tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

ODA Trung Quốc: Động lực hay gánh nặng nợ?

  • Cập nhật : 05/09/2018

Chính phủ mắc nợ, lợi nhuận rơi vào công ty Trung Quốc... là thực tế ở nhiều quốc gia vay vốn Trung Quốc.

Trong bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã dẫn số liệu mà  tổ chức AidData thu thập được cho thấy số vốn khủng mà  Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài và cho vay phát triển.

Cụ thể, trong  giai đoạn 2000-2014, Trung Quốc đã cho vay phát triển, viện trợ dưới nhiều hình thức các khoản vay lên tới 354,3 tỷ USD. Con số này gần tương đương với con số 394,6 tỷ USD của Mỹ trong cùng thời kỳ. Nhưng, cho vay với hình thức ODA của Trung Quốc chỉ chiếm 23%. Đặc điểm chung của hoạt động cho vay từ Trung Quốc là nhắm đến các dự án kinh tế trong lĩnh vực giao thông, năng lượng và khai khoáng nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại giữa các nước nhận vốn với Trung Quốc.

Tại châu Phi, Trung Quốc cho vay 2.390 dự án với tổng số tiền 121,6 tỷ USD (2000-2014). 32% số vốn này được dành cho dự án giao thông, 28,5% dành cho các dự án năng lượng, tạo nên sự tương phản rõ nét với chiến lược viện trợ và cho vay của Mỹ tại châu lục này, khi mà 80% trong tổng số vốn 100 tỷ USD trong cùng thời kỳ được Mỹ dành cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các sáng kiến nhân đạo.

von oda cua trung quoc dang tro thanh bay no doi voi nhieu quoc gia tren the gioi. anh minh hoa

Vốn ODA của Trung Quốc đang trở thành bẫy nợ đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa

Tại châu Á, từ năm 2000-2014, Trung Quốc cho các nước châu Á vay 1.225 dự án với tổng số tiền 119,6 tỷ USD. Trong đó, 35% tập trung vào lĩnh vực năng lượng, 30% dành cho giao thông và 18% dành cho công nghiệp, khai thác mỏ và xây dựng. Ba nhóm cho vay này chiếm 82,7% tổng số vốn dành cho châu Á của Trung Quốc, trong khi đó, con số tương ứng của Nhật Bản là 34%, của Mỹ là 15,4%.

TS Phạm Sỹ Thành chỉ ra thực tế mà nhiều quốc gia khi nhận vốn vay Trung Quốc gặp phải, đó là chính phủ mắc nợ, lợi nhuận rơi vào tay các công ty Trung Quốc, còn mức độ cải thiện đời sống của người dân địa phương thì không rõ ràng.

Minh chứng cho điều này là Sri Lanka đang nợ Trung Quốc hơn 8 tỷ USD với mức lãi suất 7%/năm. Nợ công của Djibouti chiếm khoảng 88% GDP, phần lớn là nợ Trung Quốc. Lào và Campuchia là hai quốc gia Đông Nam Á tham gia tích cực nhất vào sáng kiến Vành đai và con đường, đồng thời là quốc gia có tốc độ tăng trưởng vay nợ từ Trung Quốc lớn nhất. Theo IMF, năm 2016 nợ vay Trung Quốc chiếm hơn 40% GDP Lào và hơn 25% GDP của Campuchia.

Dự án đường sắt Trung Quốc - Lào (nối Côn Minh tới Vientiane) có chi phí khoảng 7 tỷ USD trong đó Chính phủ Lào sẽ đóng góp 700 triệu USD, nhưng trong số 700 triệu USD này, Lào cũng chỉ tự túc được 220 triệu USD, còn lại 480 triệu USD sẽ phải vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CHEXIM) với mức lãi suất 2,3%/năm trong thời hạn 35 năm, ân hạn năm năm. Điều này có nghĩa là trên thực tế Lào phải vay Trung Quốc tới gần 95% số vốn để hoàn thành dự án tốn kém này. Dự kiến, để đổi lấy 480 triệu USD vốn vay, Lào sẽ phải giao cho CHEXIM hai dự án mỏ.

Sự thực về vốn ODA Trung Quốc mà TS Phạm Sỹ Thành đưa ra có nhiều điểm tương đồng với những cảnh báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT). Trong báo cáo trình Thủ tướng về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 - 2020, tầm nhìn 2025, Bộ KHĐT cho biết, tín dụng ưu đãi của Trung Quốc tương tự các khoản tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.

Vốn vay Trung Quốc thường có lãi suất 3% một năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản 0,4-1,2% tùy vào thời hạn vay; Hàn Quốc 0-2% tùy theo điều kiện đấu thầu hay Ấn Độ 1,75% một năm; các nước liên minh châu Âu (EU)...

Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác, lần lượt 15 và 5 năm.

Cũng theo Bộ KHĐT,  một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc cũng thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư... ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh mặt tích cực, ODA và vốn vay ưu đãi cũng bộc lộ những hạn chế. Bộ KHĐT cho biết, lãi suất vay có xu hướng tăng dần nên nếu không cân nhắc kỹ có thể rơi vào bẫy “ODA và vay ưu đãi” khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với lãi vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.

Một số khoản vay ưu đãi có kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ và lựa chọn nhà thầu... khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với những trường hợp có đấu thầu cạnh tranh. Ngoài ra, rủi ro do tác động bất lợi của biến động tỷ giá, nhất là việc lên giá của đồng tiền ODA vay ưu đãi so với đồng Việt Nam, có thể làm tăng nghĩa vụ trả nợ, nợ công.

Năng lực hấp thụ viện trợ nước ngoài của quốc gia, ngành, địa phương và những dự án cụ thể còn hạn chế. Phần lớn các dự án vay vốn nước ngoài đều phải gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện, chậm phát huy hiệu quả.

Trên cơ sở này, Bộ KHĐT lưu ý, định hướng thời gian tới vay vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc.

Minh Thái (Tổng hợp)
Theo Baodatviet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục