Kỳ vọng thị trường đang “treo” trước thềm kỳ họp quyết định lãi suất của FED...
Hoảng loạn Trung Quốc, lo sợ Mỹ: Rối loạn vàng, USD
- Cập nhật : 21/09/2015
(Tin kinh te)
Một lượng tiền lớn tìm nơi trú ẩn với việc đồng USD tăng lên. Vàng chưa thể thoát ra khỏi xu hướng giảm kéo dài từ cuối 2011. Giá có thể xuống dưới 1.100 USD/ounce, thậm chí dưới 1.000 USD/ounce.
Quyết định chưa rõ ràng của Fed đã cho thấy định hướng chưa rõ ràng của Mỹ trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc. Điều này càng kéo dài thêm những lo ngại về tương lai của nền kinh tế thế giới.
Sự bấn loạn chưa có điểm dừng
Hàng loạt các thị trường hàng hóa đã nhanh chóng tăng trở lại sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định hoãn chưa tăng lãi suất cơ bản từ mức thấp kỷ lục gần 0% kéo dài gần một thập kỷ qua. Sáng 18/9, giá vàng trên thị trường châu Á tiếp tục tăng giá thêm gần 3 USD sau khi đã tăng 0,8% vào cuối phiên giao dịch khi mà Fed quyết định không tăng lãi suất.
Đa số các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm do những lo ngại về việc dòng vốn ngoại có thể bị rút ra lắng xuống. Đồng USD giảm so với phần lớn các đồng tiền khác ngay cuối phiên giao dịch 17/9 tại Mỹ và mở đầu giờ sáng 18/9 trên thị trường châu Á.
Tuy nhiên, tất cả dường như chỉ là biến động tạm thời, ngắn hạn. Chỉ số đo lường đồng USD với rổ các ngoại tệ chính DXY đã rập rình tăng trở lại trong cả buổi sáng 18/9 trên thị trường châu Á. Chứng khoán Nhật tụt giảm gần 2%...
Các NĐT lo lắng dòng vốn nước ngoài, dòng tiền USD sẽ bị rút chạy, chuyển về Mỹ khi lãi suất tiền USD tăng lên
Nhiều TTCK châu Á đã dần đánh mất sự hứng khởi sau khi đón nhận thông tin Fed hoãn tăng lãi suất. Các chỉ số Shanghai Composite, KLCI của Malaysia, Jakarta Composite của Indonesia và VN-Index của Việt Nam tăng khá khiêm tốn trong khoảng 0,2-0,6%, Chỉ số tầm rộng MSCI của các thị trường mới nổi tăng 0,4%.
Trước đó, phản ánh từ khắp các thị trường mới nổi cho thấy, các NĐT lo lắng dòng vốn nước ngoài, dòng tiền USD sẽ bị rút chạy, chuyển về Mỹ khi lãi suất tiền USD tăng lên. Nhưng giờ đây các NĐT dường như không thực sự hứng phấn đối với quyết định không tăng lãi suất của Fed.
Trên thực tế, việc Fed hoãn tăng lãi suất đã được giải thích khá rõ là bởi: thị trường quốc tế nhiều biến động, các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng (trong đó có yếu tố Trung Quốc) và lạm phát ở mức thấp tại Mỹ.
TTCK các nước là hàn thử biểu của nền kinh tế. Do vậy, những lo lắng đối với kinh tế Trung Quốc, kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK chung có lẽ là điều dễ hiểu.
Đồng USD đã giảm ngay sau khi Fed tuyên bố chưa tăng lãi suất. Tuy nhiên, mức độ giảm không lớn và đồng tiền này nhấp nhổm tăng trở lại ngay sau đó trên thị trường châu Á.
USD tiếp tục tăng giá
Giải thích quyết định của mình, tuyên bố của Fed cho biết, một trong các lý do dẫn tới việc chưa tăng lãi suất là bởi những diễn biến kinh tế và tài chính trong thời gian gần đây trên thế giới có thể cản trở các hoạt động kinh tế và tạo thêm sức ép giảm đối với lạm phát của Mỹ trong trung hạn.
Trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc - đang lao đao tái cấu trúc, kinh tế Nhật bị hạ xếp hạng do không thể cải thiện đà tăng trưởng kinh tế và châu Âu chìm ngập trong khủng hoảng, thì Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định trong hơn 2-3 năm gần đây. Điều lo lắng lớn nhất của Mỹ hiện tại là lạm phát thấp, chưa tiếp cận tới mục tiêu 2% đề ra.
Chưa tăng lãi suất là một quyết định cẩn trọng nhằm đánh giá những tác động tiêu cực của những biến động không thuận trên thị trường kinh tế tài chính trên thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Quyết định của Fed là một chỉ báo cho thấy, các đánh giá đang nghiêng về xu hướng nền kinh tế thế giới đang hoạt động yếu hơn dự báo trước đó và kinh tế Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong một bức tranh tổng thể, các chỉ số vĩ mô của Mỹ cho thấy, nền kinh tế nước này vẫn tích cực vượt trội so với phần lớn còn lại của thế giới. TTCK Mỹ đã tăng khá nhiều so với mức giảm 14% của chỉ số MSCI Emerging Markets Index, chỉ số đo thị trường chứng khoán ở những quốc gia mới.
Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ vẫn có cơ sở vững chắc để sớm tăng lãi suất và đồng USD vẫn chưa rớt ra khỏi xu hướng tăng giá đã xác lập trong khoảng 2 năm nay. Diễn biến không giảm mạnh và rập rình tăng trở lại của đồng USD cho thấy, các NĐT vẫn đang tìm kiếm lý do để đánh cược vào một đợt tăng lãi suất đầu tiên trong tháng 11 và 12 tới.
Hàng loạt các ý kiến cho rằng, nhiều khả năng, Fed sẽ chờ tới tháng 12 khi mà tình hình tại các nền kinh tế mới ổn được dự báo ổn định trở lại và lạm phát tại Mỹ gia tăng trước khi chấm dứt thời kỳ đồng USD giá rẻ.
Xu hướng USD tăng giá vẫn là không thay đổi. Sự phục hồi được cho là bắt đầu từ ngay trong tuần sau. Các thị trường mới nổi vẫn sẽ chứng kiến một lượng tiền nhất định chạy ngược trở về Mỹ. Vàng theo đó chưa thể thoát ra khỏi xu hướng giảm kéo dài từ cuối 2011. Giá có thể xuống dưới 1.100 USD/ounce, thậm chí dưới 1.000 USD vào đầu 2016 khi Mỹ bắt đầu tăng lãi suất.
Tuy nhiên, Fed tăng lãi suất không hẳn là điều tồi tệ. Trên tờ Marketwatch, Thống đốc NHTW Nhật cho rằng, Fed tăng lãi suất sẽ đồng nghĩa với sự phục hồi kinh tế Mỹ thực sự ổn định. Thế giới sẽ được nhờ từ quyết định này.
Theo đánh giá của SSI Research, việc Fed nâng lãi suất có thể gây khó khăn cho một số nước nhưng sẽ không xảy ra làn sóng đổ vỡ hay sụt giảm mạnh của thị trường tài chính, thậm chí, ở một khía cạnh nào đó, việc FED nâng lãi suất có thể là tích cực cho TTCK.
Các quyết định của Fed, thường khá thận trọng, việc duy trì lãi suất cơ bản thấp gần 0% trong gần một thập kỷ qua đã giúp thị trường tài chính thế giới trong giai đoạn 2007-2008 tránh đổ vỡ và hồi phục lại sau đó.
Theo H.Tú
Vietnamnet