tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hoạt động M&A đứng trước rào cản thuế

  • Cập nhật : 19/07/2017

Khi nhà đầu tư ngoại bỏ vốn vào Việt Nam, họ luôn tính xa đến câu chuyện thoái vốn trong tương lai sao cho thuận lợi về mặt pháp lý hoặc thuế.

Trong các lần trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc bỏ vốn vào doanh nghiệp Việt Nam, khi đề cập đến chủ đề thuế, thông thường câu hỏi các nhà đầu tư đặt ra: “Các vấn đề về thuế tại Việt Nam mà chúng tôi cần lưu ý nhất là gì?”. Mỗi khi gặp tình huống này, chúng tôi lại nhớ đến trường hợp tham gia soát xét về tài chính và thuế cách đây hơn 15 năm tại một doanh nghiệp Việt Nam khá nổi tiếng trong lĩnh vực cung cấp và lắp đặt thiết bị xây dựng.

Tại thời điểm đó, một nhà đầu tư Nhật đang cân nhắc mua lại 70% số cổ phần của doanh nghiệp nêu trên từ cổ đông sáng lập. Mọi việc đang diễn ra khá suôn sẻ khi cả hai bên đã thống nhất được các vấn đề quan trọng như giá trị doanh nghiệp, phương án chuyển giao, kinh doanh hậu mua bán và sáp nhập (M&A)... Tuy nhiên, sau khi chúng tôi trình bày kết quả soát xét thuế và tài chính tại doanh nghiệp cho nhà đầu tư, họ đã quyết định rút lui khỏi thương vụ này với lý do chính là doanh nghiệp này đã duy trì hệ thống “hai sổ” và báo cáo doanh thu cũng như lợi nhuận khác biệt nhiều so với thực tế.

Nhà đầu tư cân nhắc không chỉ số thuế bị truy thu, phạt chậm nộp, phạt vi phạm hành chính tiềm tàng (tại thời điểm đó có thể lên đến 5 lần số thuế truy thu) mà các hệ quả có liên quan như uy tín của doanh nghiệp...

Thực tế, vấn đề “hai sổ” này vẫn nằm trong danh sách Top 3 mà chúng tôi hay chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài vấn đề “hai sổ” nêu trên, từ kinh nghiệm có được qua quá trình hỗ trợ các giao dịch M&A cũng như huy động vốn, có thể thấy một số rào cản khác về mặt thuế có thể làm kéo dài quá trình thực hiện giao dịch hoặc ảnh hưởng đến định giá doanh nghiệp, tệ hơn là có thể làm giao dịch không thực hiện được như trường hợp thực tế nêu trên.

Rủi ro tiềm tàng về thuế trong quá khứ

Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt (quy mô đầu tư nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp mới để mua tài sản/dự án chứ không mua cổ phần tại doanh nghiệp hiện tại...), hầu hết các thương vụ M&A hoặc huy động vốn khác đều trải qua quá trình soát xét về tài chính và thuế để nhà đầu tư có cái nhìn tương đối rõ ràng về thực trạng của doanh nghiệp.

Hoat dong M&A dung truoc rao can thue

Các báo cáo soát xét về thuế thường nêu ra các vấn đề tiềm tàng liên quan đến thuế trong quá khứ của doanh nghiệp có thể ảnh hưởng hậu M&A (thông thường là do cơ quan thuế thanh/kiểm tra) và do đó nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro hoặc đưa ra các quyết định như: ngừng thương vụ nếu các rủi ro về thuế quá trọng yếu và không có khả năng khắc phục; yêu cầu bên bán giảm giá; yêu cầu bên bán cam kết bồi hoàn trong trường hợp rủi ro thực tế xảy ra.

Bên bán cũng có thể tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư bằng cách yêu cầu cơ quan thuế thực hiện thanh/kiểm tra quyết toán thuế đến thời điểm gần nhất. Tuy nhiên, biện pháp này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được và cũng không hẳn đã loại trừ hết rủi ro.

Thuế thu nhập của bên bán

Nếu là doanh nghiệp huy động thêm vốn cho mục đích mở rộng kinh doanh thì giao dịch này không chịu thuế, ngay cả trong trường hợp giá bán cao hơn mệnh giá cổ phần. Tuy nhiên, nếu cổ đông muốn thoái một phần hay toàn bộ khoản đầu tư của mình thì lại là vấn đề khác.

Nếu cổ đông là cá nhân thì khi chuyển nhượng cổ phần chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân với mức khá dễ chịu là 0,1% trên giá bán. Cần lưu ý, giao dịch này có thể làm phát sinh các nghĩa vụ thuế được hoãn lại trong quá khứ. Nếu đối tượng chuyển nhượng không phải là cổ phần (ví dụ vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn) thì thuế suất sẽ là 20% trên lợi nhuận thu được.

Nếu bên bán là doanh nghiệp thì vấn đề có khả năng phức tạp hơn vì thuế suất sẽ là 20% trên thu nhập chịu thuế trong mọi trường hợp. Thu nhập này có thể được cấn trừ với các khoản lỗ khác (nếu có, trừ vài trường hợp đặc biệt) cũng như có thể được hoãn lại với một số kỹ thuật thuế nhất định.

Hoat dong M&A dung truoc rao can thue

Một số trường hợp khác, cổ đông cá nhân đem cổ phiếu thuộc sở hữu của mình góp vốn vào một công ty “holding” thuộc cá nhân nhằm bảo mật thông tin cá nhân khi giao dịch cũng như để tiết kiệm 5% thuế thu nhập cá nhân cổ tức. Tuy nhiên, các cá nhân này bị “mắc kẹt” khi muốn bán cổ phiếu đã đưa vào công ty holding do lúc này công ty phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 20% chứ không còn được áp dụng thuế thu nhập cá nhân 0,1% cho cá nhân nữa. Do vậy, bên bán cũng cần có sự chuẩn bị kỹ cho giao dịch thoái vốn nếu không muốn gặp những tình huống khó xử như trên.

Thuế trong tương lai của bên mua

Khi nhà đầu tư nêu ra vấn đề này, hầu hết phía doanh nghiệp Việt Nam đều phản ứng “chuyện này đâu có liên quan đến chúng tôi!”. Thực ra, khi các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào Việt Nam, họ luôn tính xa đến câu chuyện thoái vốn trong tương lai sao cho thuận lợi về mặt pháp lý hoặc thuế. Do vậy, nhà đầu tư có thể có một số yêu cầu “lạ” với doanh nghiệp Việt Nam hoặc bên bán. Chẳng hạn, việc bỏ vốn vào doanh nghiệp được tách ra một phần góp vốn điều lệ, một phần cho vay (có hoặc không có quyền chuyển đổi), sở hữu trực tiếp ở các công ty con thay vì chỉ sở hữu ở công ty mẹ... Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ lý do đằng sau các đề xuất như trên, cũng như có sự linh hoạt nhất định nhằm vừa đảm bảo không bị thiệt thòi cho mình, vừa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư để thương vụ không bị kéo dài hoặc thất bại.

Chi phí đầu tư không được khấu trừ thuế

Vấn đề này thường gặp trong lĩnh vực bất động sản, khi có sự chênh lệch giữa giá trị sổ sách của tài sản thuộc doanh nghiệp và giá trị thị trường mà nhà đầu tư trả để mua doanh nghiệp này. Ví dụ như doanh nghiệp đang sở hữu một dự án với giá trị sổ sách là 10 triệu USD và được định giá thị trường 100 triệu USD. Nếu nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra 100 triệu USD mua toàn bộ doanh nghiệp và tiến hành phát triển dự án, chi phí được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chỉ là 10 triệu USD chứ không phải là 100 triệu USD nhà đầu tư bỏ ra. Giả sử, nếu doanh thu của dự án đạt mức 100 triệu USD, thì doanh nghiệp có lợi nhuận theo sổ sách là 90 triệu USD (để đơn giản, giả định doanh nghiệp không phát sinh thêm chi phí phát triển dự án) và phải nộp thuế 20% (tức 18 triệu USD). Xét về khía cạnh nhà đầu tư, chẳng những họ không có lời so với số tiền 100 triệu USD đã đầu tư mà còn bị lỗ do doanh nghiệp phải nộp thuế! Nếu như toàn bộ chi phí đầu tư được khấu trừ thuế thì nghịch lý trên sẽ không xảy ra.

Trong nhiều trường hợp, vấn đề nêu trên có thể giải quyết được, chẳng hạn như thông qua nghiệp vụ sáp nhập công ty mẹ - con để định giá lại dự án theo giá thị trường. Tuy nhiên, các bên cần có sự chuẩn bị trước vì các bước thực hiện có thể sẽ mất nhiều thời gian.

Ngoài những vấn đề nêu trên, các giao dịch còn có thể gặp phải một số vấn đề thuế khác mà phạm vi bài viết này không đề cập hết được. Các doanh nghiệp đang dự định thoái vốn hoặc huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài không xem nhẹ khía cạnh thuế. Xét về mức độ quan trọng, thuế nên luôn là một chủ đề trọng yếu trong bản kế hoạch chuẩn bị cho thương vụ.

 

Thân Xuân Thịnh
Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ thuế và tư vấn, EY Vietnam

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Trở về

Bài cùng chuyên mục