Đề cập tới tỷ giá trong lúc nó đang khá ổn định có lẽ là thừa và không cần thiết. Tuy nhiên, dự báo sự ổn định đó kéo dài trong bao lâu là câu chuyện khác.
NHNN có đủ công cụ giữ ổn định tỷ giá
- Cập nhật : 19/09/2015
(Tin kinh te)
TS. Nguyễn Trí Hiếu tin rằng NHNN có những công cụ và đủ dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường giữ ổn định tỷ giá ít nhất từ nay đến cuối năm.
Tâm điểm của thế giới trong mấy ngày qua đó là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc có tăng lãi suất hay không.
Trao đổi với Thời báo NH, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đến giờ phút này vẫn rất khó để đưa ra nhận định chắc chắn về quyết định của FED. Theo TS. Hiếu, hiện các thành viên FED chia làm hai phe “diều hâu” và “bồ câu”. Phe bồ câu dường như muốn trì hoãn tăng lãi suất, phe kia thì ngược lại. Nhưng theo thông tin mà TS. Hiếu có được có thể phe bồ câu nhỉnh hơn một chút, chia theo tỷ lệ có thể là 51%/49%.
Vì sao FED lại lưỡng lự trong việc tăng lãi suất như vậy, thưa ông?
Đối với FED, 2 chỉ tiêu mà họ theo đuổi là tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp. Tỷ lệ lạm phát cho đến bây giờ mới chỉ 0,7%, rất thấp. Phe ủng hộ trì hoãn tăng lãi suất cho rằng, lạm phát thấp như vậy không cần phải tăng lãi suất để thắt chặt tiền tệ.
Về tỷ lệ thất nghiệp, FED mong mỏi tỷ lệ này đâu đó 5%. Nhưng hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp trên 5%, nên có thể FED đợi tỷ lệ này về mức như mong muốn thì lúc bấy giờ họ sẽ tăng lãi suất lên. Vì nếu tăng lãi suất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh sản xuất, công ăn việc làm... Nên FED sợ nếu tăng sớm quá sẽ ảnh hưởng đến tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Tuy nhiên, ở phe muốn tăng lãi suất cũng đưa ra lập luận: tuy lạm phát thấp nhưng nếu nền kinh tế cứ tiếp tục mở rộng như thế này, có thể lạm phát sẽ cao. Chính vì thế ngay từ lúc này họ muốn ngăn chặn rủi ro bằng cách tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ để mục tiêu lạm phát không bị vượt 2%. Đồng thời, họ thấy rằng tỷ lệ thất nghiệp xuống mức chấp nhận được, muốn tăng lãi suất để có sự điều chỉnh.
Về phía bên ngoài, nhiều nhà kinh tế cho rằng, lãi suất của Mỹ duy trì mức thấp khá lâu từ năm 2008. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên NH chỉ ở mức 0 – 0,25% nên họ cho rằng đây là lúc cần thiết để tăng lãi suất từ 0,25% lên 0,5%.
Song, thời gian qua nhiều tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB yêu cầu Mỹ hoãn lại việc tăng lãi suất và ngay cả nhiều quốc gia thân với Mỹ cũng muốn FED trì hoãn việc tăng lãi suất. Vì nền kinh tế toàn cầu đang ở thế khó khăn, nếu FED tăng lãi suất có thể nhiều dòng vốn sẽ thoái khỏi thị trường mới nổi, thị trường tài sản… tác động bất lợi đến kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, nó tạo áp lực tăng tỷ giá đồng USD so với tất cả đồng tiền khác và ảnh hưởng đến đầu tư, lãi suất toàn cầu...
Nhiều dự đoán là nếu có tăng lãi suất, FED chỉ tăng nhẹ 0,25%. Ông có cùng chung quan điểm trên?
Tôi cũng nghĩ như vậy. Ở bên Mỹ nhiều năm, mỗi lần FED điều chỉnh tăng lãi suất chỉ ở mức như vậy, không bao giờ tăng mạnh. Nhưng dù FED có hay không tăng lãi suất thì trong cả hai trường hợp đều có tác động đến Việt Nam.
Nếu FED không tăng lãi suất thì TTCK có sự ổn định, không bị xáo trộn về dòng vốn. Còn trên thị trường ngoại hối, sức ép lên tỷ giá giảm bớt, giá trị đồng VND ổn định trong những tháng còn lại trong năm 2015. Còn nếu tăng, chắc chắn khi nó tác động lớn trên thị trường toàn cầu thì Việt Nam không thể miễn nhiễm được. Có thể, một dòng vốn sẽ chạy khỏi TTCK đồng thời tạo áp lực lớn lên tỷ giá vì lãi suất đồng USD tăng lên thì giá trị đồng ngoại tệ này cũng tăng theo. Mà đồng VND neo theo đồng USD.
Nếu FED tăng lãi suất, theo ông NHNN có giữ được ổn định tỷ giá?
Tôi tin rằng NHNN có những công cụ và đủ dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường giữ ổn định tỷ giá ít nhất từ nay đến cuối năm. Nhưng tôi lưu ý, chúng ta cân nhắc đến cái giá đằng sau sự cam kết ở mức độ nào.
Như tại Trung Quốc họ mất bao nhiêu tỷ USD để can thiệp vào thị trường hối đoái, TTCK. Còn ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sử dụng khoảng 10% trong dự trữ ngoại hối quốc gia là có thể chấp nhận được. Nếu thị trường biến động, cái giá phải trả cho cam kết quá lớn thì cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng thận trọng.
Theo tôi, tuy NHNN có đủ công cụ can thiệp, nhưng cần thêm phương án dự phòng cho những tháng đầu năm sau như bổ sung dự trữ ngoại hối để tăng cường khả năng chịu đựng và can thiệp.
Bên cạnh đó, có thể tính đến những biện pháp hành chính như siết chặt lại đối tượng được mua, vay ngoại tệ… Bởi như chúng ta biết, trước biến động ngày càng mạnh, phức tạp của thị trường tài chính thế giới thì dù có những giải pháp phòng ngừa nhưng chúng ta cũng không thể nào lường đón được hết tác động bất lợi của nó.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Vũ thực hiện
Theo Thời báo Ngân hàng