tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Môi trường kinh doanh Việt Nam trong mắt doanh nghiệp FDI

  • Cập nhật : 19/09/2015

(Tin kinh te)

Kết quả bản điều tra 40 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - do Giáo sư, tiến sĩ kinh tế người Đức, ông Revilla Diez thuộc ĐH Cologne và nhóm nghiên cứu thực hiện - cho thấy những mảng sáng tối khác nhau của môi trường kinh doanh Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

moi truong kinh doanh viet nam trong mat doanh nghiep fdi

Môi trường kinh doanh Việt Nam trong mắt doanh nghiệp FDI

Theo đó, các doanh nghiệp FDI đồng quan điểm rằng lao động giá rẻ, cơ hội mở rộng thị trường chính là 2 yếu tố có sức thu hút lớn nhất để đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. 

Thêm vào đó, chính sách ưu đãi của chính phủ Việt Nam về thuế là động lực thúc đẩy các hãng này đầu tư. Đồng thời, Việt Nam được nhìn nhận là bàn đạp để thâm nhập các thị trường quốc gia châu Á láng giềng. 

Những lợi thế này góp phần khiến hầu hết doanh nghiệp FDI có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư trong vòng 3-5 năm tới thông qua tăng cường thu hút lực lượng lao động địa phương, xây dựng thêm nhà máy, phát triển thêm sản phẩm mới.

Có hơn 80% doanh nghiệp được hỏi nhận định nguồn cung cấp sản phẩm đầu vào chủ yếu đến từ những nước châu Á khác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Những doanh nghiệp cung ứng Việt Nam đều gặp phải vấn đề về chất lượng không đảm bảo, chi phí đắt đỏ, đặc biệt là đối với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Đa phần doanh nghiệp FDI sản xuất với mục đích xuất khẩu, cung cấp nguồn cung cho công ty mẹ.

80% số doanh nghiệp FDI chưa có kế hoạch nâng cao chuỗi giá trị. Trong số này, nhiều hãng phụ thuộc vào sự quyết định của kế hoạch tổng thể của công ty mẹ, nhiều hãng để ngỏ khả năng sẽ dịch chuyển sang các quốc gia có lợi thế lao động giá rẻ hơn Việt Nam.

Ngoài những thuận lợi từ ưu đãi của chính phủ, vấn đề về minh bạch, thủ tục hành chính, thiếu hụt nguồn lao động kỹ thuật cao, cơ sở hạ tầng yếu kém là những rào cản lớn nhất trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Cụ thể, quá trình xin cấp phép đầu tư, theo nhìn nhận đa số doanh nghiệp khối này, mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí phụ trội. Những yếu tố này kèm theo việc thay đổi chính sách thường xuyên khiến những doanh nghiệp FDI nhìn nhận là “khó theo kịp” và “tốn thời gian”. Các doanh nghiệp này nhận định rào cản thể chế còn ở mức cao, một số cấp chính quyền vẫn thiếu sự phối hợp, việc giải quyết thủ tục hành chính còn chưa đồng bộ.

Gần 90% doanh nghiệp được hỏi đồng ý rằng “chi phí bôi trơn” là một điều quen thuộc tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, cho rằng điều này “sẽ ảnh hưởng xấu tới quyết đình đầu tư mở rộng dài hạn của bản thân họ, cản trở sự phát triển doanh nghiệp khối tư nhân và nền kinh tế”

Khi được hỏi về chất lượng lao động, nhiều hãng cho rằng có sự khác nhau giữa hệ thống giáo dục và những đòi hỏi của nền kinh tế hiện đại. “Dường như lao động ở đây vẫn chưa được trang bị tốt”, bản báo cáo trích dẫn một phát biểu doanh nghiệp.

40% doanh nghiệp cho rằng sự khác biệt văn hóa là nguyên nhân, rào cản giao tiếp trong kinh doanh. “Lao động Việt Nam đòi hỏi nhiều sự kiểm soát, thứ bậc đóng vai trò quan trọng”, một đại diện doanh nghiệp phát biểu. Một số khác cho rằng “họ không chú trọng hoàn thành trước thời hạn được giao”, “có thể đến muộn và về sớm”.

“Chúng tôi cần chính phủ hỗ trợ nhiều hơn về công tác đào tạo (lao động)”, báo cáo trích dẫn một đề nghị từ phía doanh nghiệp. Hơn 40% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có chất lượng (lĩnh vực quản trị, công nghệ thông tin…). Nhiều hãng bày tỏ nhu cầu tìm được những cá nhân có khả năng suy nghĩ độc lập.

Xét về khía cạnh thực hành trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nghiệp FDI đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Theo đó, doanh nghiệp khối FDI đánh giá nếu thích nghi với tập quán kinh doanh Việt Nam sẽđánh mất danh tiếng doanh nghiệp và sự tin tưởng, chấp nhận từ công ty mẹ. Trong khi nếu những chi nhánh tập đoàn đa quốc gia này thực hành chính sách toàn cầu sẽ dẫn tới những lo ngại xảy ra mâu thuẫn, xung đột trong kinh doanh

 


Tổng kết lại, những ưu đãi Chính phủ, nhân công giá rẻ, cơ hội phát triển thị trường là những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Những yếu kém về chất lượng lao động, thủ tục hành chính, văn hóa doanh nghiệp là rào cản lớn nhất tới hoạt động kinh doanh và kế hoạch phát triển trong tương lai của doanh nghiệp FDI.

Những tác động của khối này tới chuỗi giá trị và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được nhóm nghiên cứu đánh giá, đang ở quy mô nhỏ.

“Việt Nam nên tập trung hơn xây dựng hơn nữa khối doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ trong nước hơn là tập trung phát triển dựa vào dòng vốn FDI”, nhà kinh tế học Revilla Diez kết luận. 

 

Số liệu Tổng cục thống kê cho thấy nhập siêu tháng 8/2015 ước tính 100 triệu USD. Nhập siêu 8 tháng năm 2015 ước tính 3,6 tỷ USD, tương đương 3,4% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13 tỷ USD (tăng 44% so với mức 9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014 cho thấy sự phụ thuộc lớn của sản xuất và tiêu dùng trong nước vào nguyên liệu nhập khẩu); khu vực FEI 8 tháng xuất siêu 9,4 tỷ USD. 

 

Đức Anh
Theo Vinanet

Trở về

Bài cùng chuyên mục