Hiện nay, người có tiền USD gửi ngân hàng không phải đa số. Chính vì thế, thị trường có nhiều người đầu cơ USD, găm USD để gửi ngân hàng. Vì vậy, biện pháp của NHNN sẽ chỉ gây ngạc nhiên cho một số ít người gửi tiền, còn sẽ làm nản lòng giới đầu cơ.
Sự hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế
- Cập nhật : 13/07/2017
Khi xây dựng các chuẩn mực kế toán, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là tuân thủ hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, tuy nhiên, chuẩn mực kế toán Việt Nam còn những điểm cần hòa hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về kế toán, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế của đất nước, nước ta cần tiến hành một số giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, bao gồm cả giải pháp trực tiếp đối với hệ thống chuẩn mực kế toán và giải pháp thuộc về môi trường kinh tế pháp luật.
Thực trạng về sự hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế
Chuẩn mực kế toán gồm những nguyên tắc và phương pháp kế toán cơ bản để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính. Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được xây dựng dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và hệ thống báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) từ những năm 2000 đến 2005 theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm ban hành chuẩn mực. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng và ban hành được 26 chuẩn mực kế toán.
Khác với hệ thống VAS, hệ thống IAS không có sự bắt buộc mang tính hình thức (như biểu mẫu báo cáo thống nhất, hệ thống tài khoản kế toán thống nhất, hình thức sổ kế toán, mẫu các chứng từ gốc thống nhất). IAS mặc dù đưa ra rất chi tiết các định nghĩa, phương pháp làm, cách trình bày và những thông tin bắt buộc phải trình bày trong các báo cáo tài chính nhưng IAS không bắt buộc phải sử dụng chung các biểu mẫu báo cáo tài chính, hệ thống tài khoản, các hệ thống chứng từ, sổ kế toán. IAS có bộ khung khái niệm và tính thống nhất cao giữa các chuẩn mực.
Khi xây dựng các chuẩn mực kế toán, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là tuân thủ hệ thống chuẩn mực kế toánquốc tế. VAS cơ bản đã được xây dựng dựa trên IAS/IFRS, theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của doanh nghiệp Việt Nam. VAS cơ bản tiếp cận với IAS/IFRS, phản ánh được phần lớn các giao dịch của nền kinh tế thị trường, nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin về báo cáo tài chính của các doang nghiệp. Mặc dù vậy, VAS hiện nay vẫn bộc lộ nhiều điểm khác biệt so với IAS/IFRS. Điều này được thể hiện qua một số biểu hiện cụ thể sau:
- VAS chưa có quy định cho phép đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo. Điều này, ảnh hưởng lớn đến việc kiểm tra các tài sản và nợ phải trả được phân loại là công cụ tài chính làm suy giảm tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính và chưa phù hợp với IAS/IFRS.
- Theo VAS 21, doanh thu và chi phí tài chính được tính vào lãi/lỗ hoạt động kinh doanh trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là không phù hợp với thông lệ quốc tế, khi các khoản lãi/lỗ bán cổ phiếu, vốn không phải là hoạt động mang tính thường xuyên của doanh nghiệp lại được hiểu là hoạt động kinh doanh chủ yếu.
- VAS 3 chỉ cho phép đáng giá lại tài sản cố định là bất động sản, nhà xưởng và thiết bị trong trường hợp có quyết định của Nhà nước, đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, liên kết, chia tách, sáp nhập doanh nghiệp và không ghi nhận phần tổn thất tài sản hàng năm, trong khi đó, theo IAS 16, doanh nghiệp được đánh giá lại tài sản theo nguyên tắc giá thị trường và được xác định phần tổn thất tài sản hàng năm, đồng thời được ghi nhận phần tổn thất này theo quy định tại IAS 36.
- VAS 11 quy định lợi thế thương mại được phân bổ dần trong thời gian không quá 10 năm kể từ ngày mau trong giao dịch hợp nhất kinh doanh, trong khi đó IFRS 3 quy định doanh nghiệp phải đánh giá giá trị lợi thế thương mại tổn thất.
- VAS hiện thiếu một số chuẩn mực liên quan đến các đối tượng và giao dịch đã phát sinh như: Thanh toán bằng cổ phiếu (IFRS 02); Công cụ tài chính (IFRS 9); Tổn thất tài sản (IAS 19); Các khoản tài trợ của Chính phủ (IAS20); Nông nghiệp (IAS 41); Phúc lợi cho nhân viên (IAS 36)....
Gần đây, có một số nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mức độ hòa hợp giữa chuẩn mực kế toánViệt Nam với chuẩn mực kế toánquốc tế. Kết quả của một nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ hòa hợp giữa VAS với IAS/IFRS liên quan đến 10 chuẩn mực được chọn nghiên cứu ở mức bình quân là 68%. Theo đó, các chuẩn mực về doanh thu và chi phí có mức đọ hòa hợp cao hơn các chuẩn mực về tài sản. Mức hòa hợp về đo lường (81,2%) cao hơn nhiều so với mục độ hài hòa về khai báo thông tin (57%).
Nguyên nhân gây ra sự khác biệt
Theo các chuyên gia kế toán, có nhiều lý do để giải thích cho sự chưa hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế. Trong đó, có thể chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản gây ra những khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế, cụ thể:
Thứ nhất, áp dụng IAS/IFRS sự không chắc chắn rất cao bởi vì báo cáo tài chính theo IAS/IFRS sử dụng nhiều ước tính kế toán, ví dụ như giá hợp lý mặc dù Luật Kế toán số 88/2015/QH13 đã yêu cầu cần sử dụng. VAS với các ước tính kế toán ít hơn và thận trọng hơn làm hạn chế những yếu tố không chắc chắn, tuy nhiên điều này làm giảm sự phù hợp của thông tin trên báo cáo tài chính. Đặc điểm này là yếu tố ảnh hưởng gián tiếp và rất quan trọng đến việc VAS chưa áp dụng hoàn toàn IAS/IFRS.
Thứ hai, nền kinh tế thị trường của Việt Nam còn khá non trẻ và thị trường vốn của Việt Nam là một trong những thị trường non trẻ nhất trên thế giới. Đến nay, thị trường vốn vẫn chưa thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế, mới chỉ trong phạm vi quốc gia, chưa liên thông với thị trường vốn trên thế giới.
Trong khi đó, định hướng của IAS/IFRS là xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán hoàn toàn thị trường và thị trường vốn trên thế giới, một hệ thống chuẩn mực kế toán phục vụ cho lợi ích chung, chất lượng cao, dễ hiểu và có thể áp dụng trên toàn thế giới, nhằm giúp cho những người tham gia vào thị trường vốn khác nhau trên thế giới ra quyết định kinh tế.
Do vậy, định hướng phát triển của VAS để phục vụ cho các nhà đầu tư trên thị trường vốn không mạnh như IAS/IFRS, ngoài ra nhu cầu của Việt Nam về một hệ thống kế toán phức tạp và hợp lý như IAS/IFRS về thị trường vốn chưa cấp bách. Hơn nữa, ở Việt Nam hiện nay, nhiều đối tượng sử dụng báo cáo tài chính chưa có nhu cầu thực sự với thông tin tài chính chất lượng cao vì thông tin tài chính chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc ra quyết định của họ.
Thứ ba, Việt Nam là quốc gia theo hướng điển chế luật khác với các nước theo hướng thông luật. Với các nước theo hướng điển chế luật, nhìn chung, sự bảo vệ quyền cổ đông và yêu cầu tính minh bạch của thông tin thấp hơn so với các nước theo hướng thông luật. VAS được xây dựng phù hợp với hệ thống luật theo hướng điển chế luật trong khi IAS/IFRS được phát triển phù hợp với hệ thống luật của các nước theo hướng thông luật.
Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia mà cơ sở, nguyên tắc kế toán được quy chiếu vào chế độ kế toán quốc gia. Theo đó, Nhà nước có vai trò kiểm soát kế toán về phương pháp đo lường, đánh giá, soạn thảo và trình bày báo cáo. Việc soạn thảo, ban hành các chuẩn mực kế toán và các hướng dẫn thực hiện phải do các cơ quan nhà nước thực hiện và được đặt trong các bộ luật hoặc các văn bản pháp lý dưới luật.
Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển IAS/IFRS, các cơ sở, nguyên tắc kế toán không quy chiếu vào chế độ kế toán quốc gia, việc kiểm soát của Nhà nước được thực hiện thông qua việc giải thích mục tiêu, nguyên tắc kế toán, phương pháp đo lường, đánh giá, soạn thảo và trình bày báo cáo tài chính, chuẩn mực. Nguyên tắc kế toán thường được thiết lập bởi các tổ chức tư nhân chuyên nghiệp, điều đó cho phép chúng dễ dàng thích ứng với thực tiễn và sáng tạo hơn, và phần lớn các nguyên tắc này không được quy định trong các văn bản luật.
Để chuẩn mực kế toán Việt Nam hòa hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế
Từ các nguyên nhân của sự hòa hợp VAS và IAS/IFRS và những phân tích nêu trên, có thể thấy, việc Việt Nam lựa chọn mô hình vận dụng có chọn lọc IAS/IFRS làm cơ sở chủ yếu để xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán cho mình là một sự lựa chọ hợp lý. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập về kế toán nói riêng, một số giải pháp mang tính định hướng cần xem xét như sau:
Thứ nhất, như đã phân tích ở trên, trong IAS/IFRS giá trị hợp lý được sử dụng ngày càng nhiều trong các yếu tố báo cáo tài chính. Do đó, cần thúc đẩy lại việc hội tụ hệ thống IFRS trong đó có đề cập đến việc sử dụng giá trị hợp lý như một cơ sở đo lường chủ yếu làm tăng cường tính thích hợp của thông tin được trình bày trên báo cáo tài chính.
Đồng thời, Việt Nam cần có các quy định về đo lường giá trị hợp lý, trong đó, thống nhất giá trị hợp lý là “giá trị đầu ra” của tài sản hay nợ phải trả thay thế cho VAS 1 hiện nay chỉ đưa ra nguyên tắc giá gốc, việc sử dụng giá gốc làm cơ sở đo lường chủ yếu có thể đạt được độ tin cậy nhưng giảm tính liên quan của thông tin được cung cấp bởi báo cáo tài chính. Trong một tương lai không xa, việc nghiên cứu và xây dựng cơ sở lý luận và điều kiện, phương pháp vận dụng “Nguyên tắc giá trị hợp lý” trở thành một vấn đề cần được Việt Nam xem xét và thực hiện nghiêm túc.
Thứ hai, nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển và đổi mới của nền kinh tế, cần sớm ban hành 5 chuẩn mực đến các đối tượng và giao dịch đã phát sinh trong đời sống kinh tế, bao gồm: Thanh toán bằng cổ phiếu (IFRS 02); Cần xác định giá trị nguồn tài nguyên khoáng sản (IFRS 06), Công cụ tài chính (IFRS 7; IFRS 9), Công cụ tài chính (IAS 20), Tổn thất tài sản (IAS 36). Một số chuẩn mực cũng cần ban hành trong thời gian tiếp theo như: Tài sản nắm giữ để bán hoặc hoạt động kinh doanh không liên tục; Phúc lợi của nhân viên; Nông nghiệp…
Thứ ba, cần khẩn trương đánh giá, sửa đổi, bổ sung, cập nhật 26 chuẩn mực đã ban hành cho phù hợp với những thay đổi của IAS/IFRS và thực tiễn hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ tư, Việt Nam cần từng bước tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh tế và pháp luật phù hợp với yêu cầu của IAS/IFRS. Chẳng hạn như thị trường giao dịch tài chính cần phải “minh bạch” và “hoạt động” để có thể sử dụng giá trị hợp lý làm cơ sở đo lường giá trị tài sản....
Tóm lại, hiện nay chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa hòa hợp hoàn toàn với chuẩn mực kế toán quốc tế. Sự khác biệt chủ yếu giữa VAS và IAS/IFRS là khác biệt về cơ sở đo lường tài sản dựa trên cơ sở giá trị hợp lý và vấn đề khai báo thông tin. Sự hòa hợp giữa VAS và IAS/IFRS có những nguyên nhân trực tiếp và những nguyên nhân thuộc về yếu tố xã hội, kinh tế và pháp luật.
Nhìn chung, VAS và IAS/IFRS, Việt Nam chọn mô hình vận dụng có chọn lọc IAS/IFRS làm cơ sở để xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán cho mình là một sự lựa chọn hợp lý. Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về kế toán, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế của đất nước, Việt Nam cần tiến hành một số giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, bao gồm cả giải pháp trực tiếp đối với hệ thống chuẩn mực kế toán và giải pháp thuộc về môi trường kinh tế pháp luật.
Tài liệu tham khảo:
1. Hệ thống Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS);
2. Hệ thống Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS);
3. Kế toán Hà Nội (2016), Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam mới nhất;
4. http://www.tapchiketoan.com/ke-toan/chuan-muc-ke-toan-viet-nam/chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-viet-nam-va-su-khac-3.html, 2010.
TS. Nguyễn Đăng Huy - Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Theo Tapchitaichinh.vn