Túng thiếu, phải đi vay mượn ở các băng nhóm giang hồ, không ít người bị sa chân vào vòng xoáy 'tín dụng đen' không lối thoát.
Trung Quốc có 'ôm mộng' khi thu hút 3 nghìn tỷ USD vốn FDI vào năm 2025?
- Cập nhật : 22/07/2017
Bloomberg vừa công bố kết quả phân tích của nhóm chuyên gia đến từ Citigroup về sự đổi mới của thị trường tài chính nội địa Trung Quốc trong việc thu hút vốn FDI. Theo đó, Trung Quốc kỳ vọng sẽ thu hút hơn 3 nghìn tỷ USD vốn FDI vào năm 2025. Liệu đây có phải là một tham vọng quá lớn?
Thu hút hơn 3 nghìn tỷ USD vốn FDI vào năm 2025, liệu đây có phải là một tham vọng quá lớn của Trung Quốc?
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, Trung Quốc đã có những bước đi mới nhằm thúc đẩy việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) và đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ. Năm 2015, Quỹ Tiền tệ thế giới IMF đã chính thức công nhận đồng NDT là một trong sáu đồng tiền dự trữ chính thức của thế giới. Sau thành công này, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã chuyển hướng sang tập trung vào phát triển thị trường tài chính trong nước hơn là đầu tư ra nước ngoài.
Thị trường trái phiếu sẽ tăng gấp ba về quy mô
Trong nghiên cứu của mình, Liu Li Gang và các nhà phân tích tài chính của Citigroup cho biết:"Trong những năm tới đây, năm 2017 có thể được coi là điểm nhấn cho việc phân bổ tài sản toàn cầu. Chính sách mới về nhập cảnh, cùng với việc Trung Quốc lọt vào danh sách các quốc gia có chỉ số thị trường chứng khoán toàn cầu tốt, sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn và sở hữu các tài sản tại quốc gia này.”
Trong bản phân tích này của Citigroup, có một vài điểm đáng chú ý như GDP danh nghĩa của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng 28 nghìn tỉ USD vào năm 2025, so với con số 26 nghìn tỉ USD của Mỹ. Bên cạnh đó, việc phân bổ dòng vốn FDI tại Trung Quốc được cho là khoảng 779 tỷ USD dành cho thị trường trái phiếu, 200 tỉ USD vào cổ phiếu và khoảng 2.380 tỷ USD dành cho các khoản vay ngân hàng
Cũng theo Citigroup, chiếm 2/3 thị phần tài chính hiện nay là ngành ngân hàng Trung Quốc.Thị trường trái phiếu được dự báo sẽ tăng gấp ba về quy mô, lên 188 nghìn tỷ nhân dân tệ (38 nghìn tỷ USD theo tỷ giá dự kiến năm 2025), trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ tăng với tốc độ tương đương, chạm mốc 154 nghìn tỷ nhân dân tệ.
"Nếu những dự đoán này trở thành hiện thực trong tương lai gần, Trung Quốc là sự lựa chọn duy nhất, nếu các nhà đầu tư tổ chức muốn đạt được mức lợi nhuận chuẩn", nhà phân tích đứng đầu nhóm nghiên cứu Liu Li Gang nhấn mạnh: "Trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, có thể định hình lại sự phân bổ tài sản toàn cầu thông qua việc cải cách thị trường vốn của Trung Quốc"
Cũng theo ông Liu, ban đầu có thể các nhà đầu tư có những lo ngại, nhưng thời gian sẽ chứng minh, sự đầu tư của họ là đúng đắn:“Ban đầu, họ sẽ cảnh giác vì sự thiếu cân bằng hệ thống, rủi ro luật pháp, kiểm soát nguồn vốn và chế độ thuế chưa rõ ràng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy những lo ngại đó đang dần đi, họ dần có niềm tin vào chính sách cải cách và quy mô thị trường tuyệt đối của Trung Quốc”
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dự báo này quá lạc quan? Bởi tính đến tháng 6/2017, dòng vốn FDI đổ vào Trung Quốc mới dừng ở con số 65 tỉ USD. Điều này càng cho thấy việc lên kế hoạch thu hút FDI con số 3 nghìn tỉ chỉ sau chưa đến 10 năm tới quả là một "giấc mộng" dài.
Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Còn nhớ, cách đây vài năm, môi trường kinh doanh tại Trung Quốc không thuận lợi, nhiều nhà đầu tư đã quyết định rút khỏi thị trường này và chuyển dịch dần dòng vốn đầu tư sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Nhật và Phương Tây cũng giảm dần đầu tư vào Trung Quốc. Ở thời điểm đó, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực là điều tất yếu khi Trung Quốc đang đánh mất sự hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế. Thế nhưng, những động thái gần đây của Chính phủ Trung Quốc, cộng với những phân tích của Citigroup đã chỉ ra cách tiếp cận mới của Trung Quốc nhằm kiểm soát nguồn vốn, các nhà đầu tư nước ngoài cũng dần dần được chào đón khi tham gia vào thị trường nội địa.
Ở ngay sát nền kinh tế lớn như Trung Quốc, với giấc mộng thu hút một lượng vốn FDI “khủng” trong tương lai gần, Việt Nam ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng việc thu hút FDI trong những năm tới. Vì vậy mà việc điều chỉnh để có những chính sách phù hợp là điều cần thiết trong bối cảnh đó. Bởi lẽ môi trường kinh doanh của VN dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Đó là, hệ thống hành chính cồng kềnh cùng một loạt phí (trong đó có cả việc tiêu tốn thời gian và phí bôi trơn) khiến môi trường đầu tư bị méo mó. Việc các nhà đầu tư chỉ tập trung đầu tư 'làm kinh tế' ở Việt Nam chỉ mang tính ngắn hạn đã thể hiện khá rõ trong kết quả nghiên cứu của tổ chức Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) khi chỉ ra hiện nay chỉ có khoảng 5-6% nhà đầu tư nước ngoài mang công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Còn 94-95% là mang công nghệ trung bình và công nghệ thấp.
FDI là một “bình sữa” hấp dẫn mà quốc gia nào cũng muốn thu hút càng nhiều càng tốt. Việt Nam là một quốc gia nhỏ, môi trường kinh doanh có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc. Muốn duy trì và thu hút FDI từ các “ông lớn”. Đặc biệt có thể cạnh trang được với Trung Quốc trong bối cảnh mới rõ ràng cần phát huy cải thiện hơn nữa các chính sách, nhất là việc giảm tải các thủ tục hành chính vốn là "rào cản" vốn FDI. Đặc biệt nạn tham nhũng cần được loại bỏ. Đây sẽ là một "đòn bẩy" quan trọng để duy trì và thu hút mạnh hơn FDI trong những năm tới.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp