So với các nước khác cùng thứ hạng trong khu vực, NIM của các ngân hàng thương mại Việt Nam thuộc vào hạng thấp. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh của các nhà băng, một điều có thể nhìn thấy khá rõ là lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc phần lớn vào hoạt động tín dụng.
Tỷ giá 2016: Áp lực đến từ bên ngoài
- Cập nhật : 30/01/2016
(Tai chinh)
Bước sang năm 2016, NHNN đã chính thức áp dụng cơ chế điều hành mới với tỷ giá trung tâm hàng ngày. Cơ chế này được nhìn nhận là linh hoạt, sát với thị trường hơn và gắn nhiều hơn với thị trường quốc tế.
Cẩn trọng với thị trường bên ngoài
Nhìn lại diễn biến tỷ giá năm 2015, các yếu tố gây biến động khá mạnh của tỷ giá đều đến từ các yếu tố trên thị trường quốc tế. Bước qua năm 2016, nhiều dự báo cho thấy đây vẫn là các áp lực chủ yếu đối với thị trường ngoại hối trong nước.
Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng không nhìn thấy yếu tố rõ ràng nào từ các yếu tố trong nước có thể gây áp lực lớn cho tỷ giá nhưng “Rủi ro tỷ giá ở mức đáng kể với áp lực từ các yếu tố bến ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc”. Thêm vào đó là lộ trình tăng giá đồng USD của Fed.
Ông Adel Meer - Giám đốc phụ trách nhóm các định chế tài chính, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính IFC cho rằng, trong khi tác động của lộ trình tăng lãi suất ở Mỹ không lớn (bởi hầu hết các thị trường đã có những chuẩn bị, điều chỉnh cho xu hướng này từ trước đó) thì tác động từ việc điều chỉnh của các thị trường lớn trong khu vực - như Trung Quốc - sẽ lớn hơn.
Minh chứng là việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách hay mua vào ít hàng hóa thiết yếu trên toàn cầu hơn trong thời gian qua đã có tác động mạnh hơn rất nhiều so với việc kinh tế Mỹ phục hồi thế nào.
Tuy nhiên theo VCBS “thị trường trong nước chuẩn bị và phòng ngừa phần nào”.
Áp lực sẽ không quá lớn
“Trong một kịch bản tương đối tích cực và không có biến động lớn trên thế giới vượt ngoài tầm dự báo, chúng tôi kỳ vọng VND sẽ giảm giá khoảng 4% - 5% so với USD trong năm 2016” – VCBS dự báo.
Trong khi đó theo Trung tâm Nghiên cứu Maritime Bank, dù ở kịch bản nào, mức độ mất giá của VND sẽ không vượt quá 5%; còn về cơ bản, mức tăng tỷ giá năm 2016 khả năng nhiều sẽ nằm trong khoảng 3-4%. Đây cũng là mức mà báo cáo KTVM quý IV/2015 của Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) đưa ra.
NHNN đã tương đối thành công trong việc dỡ bỏ chế độ tỷ giá cố định mà không gây ra những biến động mạnh trên thị trường
Các mức giảm giá được đưa ra trên chỉ là dự báo xu hướng biến động của tỷ giá tại Việt Nam từ đầu năm đến cuối năm, chứ không phản ánh việc NHNN sẽ phải tiến hành các đợt điều chỉnh tỷ giá như trước đây. Tức là về mặt con số thì có thể sẽ tiếp tục có những biến động giảm như vậy nhưng về bản chất của việc giảm giá thì đã khác trước.
Bởi ngay từ đầu năm 2016 (ngày 4/1/2016), NHNN đã chính thức áp dụng cơ chế điều hành mới với tỷ giá trung tâm hàng ngày. Cơ chế này được nhìn nhận là linh hoạt, “trườn bò” sát với thị trường và gắn nhiều hơn với thị trường quốc tế.
“Động thái này, theo chúng tôi là đúng đắn, hợp lý và cần thiết nhằm ứng phó với những diễn biến bất ngờ trên thị trường thế giới. Đồng thời, một chính sách tỷ giá linh hoạt hơn sẽ góp phần tạo dư địa để nhà điều hành duy trì mức lãi suất ổn định nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng” – báo cáo của VCBS nhận định.
Còn theo báo cáo của VEPR, cơ chế điều hành tỷ giá mới hướng đến thị trường hơn và NHNN đã tương đối thành công trong việc dỡ bỏ chế độ tỷ giá cố định mà không gây ra những biến động mạnh trên thị trường.
Đáng chú ý, cùng với cơ chế điều hành tỷ giá mới thì với một loạt các động thái mà NHNN đã tiến hành trong thời gian qua như: Bán ra một phần dự trữ ngoại hối; hạ lãi suất huy động USD về 0%; ban hành Thông tư số 15 quy định chặt chẽ việc mua - bán ngoại tệ giao ngay… sẽ giúp hạn chế hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, nhờ đó sẽ giảm áp lực với tỷ giá.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư vào nội địa đang có dấu hiệu khả quan sau khi đàm phán TPP được hoàn thành và làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ nên kỳ vọng tỷ giá sẽ không còn chứng kiến những cú sốc khá lớn như trong năm 2015.
Trong 3 phiên trở lại đây (25-27/1), tỷ giá đã liên tục lao dốc. Với mức giảm gần 100 đồng/USD, hiện mức giá bán USD tại các NH chỉ còn phổ biến trong khoảng 22.350-22.360 đồng/USD (ngày 27/1). Tỷ giá trung tâm áp dụng cho ngày 27/1/2016 là 21.893 đồng, thấp hơn 3 đồng so với thời điểm ngày 4/1, khi cơ chế này được áp dụng.
Tỷ giá của các NHTM dù có nhiều thời điểm diễn biến ngược chiều nhưng về cơ bản vẫn theo xu thế này. Đơn cử tại Vietcombank, giá bán ra USD ngày 4/1 là 22.540 đồng, nhưng sau biến động qua các phiên thì đến ngày 27/1 cũng chỉ còn 22.330 đồng.
Điều đó cho thấy, cơ chế tỷ giá mới đang phát huy những tác động tích cực tới thị trường, ít nhất là trong ngắn hạn.