênh khác, có thể là vàng hay chứng khoán, bất động sản. Điều đó sẽ rủi ro cao, khó huy động vốn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh huy động vốn chưa phải là cao trong 6 tháng đầu năm nay.
Vì sao chỉ giảm 0,5%?
Theo chuyên gia Lực, mức giảm này đã được hội đồng tư vấn bàn bạc kỹ nếu giảm sâu mặc dù giới doanh nghiệp hài lòng nhưng sẽ có những tác động khác. Đầu tiên là ngân hàng không dám cho vay lĩnh vực ưu tiên vì lãi suất quá thấp.
Thứ 2 hiện nay chênh lệch lãi suất sau khi trừ chi phí của hệ thống ngân hàng Việt Nam là 2%, trong bối cảnh nợ xấu còn cao, việc giảm sâu gây áp lực lớn cho các ngân hàng.
Ai là người hưởng lợi?
Nhiều chuyên gia, DN cho rằng việc NHNN giảm lãi suất điều hành lần này là một tín hiệu tốt đối với DN, nền kinh tế. Đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, trong khi gánh nặng chi phí, nhất là chi phí vốn vay ngân hàng còn cao như hiện nay.
TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét đây là tín hiệu thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện và ổn định sau những sóng gió về nợ xấu, hậu sáp nhập, tình hình tái cơ cấu ngân hàng… Điều này sẽ mang lại niềm tin cho thị trường.
Việc hạ lãi suất sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa các DN nhà nước thuận lợi hơn. Bởi lãi suất giảm sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, tài chính đi lên, qua đó giúp cổ phần hóa nhanh hơn và sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Động thái giảm lãi suất điều hành sẽ giúp hỗ trợ giảm chi phí cho các ngân hàng, DN liên quan. Đơn giản là khi nguồn cung vốn từ NHNN với giá rẻ hơn so với trước đây thì các ngân hàng thương mại sẽ có cơ hội để đẩy mạnh cho vay với lãi suất cho vay thấp hơn, tức giảm gánh nặng cho người vay.
Theo Trí thức trẻ