Lột xác thành ngân hàng thành thị với tốc độ tăng vốn chóng mặt, vậy nhưng nhiều ngân hàng gốc “nông thôn” vẫn không thoát khỏi kết cục bị sáp nhập, hợp nhất, mua 0 đồng.
Những điều cần biết về lãi suất Mỹ
- Cập nhật : 19/09/2015
(Tin kinh te)
Lãi suất liên bang là công cụ giúp FED kiểm soát nền kinh tế, đã được giữ gần 0% nhiều năm nay và có thể lên quanh 3% trong 2 năm tới.
Từ nhiều tháng nay, thị trường đang tập trung vào kế hoạch nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), vốn đã duy trì gần 0% từ sau khủng hoảng 2008. Phiên họp 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) thuộc FED sẽ kết thúc hôm nay. Nếu được thông qua, đây sẽ là đợt tăng lãi đầu tiên của Mỹ kể từ năm 2006. Dưới đây là những điều nhà đầu tư cần biết về lãi suất Mỹ.
1. Lãi suất liên bang (federal funds rate) là gì?
Đây là mức lãi FED áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Những thay đổi trong lãi suất này thường có tác động lớn lên nền kinh tế, ảnh hưởng đến lãi suất ngắn hạn và dài hạn, tỷ giá đồng đôla Mỹ và nhiều lĩnh vực khác, trong đó có tình hình việc làm và chỉ số giá tiêu dùng.
2. FED điều chỉnh lãi suất để làm gì?
Thông qua lãi suất này, FED có thể quản lý cung tiền trên thị trường. Họ sẽ hạ lãi suất để khuyến khích tiêu dùng và đầu tư, nhằm kích thích nền kinh tế. Ngược lại, khi nhận thấy Mỹ tăng trưởng quá nóng, FED sẽ nâng lãi.
Khi lạm phát tăng vọt giai đoạn 1979-1980, FED đã đẩy lãi suất lên kỷ lục 20% để bình ổn nền kinh tế. Nhưng việc này cũng khiến Mỹ rơi vào suy thoái trong 2 năm sau đó.
Sau khi Mỹ tăng trưởng chậm lại năm 2000, vì bong bóng cổ phiếu công ty Internet (bong bóng dotcom), FED đã dần hạ lãi suất để kích thích GDP. Nhưng việc này sau đó lại châm ngòi cho bong bóng nhà đất, dẫn đến cuộc khủng hoảng 2008.
3. Tại sao lãi suất hiện thấp như vậy?
Khi kinh tế Mỹ bắt đầu chững lại năm 2007, FED đã hạ lãi suất 10 lần, từ 4,75% tháng 9/2007 xuống 0-0,25% ngày 16/12/2008. Mục tiêu là ngăn Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái nữa.
Từ đó, họ đã giữ lãi suất gần 0% để đưa nền kinh tế hồi phục sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất 8 thập kỷ qua. Giờ đây, khi Mỹ đang dần tăng trưởng, rất nhiều người cho rằng giữ lãi suất thấp thế này là không cần thiết nữa.
4. Lợi và hại của lãi suất thấp?
Lãi suất thấp kỷ lục khiến tín dụng dễ dàng phân bổ khắp nền kinh tế. Chính sách nới lỏng tiền tệ đã khuyến khích người dân mua nhà, mua xe, hỗ trợ thị trường bất động sản và ôtô tại Mỹ hồi phục nhanh hơn.
Nhưng mặt khác, lãi suất thấp lại đánh vào túi tiền các nhà đầu tư và người gửi tiết kiệm, khiến họ gần như chẳng có lời. Việc này cũng sẽ khiến lạm phát tăng tốc trở lại.
5. Bình thường hóa lãi suất là gì?
Một số quan chức FED đã tuyên bố rõ họ muốn lãi suất quay về mức "bình thường". Họ dự báo lãi suất sẽ lên quanh 3% trong 2 năm, nhưng điều này sẽ còn phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng và lạm phát.
6. Kinh tế Mỹ đã sẵn sàng để tăng lãi suất chưa?
Đây là câu hỏi trị giá cả nghìn tỷ USD, và các ý kiến cũng rất đa dạng. Với những người lạc quan, FED đã làm rất tốt công việc phục hồi kinh tế Mỹ, so với nhiều nước khác. Vì thế, họ cho rằng tăng 0,25% cũng chẳng có mấy ảnh hưởng. Thay vào đó, đây còn là nước đi thông minh để đảm bảo mục tiêu lạm phát.
Nhưng những người bi quan thì cảnh báo lạm phát vẫn đang ở đáy. Và FED sẽ làm náo loạn thị trường tài chính, cũng như đẩy giá đồng đôla lên, nếu hành động quá sớm.
7. Lãi suất có tăng nhanh không?
Người ta tin rằng FED sẽ không để lãi suất tăng nhanh. Chính Chủ tịch FED – bà Janet Yellen cũng từng nói lãi sẽ được nâng lên từ từ. Tốc độ này được dự báo chỉ bằng nửa những lần tăng lãi trước của FED. Và khi dừng lại, nó cũng sẽ chỉ ở quanh mốc rất thấp - khoảng 3% mà thôi.
8. Ảnh hưởng của việc này lên nền kinh tế?
Điều chỉnh lãi suất liên bang sẽ có tác động lên các khoản vay ngắn hạn của các công ty và hộ gia đình. Chúng cũng sẽ có tác động liên hoàn lên các lãi suất dài hạn, như các khoản vay mua nhà hay lãi suất trái phiếu. Thay đổi trong lãi suất dài hạn lại kéo theo ảnh hưởng lên giá tài sản, trong đó có cổ phiếu.
Trong suốt thời kỳ khủng hoảng, FED cũng đã mua vào rất nhiều chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) và trái phiếu Chính phủ để hạ thấp lãi suất dài hạn.
Hà Thu (theo AFP/Financial Times/VNexpress)