Muốn ngồi vào ghế nóng của Sacombank, ông chủ mới phải hội đủ 3 tiêu chí: có nghề ngân hàng, có nghề bất động sản và phải có tiền mặt nhiều.
Hướng tới nền kinh tế không tiền mặt: 4 xu hướng thanh toán mới ở Việt Nam
- Cập nhật : 18/07/2017
Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế 90% không dùng tiền mặt vào năm 2020 bằng cách giảm các giao dịch tiền mặt và tăng thanh toán điện tử.
Tuy nhiên, với 90% giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt và chỉ có 30% dân số có tài khoản ngân hàng, Chính phủ đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn để đạt được mục tiêu.
Những cải cách quy định và sự xuất hiện của những công ty tư nhân trong vài năm gần đây đã khích lệ tạo ra một thị trường thanh toán kỹ thuật số bền vững. Bài viết của Vietnam Briefing xem xét tình hình hiện tại của nền kinh tế tiền mặt, sự gia tăng các giải pháp Fintech (công nghệ tài chính), các chính sách phi tiền mặt của chính phủ, độ phủ sóng của Internet và những gì Chính phủ cần làm để đảm bảo cho bước chuyển đổi này.
Ngân hàng
Với chỉ 1/3 trong số 92 triệu người có tài khoản ngân hàng, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng. Trong 7 năm qua, số tài khoản ngân hàng đã tăng từ 16,8 triệu tài khoản trong năm 2010 lên 67,4 triệu vào năm 2017, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chính phủ muốn có ít nhất 70% công dân trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng vào cuối năm 2020.
Mặc dù số lượng tài khoản ngân hàng gia tăng nhưng việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng sâu vùng xa hoặc nông thôn vẫn còn thấp. Vì vậy, các ngân hàng thương mại và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cần cải thiện dịch vụ ở những thị trường chưa được khai thác này.
Theo một nghiên cứu năm 2015, chỉ 63% dân số trên 35 tuổi sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến, trong khi 38% người dưới 24 tuổi không có tài khoản e-banking. Vấn đề bảo mật dường như là một yếu tố chính khiến người dùng không chọn giải pháp này vì hơn 50% người dùng bày tỏ lo ngại về các vấn đề an ninh khi thực hiện các giao dịch trên mạng.
Internet và điện thoại thông minh
Theo một nghiên cứu gần đây của Appota và Google, tỷ lệ thâm nhập Internet ở Việt Nam đang ở mức 52%. Thuê bao điện thoại di động tăng lên mức 131,9 triệu và tỷ lệ người sở hữu điện thoại thông minh đạt tới 72% ở thành thị và 53% ở khu vực nông thôn. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ này tăng gần gấp 4 lần so với năm 2013 (20%).
Nhờ sự ra đời của nhiều dòng điện thoại thông minh giá rẻ và chi phí dịch vụ thấp, Internet và điện thoại thông minh sẽ tiếp tục đóng vai trò cung cấp các phương tiện cần thiết cho dịch vụ thanh toán số.
Các lựa chọn thanh toán
Theo Báo cáo thương mại điện tử của Việt Nam năm 2015 do Bộ Công thương tiến hành, tiền mặt và chuyển khoản ngân hàng là các hình thức thanh toán phổ biến nhất trong nước.
Số người mua sử dụng ví điện tử thậm chí còn giảm từ 37% xuống 11% so với cùng kỳ, trong khi thẻ thanh toán tăng 20%. Người tiêu dùng có ít động lực để chuyển từ tiền mặt sang các dịch vụ như ngân hàng trực tuyến, ví điện tử, hoặc thanh toán thẻ do thiếu tài khoản ngân hàng, mức độ thâm nhập internet và điểm bán hàng (POS).
Theo Christian König, một nhà tư vấn fintech và người sáng lập của Finanzpro tập trung vào châu Âu và Đông Nam Á, niềm tin là một vấn đề lớn của khách hàng Việt Nam khi nhắc đến đến thanh toán số.
Thanh toán bằng tiền mặt
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tỷ lệ dùng tiền mặt cao nhất trên thế giới, với gần 90% tổng số giao dịch thực hiện bằng tiền mặt. Lý do là mức độ thâm nhập của ngân hàng thấp, thiếu các máy ATM và hệ thống phi tiền mặt, trong khi hệ thống thanh toán kỹ thuật số lại khá phức tạp và thiếu sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Để giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt, Chính phủ cần khuyến khích các hệ thống phi tiền mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán hóa đơn đồng thời giảm tính phức tạp của sản phẩm để người dùng dễ dàng chấp nhận. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phải có biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của phương pháp thanh toán số.
Ngân hàng số
Khi ngày càng có nhiều khách hàng chuyển sang dùng công nghệ để tiến hành các giao dịch ngân hàng, Việt Nam có tiềm năng lớn về ngân hàng số. Trong bối cảnh Internet được phủ sóng rộng khắp, các ngân hàng thương mại đã phát triển các dịch vụ ngân hàng online trên các thiết bị di động để thuận tiện hơn cho khách hàng.
Năm 2016, gần 44% khách hàng của các ngân hàng thương mại sử dụng các dịch vụ số và những giao dịch phổ biến nhất là chuyển/nhận tiền, thẻ ngân hàng, và ngân hàng trực tuyến. Các ngân hàng thương mại cũng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán số liên tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi như tăng mức lãi suất tiền gửi và giảm giá thanh toán hóa đơn điện/nước online để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ này.
Mặc dù chi phí cao, các ngân hàng nên tiếp tục đầu tư vào công nghệ vì việc này vẫn đỡ tốn kém hơn so với mở rộng mạng lưới chi nhánh. Các giao dịch số được dự đoán sẽ đóng góp 40% doanh thu cho ngân hàng vào năm 2018.
Thanh toán thẻ
Thị trường thẻ tín dụng ở Việt Nam phát triển khá ổn định qua các năm nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và và công nghệ thẻ được cải tiến. Năm 2016, số thẻ ngân hàng hiện đang lưu hành trong nước tăng 11,36% lên 111 triệu so với năm 2015.
Tuy nhiên, chỉ có 15% người sử dụng thẻ ngân hàng vào năm 2016. Lý do chính cho việc sử dụng ở mức thấp là thiếu các máy ATM ở nông thôn, chiếm 70% dân số cả nước. Mặc dù số lượng điểm bán hàng và máy ATM tăng lên lần lượt là 13,77% và 5,39% vào năm 2016, các ngân hàng cần phải đảm bảo phân phối hệ thống đồng đều ở cả khu vực thành thị và nông thôn để tăng mức sử dụng.
Ngoài ra, chính phủ đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm tăng cường bảo mật thẻ để cải thiện niềm tin của người tiêu dùng. Các ngân hàng được chỉ đạo chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip để tăng cường bảo mật và ngăn chặn gian lận.
Mục tiêu là tất cả các thẻ ATM thẻ chip đều đạt chuẩn EMV vào năm 2020, để giảm thiểu rủi ro trong thương mại điện tử cho cả người mua và người bán. Từ tháng 11/2016, Chính phủ ban hành luật yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng phải bồi thường nếu mất tiền không phải do chủ thẻ gây ra để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Ví điện tử và ứng dụng thanh toán
Ví điện tử cung cấp các dịch vụ như thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến và chuyển tiền đang nhanh chóng nổi lên như giải pháp thay thế cho các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Chỉ trong một quý năm 2016, độ phủ sóng của ví điện tử đã tăng 50%. Hiện tại, gần 10 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này từ hơn 10 nhà cung cấp khác nhau.
Để đẩy mạnh phương pháp này, NHNN đã ban hành Thông tư 39 chính thức công nhận ví điện tử là một dịch vụ thanh toán giống như các dịch vụ thanh toán và thu tiền khác. Chính phủ cũng cấp giấy phép cho nhiều công ty dịch vụ thanh toán như 1Pay và WePay, để đảm bảo mức tuân thủ và bảo mật. Các ngân hàng thương mại cũng đang tăng cường hợp tác với các công ty cung cấp công nghệ ví điện tử để tiếp tục các dịch vụ và gia tăng giá trị. Các ngân hàng như Vietcombank và Viet Capital Bank đã liên kết với ứng dụng Payoo trong nhiều dịch vụ.
Không chỉ các ngân hàng thương mại mà cả các quỹ đầu tư nước ngoài và các công ty công nghệ cũng tăng cường đầu tư vào các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử. MoMo, một dịch vụ của M-Service, hoạt động đồng thời như một ví điện tử và một ứng dụng thanh toán, vừa thu được khoản tiền 28 triệu USD từ quỹ PE của Standard Chartered và ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs. Trong khi đó, VNPTPay và Payoo đã nhận được khoản đầu tư từ Đầu tư UTC của Hàn Quốc và NTT Data.
Kế hoạch loại bỏ tiền mặt của Chính phủ
Chính phủ đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm các giao dịch tiền mặt trong nước xuống dưới 10% tổng số giao dịch thị trường vào năm 2020. Theo đó, ít nhất 70% các nhà cung cấp nước, điện tử và dịch vụ viễn thông sẽ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt từ các cá nhân và hộ gia đình. Ngoài ra, mục tiêu là ít nhất 50% tổng số hộ gia đình ở thành phố sử dụng thanh toán điện tử cho giao dịch hàng ngày vào năm 2020.
Cùng với thanh toán điện tử, Chính phủ cũng tập trung đẩy mạnh việc sử dụng thẻ tín dụng bằng cách đảm bảo rằng tất cả các siêu thị, trung tâm mua sắm và nhà phân phối đều chấp nhận loại thẻ này.
Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ cũng tập trung vào độ bảo mật và an toàn của các giải pháp để bảo vệ người tiêu dùng. Để giảm rủi ro, Chính phủ ban hành Thông tư số 30/2016/TT-NHNN vào tháng 10/2016, quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ thanh toán và dịch vụ thanh toán trung gian, bao gồm các quy định về giải pháp an ninh, giải quyết khiếu nại, an toàn ATM và các quyền hợp pháp cho khách hàng và người sử dụng dịch vụ thanh toán.
NHNN cũng triển khai nhiều giải pháp như: đẩy mạnh kiểm tra mức độ tuân thủ các văn bản pháp luật về thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; hoàn thiện khung an toàn và bảo mật hệ thống thanh toán, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.
Khó nhưng có thể thực hiện được
Hướng tới một nền kinh tế số sẽ yêu cầu thay đổi hơn nữa trong khuôn khổ pháp lý và hợp tác với khu vực tư nhân. Chính phủ cần mở rộng sự hiện diện của ngân hàng cùng với các máy ATM và POS ở khu vực nông thôn để tăng trưởng toàn diện.
Để tạo lòng tin của người tiêu dùng đối với các hệ thống trực tuyến, Việt Nam nên khuyến khích các giao dịch không bằng tiền mặt, đơn giản hóa các quy định thanh toán số và đảm bảo một hệ thống giải quyết khiếu nại thích hợp. Nếu những phương pháp này thuận tiện và bảo mật hơn, khách hàng sẽ chuyển từ tiền mặt sang thanh toán số.
Trong khi đó, các công ty Fintech cần đa dạng hóa các dịch vụ để mở rộng mạng lưới khách hàng bằng cách tăng cường liên kết với các dịch vụ khác như thanh toán hoá đơn tiện ích, mua sắm trực tuyến hay chuyển tiền. Điều này cũng sẽ dẫn đến việc hợp nhất, vì hầu hết người dùng không thích phải dùng nhiều nhà cung cấp cho các dịch vụ khác nhau.
Việc chuyển sang nền kinh tế kỹ thuật số sẽ là một quá trình ổn định và sẽ cần sự hỗ trợ liên tục của chính phủ và đầu tư của khu vực tư nhân. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả cho khách hàng và ngân hàng mà còn làm tăng tính minh bạch và giảm tình trạng trốn thuế.
Các nhà đầu tư nước ngoài cần ghi nhận tiềm năng tăng trưởng to lớn của lĩnh vực thanh toán số ở Việt Nam và làm việc với các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, những người hiểu thị trường nhưng thiếu vốn cần thiết để mở rộng.
Với những thay đổi về quy định hỗ trợ, việc triển khai các công nghệ mới, tăng sự thâm nhập của ngân hàng, sự gia nhập của các công ty fintech, và sự gia tăng độ phủ sóng internet, mục tiêu đạt được 90% xã hội không dùng tiền mặt vào năm 2020 tuy khó nhưng có thể đạt được.
Trang Hồ/ Theo Vietnam Briefing/NDH.VN