Thị trường tài chính tiền tệ cuối năm có nhiều diễn biến phức tạp đặc biệt sau khi FED chính thức tăng lãi suất 0,25%, chấm dứt gần một thập kỷ duy trì lãi suất 0%.
Năm 2016, lãi suất sẽ được NHNN điều hành như thế nào?
- Cập nhật : 28/01/2016
(Tai chinh)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều hành lãi suất chủ động, linh hoạt để điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Trên cơ sở đánh giá diễn biến và dự báo về kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, trong năm 2016, NHNN tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát (dưới 5%), ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý (khoảng 6,7%), đảm bảo an toàn hệ thống.
“Đây là điểm vô cùng quan trọng đã mang lại thành công trong điều hành chính sách tiền tệ những năm vừa qua”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Theo đó, trong năm 2016 này, ngành ngân hàng định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20%; đồng thời căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp.
Để đạt được các mục tiêu trên, theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, các giải pháp điều hành sẽ được ngành ngân hàng tập trung vào các trọng tâm.
Việc điều hành lãi suất cần hài hòa với diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối và cân đối lợi ích giữa ngân hàng- người gửi tiền – người vay.
Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, tăng cường công tác phân tích, thống kê, dự báo để kịp thời tham mưu, chủ động đề xuất các giải pháp điều hành phù hợp.
Thứ hai, chủ động điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) theo phương châm nâng cao vị thế đồng Việt Nam; thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng để tiếp tục giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.
Thứ ba, thực hiện các giải pháp về tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, tiếp tục theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý. Tiếp tục tập trung nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa để chủ động, kịp thời trong điều hành CSTT.
Thứ năm, triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về các giải pháp điều hành CSTT và thực trạng hoạt động ngân hàng.
Riêng về lãi suất, theo bà Hồng, việc điều hành lãi suất cần hài hòa với diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối và cân đối lợi ích giữa ngân hàng- người gửi tiền - người vay. Trong năm 2016 với khả năng lạm phát năm 2016 có thể cao hơn năm 2015, mặt bằng lãi suất đến nay là tương đối phù hợp với định hướng lâu dài để ổn định lạm phát ở mức dưới 5%. Do đó, thời gian tới, NHNN sẽ điều hành lãi suất chủ động, linh hoạt để điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
“Về cơ bản năm 2016, NHNN sẽ điều hành lãi suất ổn định như hiện nay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Hồng thông tin.
Đề cập tới định hướng điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc cho hay: NHNN sẽ thực hiện cơ chế điều hành tỷ giá mới, phù hợp với điều kiện kinh tế thế giới có những biến động, tác động tới tâm lý trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước.
“NHNN sẽ công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày với biến động theo cả hai chiều lên xuống để phản ánh sát hơn diễn biến của thị trường trong và ngoài nước nhằm hạn chế những cú sốc từ bên ngoài cũng như loại bỏ dần tâm lý găm giữ, đầu cơ trên thị trường ngoại tệ”, Phó Thống đốc khẳng định.
Dữ liệu từ NHNN cho biết: Lãi suất huy động bằng VND tương đối ổn định. Hiện, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Lãi suất huy động bằng USD tương đối ổn định: Hiện nay lãi suất huy động USD của TCTD phổ biến ở mức 0 %/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất cho vay USD tương đối ổn định: Hiện lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,3%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-5,2%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,3-6,2%/năm.