Lãi cao bị gọi là “hút máu”, lãi thấp bị xem như “tội đồ” với ngân sách, chung quy vì liên quan đến nhiều phía lợi ích...
Thế giới có thể đứng trước làn sóng thứ 3 của khủng hoảng tài chính
- Cập nhật : 14/10/2015
(Tin kinh te)
Theo Goldman Sachs, cuộc khủng hoảng tài chính, bắt đầu từ năm 2008 với sự sụp đổ của thị trường bất động sản và lĩnh vực ngân hàng đầu tư tại Mỹ, có vẻ vẫn chưa kết thúc.
Làn sóng lần này đặc trưng bởi giá hàng hóa lao dốc, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác tăng trưởng trì trệ và lạm phát toàn cầu thấp, Peter Oppenheimer – trưởng nhóm phân tích tại Goldman Sachs cho biết.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của đợt khủng hoảngthứ 3 này thì vẫn từ hai làn sóng đầu tiên - sự sụp đổ của lĩnh vực ngân hàng và khủng hoảng nợ công châu Âu. Đây cũng được coi là một phần của siêu chu kỳ nợ trong vài thập kỷ qua, Business Insider trích báo cáo của Goldman Sachs cho biết.Để đối phó với hai cuộc khủng hoảng trước, các ngân hàng trung ương đều chạy đua hạ lãi suất. Việc này đã khuyến khích giới đầu tư tích cực cho vay tại các thị trường mới nổi, như Trung Quốc.
Tuy nhiên sau 6 năm áp dụng chính sách lãi suất thấp gần 0%, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cân nhắc nâng trở lại. Động thái này khiến các bên cho vay bắt đầu ráo riết tìm lối thoát và giới đầu tư rút vốn ồ ạt khỏi thị trường hàng hóa - lĩnh vực liên quan mật thiết với số phận của các nền kinh tế mới nổi.
Mặt khác vào thời điểm thị trường bất động sản của Mỹ sụp đổ, việc FED hạ lãi suất đã giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và đòn bẩy tài chính trên toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, theo phân tích của nhóm chuyên gia tại Goldman Sachs.
Kết hợp các yếu tố này với những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, cùng giá hàng hóa lao dốc, một cuộc khủng hoảng mới đang dần hình thành sóng. Và trong đó, các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ là nơi đầu sóng.
Đầu tư của Trung Quốc bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhưng hàng nghìn tỷ USD vốn đầu tư ấy lại được đánh giá là cực kỳ kém hiệu quả và lãng phí. Kinh tế toàn cầu ngày càng tăng trưởng trì trệ, và điều này có nghĩa là nợ từ những khoản đầu tư sẽ càng khó được hoàn trả. Khi đó, Trung Quốc sẽ phải trải qua thời kỳ tái điều chỉnh đầy khó nhọc.
Các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs nhận định: "Sự kết hợp của hai yếu tố - lãi suất trái phiếu gần 0% và chính sách lãi suất thấp kỷ lục - đang dấy lên những lo ngại về triển vọng phục hồi tài chính, đặc biệt nếu các yếu tố giảm phát tiếp tục lấn át".
Khi ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế phát triển bắt đầu thảo luận về kế hoạch nâng lãi, lãi suất tính trên các tài sản an toàn và trái phiếu chính phủ cũng sẽ tăng theo. Khi đó, nhà đầu tư trái phiếu sẽ có ít động cơ để mạo hiểm kiếm lời ở nước ngoài.
Họ sẽ rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, khiến các doanh nghiệp tại đây khó tái huy động vốn và phải vay vốn với lãi cao hơn, từ đó làm chậm lại kinh tế toàn cầu.
Vấn đề ở đây là, những giai đoạn khác nhau của cuộc khủng hoảng tài chính lại có sự tương tác với nhau, khiến đà phục hồi kinh tế càng thêm chậm chạp. Sự sụp đổ của khối thị trường mới nổi đã xảy ra không đúng thời điểm với Liên minh châu Âu, cũng giống như cách mà khủng hoảng nợ công châu Âu kéo lùi đà phục hồi của kinh tế Mỹ trong năm 2010 và 2011.
Goldman Sachs nhận định, triển vọng của khối thị trường mới nổi từng tươi sáng hơn, nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, khi châu Âu bước vào giai đoạn tăng trưởng năm 2012 nhờ chính sách nới lỏng, các nền kinh tế mới nổi lại rơi vào giai đoạn tuyệt vọng.
Dù đây có thể là giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng nó sẽ không bao giờ kết thúc, cho tới khi các thị trường mới nổi ngừng vay nợ quá mức và chấp nhận thiệt hại.
Kim Dung
Theo Vnexpress