Dự trữ ngoại hối của Việt Nam kể từ đầu năm 2016 đã đạt mức cao kỷ lục là 38 tỉ USD (chưa bao gồm vàng).
Kiểm soát lãi suất để tránh biến động
- Cập nhật : 17/06/2016
NHNN muốn kiểm soát chặt chẽ hơn tình hình lãi suất NH, tránh những biến động không đáng có. Trên cơ sở đó NHNN đưa ra điều chỉnh cho phù hợp để đạt được mục tiêu của Chính phủ.
NHNN Việt Nam vừa có các văn bản về việc yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo tình hình lãi suất, huy động, cho vay bằng đồng VND và các giải pháp để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay bằng VND, bắt đầu từ kỳ báo cáo tháng 6/2016. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, yêu cầu trên của NHNN là bình thường.
Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?
Tôi cho rằng, có hai mục tiêu mà NHNN hướng tới qua yêu cầu trên. Đó là NHNN muốn kiểm soát chặt chẽ hơn tình hình lãi suất NH, tránh những biến động không đáng có. Trên cơ sở đó NHNN đưa ra điều chỉnh cho phù hợp để đạt được mục tiêu của Chính phủ. Vì thế, những yêu cầu trên là biện pháp giám sát của cơ quan quản lý nhằm thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất theo đúng lộ trình đề ra. Thực tế, không phải bây giờ NHTM mới làm, mà trước nay chúng tôi vẫn thường xuyên báo cáo tình hình lãi suất huy động, cho vay với NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Có thể với thông báo trên thì việc báo cáo này sẽ triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống, tại tất cả các tỉnh, thành.
Với diễn biến thị trường như hiện nay, lãi suất cho vay có thể giảm thêm không, thưa ông?
Hiện tại, diễn biến lãi suất đang khá tích cực. Lãi suất huy động đang có xu hướng giảm sẽ là tiền đề quan trọng để các NH thực hiện giảm lãi suất cho vay. Thời gian qua, SCB cũng đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Lãi suất cho vay ngắn hạn đang được SCB áp dụng ở mức tối thiểu từ 8 – 8,5%/năm, còn lãi suất cho vay trung dài hạn tối thiểu ở mức 9,5%/năm. Nếu so với các NH lớn thì lãi suất của SCB có phần nhỉnh hơn, nhưng chúng tôi xác định cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Vì thường NHTMCP không có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ.
Một số NH đang có xu thế tăng phát hành trái phiếu, còn SCB thì sao thưa ông?
Năm 2015, SCB đã thực hiện phát hành trái phiếu với tổng giá trị là 1.000 tỷ đồng. Năm nay chúng tôi cũng triển khai việc này từ đầu năm với khối lượng tương đương so với năm ngoái. Tôi cho rằng, đây là một xu thế đúng, phù hợp với bối cảnh thị trường. Như bạn biết, khối lượng vốn ngắn hạn trong hệ thống NH Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn. Trước đây có thể với yêu cầu không quá khắt khe các TCTD tự cân đối nguồn được nên ít thực hiện phát hành trái phiếu vì chi phí huy động cao.
Nhưng đến thời điểm này, sau khi NHNN đưa ra yêu cầu chặt chẽ về việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thì các NH thấy cần thiết phải cấu trúc lại nguồn vốn trung, dài hạn để đảm bảo hoạt động an toàn bền vững. Để có được nguồn vốn trung, dài hạn ổn định thì việc phát hành trái phiếu là kênh huy động rất tốt. Tất nhiên, để bán thành công trái phiếu thì lãi suất sẽ phải đủ hấp dẫn. Cũng như các kênh huy động vốn khác, lãi suất NH đưa ra dựa theo cung cầu vốn trên thị trường. Về nguyên tắc, thời hạn dài lãi suất phải cao.
Còn kế hoạch gọi vốn ngoại của SCB triển khai thế nào, thưa ông?
Trong suốt giai đoạn thực hiện tái cơ cấu, SCB vẫn gọi được vốn ngoại. Cụ thể, một số quỹ đầu tư ngoại đang nắm giữ 29% vốn điều lệ tại SCB. Với sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại đã giúp SCB có thêm được nguồn vốn, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, SCB vẫn đang thiếu một đối tác chiến lược lớn. Đối với SCB thì room khối ngoại không phải là vấn đề vì NHNN đã chấp thuận về mặt chủ trương cho phép NH mở room tối đa lên trên 50%. Vấn đề chỉ còn tùy thuộc NH triển khai tìm kiếm đối tác chiến lược thế nào cho phù hợp. Quả thực, để tìm được đối tác chiến lược ngoại có thể am hiểu, đồng hành, chia sẻ chiến lược với NH không hề đơn giản. SCB vẫn đang tìm kiếm nhưng đó là cả quá trình chứ không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
Xin cảm ơn ông!
Huyền Thanh thực hiện
(Thời báo Ngân hàng)